Cô gái bị liệt nửa người đạt giải “truyền thông ấn tượng nhất"

GD&TĐ - Đạt giải truyền thông ấn tượng nhất trong Liên hoan “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết” năm 2019, Phạm Thị Thắm đã truyền cảm hứng tới biết bao người khuyết tật và cả những người bình thường khác với câu nói “Khuyết tật là bất tiện chứ không phải bất hạnh”.

Phạm Thị Thắm (sinh năm 1991) - Cô gái bị liệt nửa người đạt giải “truyền thông ấn tượng nhất" trong Liên hoan “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết” năm 2019.
Phạm Thị Thắm (sinh năm 1991) - Cô gái bị liệt nửa người đạt giải “truyền thông ấn tượng nhất" trong Liên hoan “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết” năm 2019.

Không dám đối diện sự thật!

Sinh ra vốn là người bình thường, tuổi thơ êm đềm được vui đùa cùng các bạn, Thắm không nghĩ rằng cuộc đời của mình sẽ phải gắn bó với chiếc xe lăn.

Năm lên 10 tuổi, căn bệnh viêm tủy cắt ngang đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của cô gái trẻ. Thắm bị liệt nửa người dưới, các bộ phận đều không có cảm giác, vệ sinh không tự chủ được, sinh hoạt hàng ngày phải nhờ bố mẹ và chiếc xe lăn.

“Nhà em nghèo lắm có thứ gì bán được ra tiền chạy chữa cho con bố mẹ bán hết. Suốt 9 năm trời cả gia đình trong Nam ngoài Bắc tìm đủ mọi cách để mong gặp thầy gặp thuốc, thế nhưng căn bệnh của em vẫn không hề chuyển biến”. Thèm khát được đứng trên đôi chân của mình, được chạy nhảy tung tăng nhưng giờ nó chỉ xuất hiện trong giấc mơ hàng đêm. Thắm muốn được đi học như bạn bè nên bố mẹ ngày ngày đẩy xe lăn đưa con tới lớp và bạn bè gọi cô là “Thắm què”!

Chưa bao giờ dám đối diện với sự thật, Thắm luôn sợ những câu hỏi thăm vô tình hay ác ý, những ánh mắt tò mò hay thương hại, lâu dần cô sống khép kín trong nhà, không thích tiếp xúc với người xung quanh, xem tivi thấy có cảnh người khuyết tật là chuyển tivi ngay. Tất cả đều vì sợ…

“Em bắt đầu thay đổi khi gặp anh ấy. Đó là một chàng trai khuyết tật nhưng sống có lý tưởng và tự lập. Em đã tự nhủ với bản thân phải làm được như vậy” – Thắm kể về người đàn ông đã khiến cô thay đổi.

Và cô bắt đầu luyện tập các kĩ năng tự chăm sóc bản thân. Những ngày đầu là thử thách, khi đánh đu người từ xe lăn sang ghế, không biết ngã bao nhiêu lần rồi tự nhủ với bản thân rằng mình sẽ làm được.

Ngồi xe lăn cũng thú vị!

Yêu thích nghề cắt may và cảm thấy phù hợp với bản thân nên Thắm xin học nhiều nơi. Chỗ chịu nhận thì bậc thềm cao quá, xe lăn không vào được. Chỗ thì nhìn cô bằng ánh mắt xem thường khinh miệt. Họ nói người bình thường còn khó may, liệt như Thắm sao làm được.

Đeo bám chị chủ nửa tháng cố gắng chứng minh cho chị ấy thấy người lành lặn làm được gì thì cô cũng làm được. “Không có đôi chân tôi sẽ dùng đôi tay và ý chí để thay đổi số phận.Người bình thường may bằng tay và nhấn ga bằng chân còn em may bằng tay và nhấn ga bằng cùi tay” - Thắm chia sẻ.

Hiện tại cô đã có một cửa hàng may đo, thiết kế thời trang của riêng mình. Trong thời gian tới, Thắm còn muốn xây dựng Trung tâm đào tạo nghề cắt may cho người khuyết tật để giúp đỡ cho nhiều người có hoàn cảnh giống mình vươn lên, tự lập và hòa nhập với cuộc sống.

Không tự ti, Thắm quyết tâm tham dự Liên hoan “vẻ đẹp Vầng trăng khuyết” để có thể giao lưu học hỏi những người cùng cảnh ngộ và quan trọng là dám đối diện với bản thân mình, với những khiếm khuyết của mình.

Ở ngôi nhà chung, cô gái ấy đã khiến bao người phải trầm trồ bởi ý chí vươn lên và cách tự lập. Thắm cũng nhận được những tình bạn đẹp và cùng nhau chia sẻ những vui buồn của cuộc sống.

Xúc động vì bài diễn thuyết đêm chung kết của cô gái trẻ, bao người đã bật khóc. Giọng nói vang lên, đanh thép như khẳng định ý chí của cộng đồng người khuyết tật muốn được đối xử công bằng: “Khuyết tật là bất tiện chứ không phải là bất hạnh”.

Giữa sân khấu, cô đã chia sẻ: Thực ra ngồi xe lăn cũng rất thú vị. Cùng với quyết tâm đó, Thắm được Ban tổ chức trao giải “truyền thông ấn tượng nhất”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.