Cô giáo lọt top 50 giáo viên toàn cầu nhờ giáo dục trực tuyến

Giáo dục trực tuyến giúp cô Hà Ánh Phượng vươn ra toàn cầu. Cô mong học trò của mình cũng vượt qua khó khăn trong mùa dịch Covid-19 nhờ phương pháp này.

“Học trò của tôi phải trông em hay nấu cám lợn khi đang học trực tuyến”, cô Hà Ánh Phượng - đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào danh sách top 50 giáo viên toàn cầu 2020 - kể về chuyện học online ở miền núi.

Trao đổi với Zing nhân dịp đầu năm học mới, nữ giáo viên cho biết cô đã chuẩn bị phương án dạy học trực tuyến thay vì soạn giáo án thông thường như mọi năm.

"Tôi làm sẵn bài giảng, ngân hàng đề online. Nếu dịch bùng phát, học sinh có nhiều nguồn tài liệu bổ ích hơn. Tôi có thể quản lý thời gian và dạy hiệu quả hơn", cô Phương nói.

co giao mien nui lot top 50 the gioi anh 1

Cô Hà Ánh Phượng tự đặt tiêu đề cho câu chuyện về bản thân mình là "Từ vườn chuối, tôi nhìn ra thế giới".

"Người dám dạy phải không bao giờ ngừng học"

- Là giáo viên dạy học ở vùng sâu, xa, giáo dục trực tuyến và tự học giúp cô vươn ra toàn cầu như thế nào? Đổi lại, việc trở thành chuyên gia giáo dục của Microsoft hỗ trợ gì cho công tác dạy học của cô?

Với nghề giáo, tôi tâm niệm với trích dẫn của John Cotton Dana - “người dám dạy phải không bao giờ ngừng học”. Giáo dục là không giới hạn. Vì vậy, tôi chọn mô hình dạy học và phát triển chuyên môn qua hình thức trực tuyến để phá bỏ rào cản trong việc học ngoại ngữ mà học sinh dân tộc ở ngôi trường miền núi gặp phải. Tôi mong muốn đem giáo dục thế giới đến gần các em.

Khi còn là sinh viên cao học ở Hà Nội, dạy học tại một số trung tâm, tôi kết nối mô hình học trực tuyến cho học trò. Khi tôi về quê công tác, việc áp dụng mô hình dạy học trực tuyến trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, bởi học sinh ở quê không có nhiều cơ hội học tập ngoại ngữ như học sinh thành phố.

Năm 2018, tôi tham gia diễn đàn "Giáo dục sáng tạo" của Microsoft. Đây chính là nơi mang tôi đến gần hơn với sự phát triển của giáo dục của thế giới để có thể học hỏi từ các thầy, cô ở trong và ngoài nước.

Việc trở thành chuyên gia giáo dục sáng tạo của Microsoft ( MIE Expert) giúp tôi trưởng thành hơn, những tiết học của mình hiệu quả hơn.

- Giáo dục trực tuyến không có giới hạn trong thời đại mới. Cô có đặt ra giới hạn nào cho bản thân trong công việc dạy học không?

Giáo viên không nên đặt ra giới hạn cho bản thân hay học trò. Thay vào đó, người thầy nên tạo môi trường thuận lợi nhất để học sinh phát huy tối đa năng lực và phẩm chất của mình.

Giới hạn tôi đặt ra ở đây đơn giản là kết nối với cộng đồng giáo viên uy tín, biết rõ họ đến từ trường nào trên thế giới.

Bên cạnh đó, tôi luôn nhắc học trò về giới hạn “hòa nhập không hòa tan”. Trong các giờ học kết nối, các em hiểu cái đẹp, hay của văn hóa, phát huy, quảng bá và giới thiệu những nét đặc sắc của quê hương mình.

co giao mien nui lot top 50 the gioi anh 2

Cô Phượng kể một số học trò phải vừa học trực tuyến vừa trông em.

Vừa học trực tuyến vừa trông em

- Cơ sở vật chất, đặc biệt tại vùng núi như cô đang công tác, đã đủ để học sinh theo tốt phương pháp dạy - học trực tuyến?

Giáo dục trực tuyến là xu hướng của thời đại. Dịch Covid-19 thúc đẩy quá trình này phát triển mạnh mẽ và rộng rãi hơn.

Thực tế, nhiều trường còn khó khăn, thiếu thốn cơ sở vật chất. Điều đó có thể thấy qua những câu chuyện học sinh lên núi hay di chuyển xa để bắt sóng Wi-Fi, mạng 3G học bài ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Thời gian cao điểm, khi cả nước áp dụng dạy học trực tuyến, qua truyền hình, chất lượng sóng chưa đủ mạnh, nghẽn mạng, cả giáo viên lẫn học sinh lúng túng.

Nhưng cũng may, các bạn học sinh dù ở nông thôn hay thành thị, đều rất nhanh nhạy về công nghệ. Hiện nay, hầu hết học sinh hoặc gia đình đều có ít nhất một chiếc điện thoại thông minh để học tập. Vì thế, các em nhanh chóng làm quen với mô hình này.

- Học sinh còn gặp khó khăn nào khác khi học trực tuyến không, thưa cô?

Sau thời gian dạy trực tuyến, tôi làm bảng khảo sát để nắm vấn đề học sinh gặp phải. Nhiều em phản ánh việc học trực tuyến tại nhà khiến các em khó tập trung. Đây cũng là điều dễ hiểu.

Ở vùng nông thôn và miền núi, nhiều học trò vừa giúp bố mẹ làm việc nhà, nương rẫy, đồng áng, vừa học bài. Một số học sinh thậm chí phải trông em hay nấu cám lợn khi đang học trực tuyến.

Việc quản lý lớp cũng khó khăn hơn cho thầy, cô so với việc học trực tiếp. Do hạn chế của phương pháp trực tuyến, giáo viên gặp vấn đề trong việc giải đáp học sinh, đặc biệt ở lớp đông.

Phương pháp này cũng gặp hạn chế với một số môn học cần thí nghiệm hay các hoạt động trải nghiệm thực tế như Hóa học, Vật lý. Ngoài ra, một số em chia sẻ khối lượng bài tập được giao đôi lúc khá nhiều.

- Là người quen ứng dụng công nghệ vào dạy học, cô có kỷ niệm nào khiến mình nhớ mãi?

Thời gian đầu, tôi thấy hơi ngợp vì khối lượng công việc khá lớn. Tôi vừa đảm bảo việc dạy học ở trường, vừa tham gia dạy học qua truyền hình, YouTube, hoạt động hội nhóm chuyên môn, viết sách hướng dẫn ôn thi, ra app học trực tuyến môn Tiếng Anh.

Ngoài ra, tôi còn hỗ trợ giáo viên trong và ngoài tỉnh về kỹ thuật dạy học trực tuyến và quản lý lớp.

Tôi vẫn nhớ buổi dạy học qua truyền hình đầu tiên. Đó là lần đầu giảng bài không có học sinh, chỉ một mình đứng đối diện máy quay. Tôi thật sự không quen và căng thẳng đến mức không thể hoàn thành bài giảng. Sau đó, tôi phải ngừng lại, để hôm sau quay tiếp.

Bây giờ, tôi khá quen rồi, hiểu rõ cách thức hơn. Nhưng dù sao, giai đoạn bận rộn đó cũng rất đáng nhớ.

- "Lớp học không biên giới" của cô có phải dừng lại vì dịch Covid-19 không?

Mô hình vẫn diễn ra nhưng với cách thức khác. Trước kia, tôi thông qua công cụ trực tuyến để kết nối học sinh lớp mình với lớp khác, có thể ở Việt Nam hoặc nước ngoài.

Khi có dịch, học trò vẫn làm chung dự án. Các em sử dụng công cụ của Microsoft, tự làm ở nhà rồi báo cáo, thuyết trình, đưa lên "lớp học trên mây". Học sinh lớp khác tham gia cùng.

Trong giai đoạn đó, tôi cho các em làm một số dự án, trong đó có nói về phương pháp phòng, chống dịch Covid-19. Học sinh lớp tôi và các em trên thế giới cùng bày tỏ quan điểm, nâng cao tầm quan trọng của việc phòng, tránh dịch bệnh.

Nhìn chung, khác biệt chỉ là thay vì hai lớp kết nối với nhau qua hai máy tính thì chuyển sang học sinh kết nối với nhau, số lượng đầu máy là số lượng học sinh.

co giao mien nui lot top 50 the gioi anh 3

Cô giáo "Top 50 giáo viên toàn cầu 2020" chuẩn bị cả bài giảng trực tiếp lẫn trực tuyến cho năm học mới.

Sẽ làm ngân hàng bài giảng online

- Cô có hài lòng về kết quả mà giáo dục trực tuyến mang lại trong học kỳ vừa qua?

Tôi tin vào hiệu quả của giáo dục trực tuyến. Nếu thực hiện nghiêm túc, hiệu quả mang lại không kém giáo dục trực tiếp.

Năm học vừa rồi, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp của trường THPT Hương Cần đạt 100%. Dù là trường miền núi, chúng tôi có học sinh đạt trên 28 điểm. Việc đạt kết quả như vậy là cả một sự nỗ lực của nhà trường và học sinh.

Ở trường tôi, điểm trung bình Tiếng Anh đầu vào còn kém, đầu ra, con số này cao lên đáng kể. Đó là kết quả của quá trình nỗ lực, bao gồm cả thời gian học trực tuyến và trực tiếp.

Vì không đặt ra giới hạn nào cho học trò, tôi không thể nói hài lòng hay không.

- Nếu năm học tới phương pháp này tiếp tục được áp dụng, cô có tin tưởng thầy, trò sẽ ứng dụng tốt công nghệ để vượt qua khó khăn do dịch Covid-19?

Tôi có cái nhìn lạc quan về giáo dục trực tuyến trong thời gian tới. Giáo viên, học sinh đã có cơ hội làm quen. Cả hai bên nghiêm túc, quyết tâm, hiệu quả sẽ tuyệt vời.

Không chỉ trong dịch, kể cả khi cuộc sống bình thường trở lại, mọi người cũng có thói quen sử dụng phương pháp trực tuyến.

Trường THPT Hương Cần xác định sẽ kết hợp dạy học online kể cả khi dịch được kiểm soát. Chúng tôi sẽ linh hoạt hơn trong phương pháp dạy, học. Với các môn khác, giáo viên cũng có thể áp dụng mô hình lớp học không biên giới.

Sau đợt dịch, các em càng quen hơn với việc thông qua công nghệ để tìm đến sự giúp đỡ từ thầy cô, bạn bè khi học.

- Trước thềm khai giảng, cô trăn trở điều gì và kỳ vọng học sinh sẽ trưởng thành ra sao?

Năm học 2020-2021 bắt đầu khi dịch Covid-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn.

Công tác chuẩn bị cho năm học mới cũng khác hơn mọi năm, dễ thấy nhất là công tác chuẩn bị phòng chống dịch bệnh như việc phun khử khuẩn, đặt dung dịch sát khuẩn tự chế ở mỗi lớp học.

Tôi cũng chuẩn bị cả phương án dạy học trực tuyến thay vì soạn giáo án thông thường như mọi năm. Tôi làm sẵn bài giảng, ngân hàng đề online. Nếu dịch bùng phát, học sinh có nhiều nguồn tài liệu bổ ích hơn. Tôi có thể quản lý thời gian và dạy hiệu quả hơn.

Điều tôi lo lắng nhất là dịch vẫn còn nguy cơ bùng phát trở lại. Học sinh trên cả nước sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở những vùng kinh tế chưa phát triển, các em chưa tiếp cận Internet.

Nhưng dù dịch bệnh phức tạp, tôi vẫn tin với phương pháp trực tuyến với sự nỗ lực toàn ngành, giáo dục sẽ phát triển đúng tiến độ và hiệu quả.

Tôi cũng kỳ vọng “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Trong khó khăn do dịch bệnh, các em trưởng thành, chủ động làm chủ công nghệ, ngoại ngữ.

Theo Zingnews

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...