Chuyện về tác giả bài báo được trích dẫn trong đề thi tốt nghiệp

GD&TĐ - Hẹn gặp thầy Nguyễn Thế Hanh vài lần mới gặp bởi người giáo viên trẻ vẫn đang bận rộn với những giờ lên lớp cho học viên của mình.

Chuyện về tác giả bài báo được trích dẫn trong đề thi tốt nghiệp

Sinh năm 1986 thầy Hanh thuộc lớp giảng viên trẻ của trường ĐH Chính Trị (Bắc Ninh). Lớn lên trên mảnh đất Thái Bình giàu truyền thống yêu nước. Bố mẹ ông bà đều là những người đã từng tham gia công tác trong quân ngũ, thầy Hanh đã sớm được nghe những câu chuyện về người lính, những kỉ niệm trong chiến đấu.

Những câu chuyện trên radio về thiếu niên dũng cảm trong Tuổi thơ dữ dội đã đem đến nguồn động lực để Hanh quyết tâm phải trở thành người chiến sĩ áo xanh. Chính những điều đó đã xây dựng nên tình yêu đất nước trong lòng người giáo viên trẻ ngay từ những ngày còn bé.

Và cũng xuất phát từ tình yêu đó, Thế Hanh đã đăng kí thi vào Học viện Chính trị, nay là ĐH Chính trị. 5 năm rèn luyện trong quân ngũ với nắng gió, mồ hôi rơi trên thao trường và những gio học tập miệt mài anh đã vinh dự được giữ lại Học viện đảm nhiệm công tác giảng dạy cho các học viên khoa Công tác Đảng, Công tác Chính trị.

Nói đến Công tác Đảng, Công tác Chính trị, người ta sẽ nghĩ ngay đến sự khô khan. Nhưng thực tế, đây là môi trường đặc biệt đào tạo ra cán bộ chính trị cấp phân đội cho toàn quân có đủ đức và đủ tài để xây dựng quân đội về chính trị, xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ từng bước hiện đại. 

Kỉ niệm đáng nhớ nhất của người giáo viên trẻ là được tham gia đợt huấn luyện dã ngoại kết hợp kiểm tra chất lượng tổng hợp năm 2009 của Trung đoàn Tây Sơn.

Với chặng đường hành quân dài hơn 400 km đi qua 38 xã thuộc 9 huyện miền núi của 3 tỉnh (Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên), được cùng ăn cùng ở, cùng hành quân và thực hiện nhiệm vụ với bộ đội, được trực tiếp chứng kiến tình cảm yêu mến của bà con dân tộc trên dọc đường hành quân dành cho bộ đội khiến anh rất xúc động.

Có những ngày đơn vị hành quân trong điều kiện rừng núi từ 30 - 50 km rất vất vả, đêm thì mắc võng ngủ trên đồi, trong rừng, hoặc đào hầm ngủ trên đồi, rải lá cây xuống đất để chống rét, ăn uống sinh hoạt bằng nước suối, hành quân cả ngày cả đêm, cả khi trời mưa, rét.

Nhưng anh cũng được đón nhận những bát nước chè, những gói bánh, gánh củi, mớ rau của bà con dọc đường hành quân dành tặng bộ đội; được tận mắt trứng kiến sự hùng vĩ của núi rừng Đông Bắc.

Những điều đó khiến anh cảm nhận, trải nghiệm chân thực về cuộc sống chiến đấu của cha anh trước đây, mới thấy hết cái giá trị của hòa bình, thấy hết được tình cảm quân dân keo sơn gắn bó rất đáng quý, đáng trân trọng.

Ngoài những giờ giảng dạy, thầy Hanh thường xuyên đọc sách về kháng chiến, về cách mạng. Niềm cảm hứng đã thôi thức người giáo viên trẻ viết bài Bình tĩnh, sáng suốt thể hiện lòng yêu nước

Đây là bài báo đầu tiên của anh được đăng trên báo Giáo dục và Thời đại trong bối cảnh Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Chia sẻ về cảm xúc của mình, anh nói: Mình cũng là một người con dân đất Việt, bức xúc trước những hành vi ngang nhiên của Trung Quốc, không chỉ có riêng mình mà tất cả người dân Việt Nam yêu nước đều quyết tâm bảo vệ từng mảnh đất thiêng liêng của dân tộc. 

Nhưng mọi người cũng cần phải bình tĩnh, sáng suốt, yêu nước bằng “trái tim nóng, cái đầu lạnh” có hành động phù hợp thể hiện lòng yêu nước, góp phần bảo vệ vững chắc Biển đảo quê hương.

Mong muốn lớn nhất của người giáo viên trẻ lúc này là được đến thăm các chiến sĩ, đồng đội của mình nơi đảo xa đang ngày đêm canh giữ biển đảo quê hương, để chứng kiến sự vất vả, hi sinh của các anh và thấm thía lòng yêu nước nồng nàn của dân tộc ta từ bao đời nay vẫn không hề thay đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ