Cô giáo 9X và cuộc trò chuyện với vị Bộ trưởng Giáo dục tương lai

GD&TĐ - Năm 2017, Tôn Nữ Tường Vy (27 tuổi, giáo viên ở TP.HCM) là một trong số 21 bạn trẻ nhận học bổng toàn phần Chevening của Chính phủ Anh. Vy vừa đặt chân tới Vương quốc Anh để theo học bậc Thạc sĩ ngành Giáo dục và Phát triển Quốc tế tại Viện Giáo dục, thuộc University College London. 

Tường Vy ở University College London, Anh, 2017. Ảnh: Fish
Tường Vy ở University College London, Anh, 2017. Ảnh: Fish

Năm 2011, Tường Vy là một trong 30 bạn trẻ trên thế giới được chọn tham gia Hội nghị Thượng đỉnh về Đổi mới Giáo dục ở Qatar, Trung Đông. Ở đây, cô đã trò chuyện cùng Bộ trưởng Bộ GD&ĐT hiện nay – GS.TS Phùng Xuân Nhạ. 

“Thầy Nhạ luôn tìm hiểu người học mong muốn điều gì”

Khi được hỏi về những chuyến đi, Tường Vy chia sẻ cô rất nhớ chuyến đi đầu tiên của mình với ấn tượng tốt đẹp về thầy Phùng Xuân Nhạ:

- “Ấn tượng của mình lúc đó là thầy Nhạ rất điềm đạm, khiêm tốn và luôn quan tâm người học mong muốn điều gì. Khi biết về ngành học Cử nhân Biên dịch, phiên dịch của mình, thầy hỏi trong xu hướng mọi người đều đi học tiếng Anh, sau này có thể tự đọc được sách báo tiếng Anh, liệu ngành học của mình có cần thiết nữa không. Thầy chân tình hỏi chuyện mình như vậy đó, để khơi gợi mình nghĩ cặn kẽ hơn về vai trò của dịch thuật.

Thầy lắng nghe những trăn trở, mong mỏi của mình về dịch thuật, ngôn ngữ, và về một nền giáo dục trong tương lai. Sau này, khi nghe tin thầy đảm nhiệm vị trí cao nhất ngành Giáo dục, mình hi vọng nhiều vào thầy.

Có thể khi muốn đổi mới trong một hệ thống lớn, cần phải có thời gian chứ không thể có ngay kết quả. Mình tin tưởng vào người thầy luôn lắng nghe người học mong muốn gì như thầy Phùng Xuân Nhạ sẽ làm được gì đó đáng kể cho giáo dục Việt Nam”.

Tường Vy trò chuyện với sư thầy Hiệu trưởng một trường sư dạy cho trẻ em, Mandalay, Myanmar, 2016. Ảnh: Khin Chit Win
Tường Vy trò chuyện với sư thầy Hiệu trưởng một trường sư dạy cho trẻ em, Mandalay, Myanmar, 2016. Ảnh: Khin Chit Win

Niềm tin về một sự đa dạng các hình thức giáo dục

- Được biết Tường Vy theo học ngành Giáo dục và Phát triển Quốc tế tại Viện Giáo dục thuộc University College London, phải chăng bạn đã quyết tâm theo đuổi ngành Giáo dục? Tại sao bạn lại có lựa chọn này?

Tôn Nữ Tường Vy đã đến 15 quốc gia gồm các nước Đông Nam Á, Nhật Bản, Ấn Độ, Qatar, Mỹ và Anh. Tốt nghiệp ĐH Mở TP. HCM, Tường Vy quyết định “khởi nghiệp” ở lĩnh vực giáo dục với Friends English Centre (FEC) gồm các lớp IELTS, Giao tiếp Quốc tế và Phát triển Cá nhân. Năm 2016,  Tường Vy từ chối một cơ hội làm việc ở Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn ở nước ngoài để dành tâm huyết cho dự án giáo dục FEC của cô.

* Mình lớn lên trong môi trường sư phạm vì 3 anh chị của mình đều là giáo viên tiếng Anh. Từ nhỏ, mình đã ước mơ làm trong ngành giáo dục và sẽ du học.

Ngành Giáo dục và Phát triển Quốc tế mình đang theo học thạc sĩ tại Anh cho phép mình chọn những môn liên quan đến xu hướng phát triển giáo dục hiện nay của thế giới, như toàn cầu hóa, mạng xã hội, Internet… Mình sẽ xem xét chúng ảnh hưởng đến người học như thế nào, đặc biệt là những người nghèo, mồ côi, bỏ học, học tại gia. Những gì thuộc về giáo dục chính quy nhiều người đã học rồi. Mình muốn tạo ra sự thay đổi gì đó ở bên ngoài.

- Đi đến nhiều nước, đến nhiều vùng đất kể cả nơi nguy hiểm đang có chiến tranh... vậy bạn đã đi nhiều nơi ở Việt Nam chưa? Và bạn thu lượm gì từ những chuyến đi ở đất nước mình?

* Ở Việt Nam, mình du lịch "bụi" từ Bắc vào Nam rồi, dù chưa phải toàn bộ. Nhưng mình ấn tượng một số làng Chăm ở Ninh Thuận, An Giang. Những nơi đó đều rất khó khăn, nhưng người dân giáo dục gia đình khá kỹ, để giữ được văn hóa Chăm và tôn giáo, tín ngưỡng của mình.

Lần khác, khi đến một số chùa Khmer ở Sóc Trăng, mình rất thích mô hình trẻ em nghèo hoặc mồ côi vào học ở chùa. Nó cũng liên quan đến một chuyến đi khác của mình khi đến Myanmar, nơi cũng có mô hình trường lớp học do sư sãi dạy.

Qua những chuyến đi ở trong và ngoài nước, mình dần trăn trở làm thế nào để những người không đủ khả năng về tài chính và hoàn cảnh gia đình bất lợi vẫn có thể được học.

Khi mở lớp dạy tiếng Anh tại TP. HCM, mình tự biên soạn chương trình và quyết định phương pháp. Ngoài những kỹ năng tiếng Anh và các chủ đề cần thiết trong cuộc sống hàng ngày, thì mình lồng ghép vào các vấn đề xã hội để các bạn có cơ hôi đưa ra chính kiến.

Một điều khá vui là khi mình quyết định mở học bổng miễn học phí cho một số bạn có khó khăn tài chính trong mỗi lớp, thì qua 1 năm rưỡi giảng dạy, mình phát hiện rằng chính các bạn ấy lại là những người học chăm nhất, cố gắng nhất và thân thiết với mình nhất.

- Giáo dục Việt Nam đang có những chuyển đổi mạnh mẽ và rất cần những con người tâm huyết như bạn. Vậy ước mơ giáo dục Việt Nam của bạn là gì?

* Mình lớn lên trong môi trường sư phạm từ gia đình, nên mình thích trường lớp chính quy. Nhưng càng về sau mình càng nhận ra nếu chỉ có giáo dục chính quy thì chưa đủ cho một xã hội đang có những thay đổi nhanh chóng như Việt Nam.

Từng hoàn cảnh cá nhân, sở thích, năng lực… sẽ nảy sinh nhiều nhu cầu phong phú, không thể áp tất cả vào một lớp học, dạy cùng một thứ được.

Mình mong Việt Nam sẽ có đa dạng các hình thức giáo dục. Ví dụ nếu dạy học tại gia, dạy học trong chùa… được nền giáo dục chính quy công nhận để họ có thể tiếp tục trở lại trường chính quy học cao hơn thì quá tốt.

Mình rất hi vọng có sự thấu hiểu, hỗ trợ chân thành từ những người làm chính sách để những người trẻ như mình được cống hiến cho đất nước. Khi mỗi người, mỗi nhóm trong xã hội có cơ hội đóng góp khả năng của họ, ngành giáo dục Việt Nam sẽ giảm được nhiều áp lực và công cuộc đổi mới sẽ hiệu quả hơn.

Tường Vy trò chuyện với người dân trong trại tị nạn dọc biên giới Thái Lan - Myanmar, 2016. Ảnh: Heather
Tường Vy trò chuyện với người dân trong trại tị nạn dọc biên giới Thái Lan - Myanmar, 2016. Ảnh: Heather

Dùng chứng minh thư Việt Nam để vào… trại tị nạn Thái Lan!

- Bạn đi nước ngoài dự hội thảo, hội nghị... và cũng có chuyến đi tự khám phá. Vậy Vy thích chuyến đi theo kiểu như thế nào hơn?

* Mình thích “đi bụi” một mình hơn. Tuy mỗi cái đều có thuận lợi, bất lợi và mang đến trải nghiệm khác nhau, nhưng tinh thần mình tự đi, tự đối mặt với những nguy cơ khiến mình vừa lo lắng, sợ hãi nhưng cũng rất đáng làm, xem khả năng xoay sở trong cuộc sống của mình tới đâu.

Mình nhớ nhất chuyến đi vào trại tị nạn ở biên giới Myanmar – Thái Lan. Việc ra vào ở đây rất khó, phải có giấy phép của Bộ Nội vụ Thái Lan, mà mình thì không đi với phái đoàn nào. Cách duy nhất của mình là liên hệ với người quen, giúp mình vào và ra bằng con đường của người địa phương.

Và mình phát hiện những cách của người địa phương vào trại tị nạn rất bất ngờ! Anh bạn dẫn mình vào nói: “Em có giấy tờ gì không bằng tiếng Anh thì đưa ra. Nếu giấy tờ bằng tiếng Anh thì họ không cho vào đâu”. Mình đánh liều đưa họ… chứng minh nhân dân Việt Nam, họ lấy điện thoại chụp lại và cho mình vào trại. Rời trại đúng ngay ngày giới nghiêm, mình được người địa phương dắt ra bằng con đường băng qua suối.

Gặp những người Myanmar tị nạn, mình hỏi họ về ước mơ, về những gì họ đã trải qua, việc học hành, cuộc sống… Khi được hiểu thêm về hành trình của người khác, mình nhìn nhận cuộc sống sâu sắc, đa diện hơn. Mình cảm thấy có gì đó kết nối trong tâm hồn và đồng cảm với họ.

- Đến những vùng đất khác nhau, kỷ niệm nào khiến bạn hạnh phúc nhất? Bạn có thường chia sẻ những cảm nhận của mình với người thân trong gia đình không?

* Điều khiến Vy hạnh phúc nhất là khi đi đâu cũng được người địa phương giúp đỡ. Khi phượt một mình như vậy mới biết là người xấu vẫn có nhưng ít hơn người tốt. Vừa phải đủ tỉnh táo để chuẩn bị bảo vệ mình, và vẫn phải “nhìn người”, có niềm tin vào người lạ.

Khi đi, mình thường email thông báo tình hình sức khỏe và an toàn cho gia đình thôi. Còn lại, mình tập trung hoàn toàn cho nơi đó, ghi chép những cảm nhận của mình vào nhật ký. Có gì về nhà sẽ chia sẻ sau.

- Đã bao giờ người thân trong gia đình khuyên bạn nên tạm dừng các chuyến đi để lo cho cuộc sống riêng của mình không?

* Có ạ. Nhưng may mắn là không ai ép buộc. Khi mình chọn đi thì gia đình vẫn ủng hộ, giúp đỡ. Má mình là một phụ nữ bươn chải để nuôi cả gia đình nên má là người trong nhà hiểu nhất việc mình xuất phát từ con số 0, phải vất vả tự thân vận động như thế nào.

Má mình vẫn nói: “Hãy cứ làm hết những gì con có khả năng, đừng để sau này phải hối tiếc. Con chỉ có một tuổi trẻ này để đi, để làm được những gì con đam mê”. Mình rất biết ơn gia đình luôn ủng hộ mình dù mọi người vẫn lo lắng trong lòng. Không có má và gia đình, mình không có được ngày hôm nay.

Tường Vy (đầu tiên từ phải qua) và chứng nhận học bổng Chevening, Hà Nội, 2017. Ảnh: UK In Vietnam
Tường Vy (đầu tiên từ phải qua) và chứng nhận học bổng Chevening, Hà Nội, 2017. Ảnh: UK In Vietnam

Cánh cửa nào cần mở với chìa khóa giáo dục?

- Được biết đầu năm 2017, Tường Vy đã xuất bản cuốn du ký đầu tay “Bên kia ranh giới” về giáo dục, lịch sử, môi trường sau 13 chuyến đi đến các quốc gia để trả lời cho câu hỏi: Cánh cửa nào cần mở với chìa khóa giáo dục? Câu trả lời của bạn là gì?

* Câu này bắt nguồn từ một bà mẹ dạy con tại gia ở Malaysia mình gặp. Chị nói “Người ta thường nói giáo dục là chìa khóa để mở ra thành công. Nhưng cánh cửa nào cần được mở ra? Chìa khóa giáo dục đại trà chính quy làm sao mở được cánh cửa của cá nhân mong muốn học theo năng lực, sở thích và nhu cầu của người cần học tại gia?”.

Chúng ta vẫn nói giáo dục cần sự đa dạng, suốt đời. Nên câu trả lời của mình là: nên có nhiều loại chìa khóa để phù hợp với nhiều loại cánh cửa của nhiều người.

Việc của nhà nước và xã hội là hãy tạo điều kiện cho các hình thức giáo dục đa dạng đó, như giáo dục ở nhà, ở các cơ sở tôn giáo, các nhóm học độc lập… để người học có đường đi và mạnh dạn chọn chúng.

- Sau này khi đi nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn, câu trả lời của bạn và những gợi ý bạn viết trong sách sẽ khác đi?

* Có thể sẽ khác. Càng trải nghiệm, càng học hỏi thì cái nhìn của mình sẽ càng đầy đủ hơn hoặc mình sẽ dỡ bỏ được một số ý tưởng không phù hợp nữa.

- Nếu có bạn trẻ hỏi “Em nên làm thế nào để được như chị” thì bạn sẽ nói gì?

* Mình sẽ hỏi muốn được như Vy là sao, có cách nào để hạnh phúc mà không cần giống Vy không?

Các bạn cứ dựa vào năng lực, sở thích và hoàn cảnh của mình để tìm ra đích đến. Rồi cứ làm nó thôi. Đừng so sánh bản thân với ai cả.

Cuối cùng, hãy dễ chịu với những thay đổi. Mục đích và mọi thứ thay đổi cũng là chuyện thường, có khi còn hay ho hơn dự tính. Cứ kiên trì và linh hoạt.

- Cảm ơn Tường Vy về cuộc trò chuyện.

Mình đang viết quyển du ký thứ hai: “Phía sau những cuộc chiến”, thiên về những xung đột xã hội, gay cấn quyết liệt. Mình đến những nơi không ai tới (như mấy ngôi làng kiện tụng nhau trên núi ở miền Bắc Thái Lan, làng chài trong vùng người Hồi giáo đòi tự trị) và cả những nơi nhiều người đều tới (như Siem Reap, New York). Nhưng khác nhau ở góc nhìn.
Thay vì chỉ chụp ảnh đẹp, nghỉ ngơi hay chơi thể thao mạo hiểm, mình lại lân la học hỏi về sự vận động của xã hội ở những nơi đó. Ví dụ ở New York, khi thăm một thánh đường Do Thái giáo, mình tìm hiểu về hành trình tìm tự do tôn giáo của người Do Thái từ một châu Âu bất khoan dung đến tân lục địa. Khi thăm khu đền Angkor Wat, mình tìm hiểu về cái giá phải trả cho những đền đài vĩ đại ấy – sự diệt vong của đế chế Angkor..
.
Tôn Nữ Tường Vy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ