Cô giáo có duyên 'làm dâu' vùng rẻo cao

GD&TĐ - Tuổi nghề chưa dài nhưng cô Nguyễn Thị Sang có duyên đặc biệt, gắn bó với học sinh dân tộc thiểu số từ vùng cao Tây Bắc về tới miền Tây Nghệ An.

Cô Nguyễn Thị Sang và học trò tại Trường Tiểu học Lượng Minh (huyện Tương Dương, Nghệ An).
Cô Nguyễn Thị Sang và học trò tại Trường Tiểu học Lượng Minh (huyện Tương Dương, Nghệ An).

Trải nghiệm ở Tây Bắc

Đến nay cô Nguyễn Thị Sang đã có 3 năm gắn bó với Trường Tiểu học Lượng Minh và là năm thứ 10 về dạy học tại huyện Tương Dương, Nghệ An. Trước đó, cô giáo đã có thời gian đầu đời nghề gõ đầu trẻ ở tận Tây Bắc xa xôi.

Cô Sang quê ở Hà Tĩnh, thích làm giáo viên từ nhỏ nên cô thi vào sư phạm tiểu học và tốt nghiệp năm 2007. Tuổi trẻ nhiệt huyết, cô xung phong vùng cao Tây Bắc, nhận nhiệm vụ tại huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Dù đã chuẩn bị trước tinh thần, nhưng khi vào cắm bản tại Nậm Đoóng, Trường Tiểu học Pú Đao, cuộc sống khó khăn, vất vả của học sinh và bà con dân bản vẫn ngoài sức tưởng tượng của cô giáo trẻ.

Năm học đầu tiên, cô phụ trách dạy lớp 4 với 18 học sinh nhưng các em mới chỉ biết đánh vần, chưa đọc trơn được. Môn Toán thì mới thực hiện các phép cộng trừ trong phạm vi 10. Đa số các em nói tiếng phổ thông còn hạn chế, nhút nhát khi đến lớp. Đồ dùng học tập, thiết bị dạy học thiếu thốn. Học trò đến trường quần áo không đủ mặc, mùa đông lạnh co ro. Thương học sinh, cô vận động từ bạn bè, người thân quen quyên góp quần áo, giày dép cho các em. Đồng thời tìm đến từng gia đình thăm hỏi, trò chuyện với bố mẹ học sinh.

Cô Nguyễn Thị Sang (bên trái) và đồng nghiệp Trường Tiểu học Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An.

Cô Nguyễn Thị Sang (bên trái) và đồng nghiệp Trường Tiểu học Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An.

Cô Sang chia sẻ: “Tôi quê Hà Tĩnh, cũng là một vùng quê nghèo, đất cằn sỏi đá, khí hậu khắc nghiệt, chịu nhiều thiên tai. Nhưng lên vùng cao Tây Bắc tôi vẫn bị sốc trước những khó khăn, vất vả của bà con, học sinh nơi đây. Nhớ nhà, nhớ quê, không biết mình sẽ trụ lại được bao lâu. Nhưng quả thật, nghề giáo và tình yêu trò đã giữ tôi ở lại. Đó là thứ tình cảm yêu thương, trách nhiệm khó diễn tả và lý giải được. Chỉ thấy tự trào lên trong lòng ý thức và mong muốn làm được điều gì đó cho học trò dân tộc thiểu số còn nhiều thiếu thốn”.

Những ngày tháng cắm bản cô cảm nhận được người dân bản tuy nghèo nhưng sống rất tình cảm, có mớ rau, đùm măng, bắp ngô… cũng chia sẻ, động viên cô giáo. “Cái nghèo đôi khi khiến họ không có thời gian, vật chất đầu tư cho việc học của con cái, còn tình trạng học sinh nghỉ học đi rẫy, đi làm sớm theo gia đình. Nhưng họ quý thầy cô giáo và muốn thầy cô ở lại với bản làng, với lũ trẻ”, cô Sang nói.

Cô giáo làm dâu rẻo cao xứ Nghệ

Công tác ở ngôi Trường Tiểu học Pú Đao, cô Sang bén duyên với một thầy giáo cùng trường, quê ở tận huyện vùng cao Tương Dương, Nghệ An. Có lẽ sự đồng cảm của những người trẻ xa quê xứ Nghệ lên Tây Bắc dạy học đã khiến 2 người xích lại gần nhau, nên duyên vợ chồng.

“Cưới nhau xong chúng tôi quay lên Lai Châu dạy học. Nhưng vợ chồng có nỗi lo mới khi bố mẹ ở quê không ai chăm sóc, mỗi năm chúng tôi chỉ về quê được dịp tết và hè, lại phải chia ra đi bên nội bên ngoại. Bố mẹ chồng già yếu, cần 1 trong 2 chúng tôi về gần. Vậy là chồng tôi tiếp tục dạy học ở Pú Đao, còn tôi xin chuyển công tác về huyện Tương Dương, Nghệ An”.

Rời xa mảnh đất rẻo cao Tây Bắc đã gắn bó 5 năm tuổi trẻ, đem cho tình cảm thiêng liêng với nghề, với học trò, cô về quê chồng dạy học. Lần này, cô lại tiếp tục gắn bó với những ngôi trường vùng cao, ở huyện Tương Dương miền Tây xứ Nghệ.

Sau thời gian dạy học ở Lai Châu, cô Nguyễn Thị Sang chuyển công tác về quê chồng và gắn bó với học sinh dân tộc thiểu số tây Nghệ An.

Sau thời gian dạy học ở Lai Châu, cô Nguyễn Thị Sang chuyển công tác về quê chồng và gắn bó với học sinh dân tộc thiểu số tây Nghệ An.

Năm 2012, khi mới chuyển công tác về huyện Tương Dương, cô giảng dạy tại Trường Tiểu học Yên Hòa 2, cách nhà ở xã Xá Lượng 70km. Hàng tuần cô chở theo hai con nhỏ cùng vào trường để tiện chăm sóc và công tác. Cuối tuần lại chở hai con về để chăm sóc bố mẹ chồng và cho cháu thăm ông bà. Đều đặn, kiên trì như vậy. Môi trường mới, đồng nghiệp mới, học sinh mới nhưng trong chuyên môn cô không hề sao nhãng, mà vẫn luôn tìm hiểu thực tiễn để có bài giảng phù hợp, hiệu quả.

Đến năm 2019, xét hoàn cảnh, lãnh đạo huyện đã quyết định chuyển cô Nguyễn Thị sang về công tác Trường Tiểu học Lượng Minh, xã lân cận Xá Lượng. Quãng đường đi từ trường về nhà của cô giảm được một nửa, nhưng cô vẫn tham gia cắm bản xa, dạy lớp ghép ở điểm trường bản Đửa, Minh Phương...

Đây cũng là xã khó khăn và đặc biệt hơn là điểm nóng về tệ nạn ma túy của huyện Tương Dương và tỉnh Nghệ An. Nhiều em học sinh có hoàn cảnh éo le khi bố hoặc mẹ nghiện ma túy hoặc thiếu hiểu biết mà vi phạm pháp luật… Cô tâm sự: “Có lẽ tôi có duyên với học trò vùng cao, và mong muốn của tôi cũng đơn giản là dạy dỗ các em biết chữ, biết điều hay lẽ phải trong cuộc sống. Để thế hệ các em lớn lên, sẽ thoát khỏi những hệ lụy từ sai lầm của thế hệ trước để lại”.

Nhiều năm liền, cô Nguyễn Thị Sang đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp, là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và có nhiều đóng góp vào phong trào dạy tốt học tốt của ngành GD&ĐT huyện.

Năm học này, cô Nguyễn Thị Sang không tham gia giảng dạy mà đang tạm thời giúp Ban giám hiệu nhà trường quản lý, chỉ đạo chuyên môn dạy học. Thầy Nguyễn Văn Thanh – Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Hiện trường đang thiếu một phó hiệu trưởng, cô Sang là giáo viên có năng lực chuyên môn rất tốt, luôn sáng tạo đổi mới dạy học và được đồng nghiệp tín nhiệm. Tuy nhiên, điều đặc biệt là cô chỉ mong muốn được dạy học bình thường, tiếp xúc gần gũi, gắn bó với học sinh. Vì vậy, thời gian này cô vẫn đang hỗ trợ công việc cho Ban giám hiệu cho đến khi nhà trường được bổ sung cán bộ quản lý”.

Bà Võ Thị Tuyết Chinh - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương chia sẻ: “Cô Nguyễn Thị Sang - GV Trường PTDTBT Tiểu học Lượng Minh là một giáo viên có chuyên môn rất tốt, tâm huyết với nghề. Cô luôn có một tình yêu rất lớn đối với công việc giảng dạy và yêu thương học trò. Cô luôn là hạt nhân tiên phong trong mọi công việc chuyên môn, các phong trào của nhà trường, trong gia đình và xã hội. GD&ĐT huyện miền núi nếu có nhiều giáo viên như cô giáo Sang thì chắc chắn chất lượng sẽ có sự chuyển mình lớn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.