Khi văn học nhuốm màu “bụi phủi“

GD&TĐ - Trong lúc văn hóa đọc đang đi xuống thì người ta vẫn không thể chối bỏ sức cuốn hút của dòng sách nhuốm màu "bụi phủi". Hàng loạt cuốn sách thể loại du ký của các tác giả trẻ ra mắt thời gian qua cho thấy trào lưu tự phiêu lưu, tự khám phá những miền đất lạ, rồi nhẩn nha viết lại những trải nghiệm và cùng chia sẻ qua các trang sách... hiện đang được giới trẻ Việt yêu thích.

 Các tác phẩm văn học viết từ những chuyến đi luôn cuốn hút và có giá trị bền vững khi câu chuyện không chỉ có những nhân vật có thật mà còn có cả một không gian văn hóa rộng lớn.
Các tác phẩm văn học viết từ những chuyến đi luôn cuốn hút và có giá trị bền vững khi câu chuyện không chỉ có những nhân vật có thật mà còn có cả một không gian văn hóa rộng lớn.

"Mỏ vàng" kiến thức du lịch bụi

Có thể nhận thấy sự cuốn hút từ dòng sách này xuất phát từ nhu cầu tìm hiểu và đam mê khám phá của độc giả. Không chỉ thỏa mãn về không gian địa lý, nơi tác giả đã đặt chân qua mà cả những kinh nghiệm về ứng xử, lối sống, văn hóa khi đến các địa phương khác nhau cũng được ghi lại qua các trang sách.

Theo thống kê, phần lớn các tác giả trong nước xuất bản sách du ký là tác giả trẻ. Và độc giả của sách loại này cũng phần lớn là người trẻ. Bởi vì, một khi không thể đặt chân đến nhiều nơi trên thế giới, tận mục sở thị phong cảnh, bạn trẻ thích phiêu lưu vẫn có thể khám khá qua từng trang sách.

Dòng sách du ký trở lại là một tín hiệu tốt, ít nhất đối với các độc giả đam mê khám phá và chinh phục những điều mới mẻ. Ở đó độc giả sẽ có nguồn tư liệu tốt, có những bài học cho mình. Đọc những trải nghiệm của người khác không phải mất nhiều thời gian, tiền bạc để có “kinh nghiệm” và tích lũy vốn sống khi cần...

Có thể nói, các tác phẩm văn học viết từ những chuyến đi, khám phá luôn cuốn hút và có giá trị bền vững khi câu chuyện không chỉ có những nhân vật có thật mà còn có cả một không gian văn hóa rộng lớn, vừa làm nổi bật hình tượng nhân vật với những giá trị sâu sắc trong tác phẩm vừa khắc họa được những nét đẹp đặc trưng của một miền đất – một vùng văn hóa trải dài trong chiều sâu nhận thức của người đọc.

Đáp ứng nhu cầu hội nhập và giao lưu

Những ai đam mê sách du ký sẽ nghĩ ngay đến Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu của Trương Anh Ngọc. Đọc cuốn này, độc giả dường như đang được lắng sâu vào một khúc nhạc "tự tình" nhẹ nhàng, da diết của chính tác giả với vùng đất mà anh trải nghiệm.

Tác giả đã thực hiện những dòng tản văn ghi lại những khám phá của mình về nước Ý, trong 3 năm công tác của mình tại nơi đây, ở cả chiều rộng lẫn bề sâu.

Nước Ý không chỉ có thành Rome, có tháp nghiêng Pisa hay "thành phố của nước" Venice như chúng ta thường biết, Anh Ngọc còn dẫn dắt người đọc tới những vùng đất mới lạ như xứ sở ô liu Puglia, ngọn núi lửa Etna, những ngôi nhà ven biển ở Cinque Terre hay thành phố cổ trầm mặc Siena... Tác giả còn tìm hiểu cả tâm hồn của con người nơi đây qua cách họ yêu đương, thưởng thức ẩm thực, nghệ thuật, các công trình kiến trúc...

Nhắc đến sách du ký thì không thể bỏ qua Chạm ngõ thiên đường (Trần Việt Phương) - không chỉ lôi cuốn người đọc vào một hành trình đầy màu sắc văn hóa đặc sắc, món ăn truyền thống thú vị, những tập tục văn hóa lạ kỳ và các cung bậc cảm xúc trải dài từ vùng đất Thái Lan nhộn nhịp, Maldives mộng mơ, Bhutan yên bình đến Nepal khắc nghiệt, mà còn được đánh giá rất truyền cảm hứng, và gửi gắm qua đó bằng những bài học nghiệm về đời chân thành mà sâu sắc, ý nghĩa và thực tế, tâm tình.

Với lối viết nhật ký sinh viên, cuốn sách mới của Huyền Chip Giấc mơ Mỹ - Đường đến Stanford như một người bạn dễ gần và tin cậy, từ tốn kể về hành trình bốn mùa: mùa thu xao xuyến hạnh phúc với giấc mơ Stanford, mùa đông khao khát mong chờ vì những trải nghiệm mới, mùa xuân nỗ lực dồn sức trong môi trường khắc nghiệt và khép lại một năm khi mùa hè rực rỡ căng tràn nhiệt huyết đã đến như lời hẹn: Lại xách ba lô lên và đi.

Cuốn ký Bên kia ranh giới - Cánh cửa nào cần mở với chìa khóa giáo dục? lại đề cập đến các hình thức giáo dục mà tác giả Tôn Nữ Tường Vy đã trải nghiệm trong hành trình qua nhiều quốc gia khác nhau bằng giọng văn sắc sảo, trẻ trung và tươi mới. Còn Hạt muối rong chơi (Nguyễn Phan Quế Mai) thuật lại từ những ngày tác giả biết tin mình được nhận học bổng du học Úc, từ đó mở ra cánh cửa để chị có cơ hội được đặt chân đến hơn 40 quốc gia trên thế giới.

Cuốn sách nổi tiếng của Nguyễn Phương Mai - Tôi chỉ là con lừa - cũng đã trở thành sách gối đầu giường của biết bao bạn trẻ với ước mơ được đặt chân ra ngoài khám phá thế giới.

Vốn là tiến sĩ ngành giao tiếp đa văn hóa, giảng viên đại học khoa học ứng dụng Amsterdam. Mọi người vẫn nghĩ, với công việc này, với học vấn này, chắc hẳn sẽ khô khan và chỉ nghiên cứu chuyên môn thôi, nhưng Nguyễn Phương Mai đã khiến người ta ngạc nhiên khi chọn cho mình con đường du lịch bụi để hoàn thiện bản thân và kiểm nghiệm vốn kiến thức đa dạng về văn hóa chỉ trên sách vở của mình.

Cần phải nhắc đến cả Đinh Hằng - tác giả cuốn Chân đi không mỏi. Cuốn sách này của chị cũng tạo nên một cơn sốt trong lòng những người trẻ mê du lịch. Và cái tên tác phẩm cũng đã trở thành câu "khẩu hiệu", truyền rất nhiều động lực cho nhiều bạn trẻ.

Lật từng trang sách, bạn sẽ được đồng hành cùng tác giả đi qua 10 nước Đông Nam Á, khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn và hết sức đáng yêu của từng quốc gia. Bằng những trải nghiệm tinh tế, giàu cảm xúc và tràn đầy sức sống của tâm hồn tự do, Đinh Hằng đã thực sự mê hoặc độc giả bằng những con chữ của mình.

Hy vọng rằng, cùng với những chuyến "bay" ra thế giới của nhiều người trẻ, văn đàn Việt Nam sẽ có thêm nhiều trang du ký sống động, nhiều cuốn sách hấp dẫn để văn học du ký thực sự trở thành “đại sứ văn hóa”, đáp ứng nhu cầu hội nhập và giao lưu sâu rộng với thế giới hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ