Chuyện người được đặt tên cho một ngọn núi

GD&TĐ - “Ông già Biển Hồ” là cách người dân gọi ông Quách Trọng Hoan (sinh năm 1941) ngụ xã Biển Hồ, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. Cả cuộc đời ông gắn liền với chiến đấu vì lẽ phải và làm việc thiện cứu người, giúp đời nên tên ông được dân làng đặt cho một ngọn núi hùng vĩ ở Tây Nguyên - núi Chư Hoan.

“Ông già Biển Hồ” Quách Trọng Hoan
“Ông già Biển Hồ” Quách Trọng Hoan

Từ "Chiến sĩ rừng xanh"

Ngôi nhà nhỏ của ông Hoan nằm ẩn mình bên hàng thông xanh, bên bờ Biển Hồ thơ mộng. Trên cánh cửa có treo tấm bảng nhỏ với dòng chữ giản dị: Ai cần, gọi tôi và số điện thoại để khi ai cần ông cứu nạn có thể liên lạc. Trong nhà không có gì quý giá ngoài bộ đồ lặn. Trên bàn thờ là tấm ảnh của Bác Hồ và 4 câu thơ ông do chính ông sáng tác: “Tâm đi theo Phật, hồn theo Bác/ Xa lánh công danh lánh nợ tình/ Hết giặc lui về làm việc thiện/ Sống đời thanh bạch thác oai linh”.

Dòng chữ: “Ai cần, gọi tôi” và số điện thoại của ông Hoan treo trước cửa nhà

Sinh ra và lớn lên bên dòng sông Hoàng Long (làng Liêm Trung, xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình), từ nhỏ, Hoan đã được mệnh danh là “rái cá” khi luôn thắng trong các cuộc thi bơi, lặn với đám bạn chăn trâu. Lớn lên, chàng thanh niên Hoan tham gia kháng chiến, đi khắp chiến trường 3 nước Đông Dương, cùng sống chết với đồng bào Tây Nguyên, rồi gắn bó với vùng đất và con người nơi đây tới tận bây giờ.

Gần Tết Mậu Thân 1968, trên đường tiến quân, chàng trai đất Bắc mang tâm hồn thơ mộng đã mê mẩn khi nhìn thấy Biển Hồ đẹp lung linh dưới ánh bập bùng của pháo sáng địch. Rồi chàng trai ấy đã tự nhủ lòng mình, nếu còn sống trở về sau ngày đất nước thống nhất sẽ vào đây lập nghiệp.

Năm 1974, ông trở về quê lấy vợ. Đến năm 1978, ông dẫn gia đình vào mảnh đất Gia Lai làm kinh tế mới. Lúc này, ông được giao nhiệm vụ làm cán bộ định canh, định cư ở các bản làng. Những tưởng sau ngày giải phóng, cuộc sống của người dân sẽ bình yên, nhưng rồi đất Tây Nguyên lại dậy sóng khi các bọn phản động Fulro kích động đồng bào dân tộc thiểu số, gây mất an ninh. Thế là ông Hoan xung phong vào các huyện Ia Grai và Chư Păh làm công tác định canh, định cư và tham gia chống Fulro cùng lực lượng công an.

Để nắm tình hình, ông lên ngọn núi ở làng Bàng (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) trồng bắp, lúa rẫy như một người dân ở làng. Cũng từ đó, ông cùng lực lượng chức năng xác định được đối tượng cầm đầu bọn Fulro ở Tây Nguyên là Rơ Châm Loăk - kẻ được phong là trung tá Fulro. Và nhờ bám làng, bám dân, ông đã thuyết phục được vợ của Loăk phối hợp bắt giữ chồng mình. Từ đó, lần lượt các thành viên Fulro ở Tây Nguyên cũng ra đầu thú xin khoan hồng. Sau đó, Loăk phải đi học tập cải tạo 3 tháng rồi về. Giờ đây, Loăk đã trở thành một tỷ phú cà phê ngay trên chính quê hương mình và xin được làm bạn cùng ông.

Kính nể trước việc làm của ông Hoan, người dân làng Bàng đã đặt ngọn núi nơi ông từng ở là núi Chư Hoan như một sự tạc dạ ghi ơn (Chư theo tiếng Jrai là núi).

Đến “ông già Biển Hồ”

Năm 1978, khi vào Gia Lai, gia đình ông Hoan sống ở trung tâm TP Pleiku nhưng ông vẫn tìm cơ hội để được sống bên Biển Hồ. Năm 1988, khi mua được mảnh đất ở đây, dù vợ con không chịu lên nhưng ông vẫn đến đây làm nhà ở một mình.

Biển Hồ đẹp, thơ mộng nhưng ẩn chứa dưới dòng nước trong xanh, mát rượi ấy là một lòng chảo có sức hút khủng khiếp. Dù người bơi giỏi cỡ nào cũng khó tránh khỏi dòng xoáy khi lỡ chân rơi xuống nước. Bởi thế mà Biển Hồ chứng kiến biết bao cái chết thương tâm của những học sinh nhỏ tuổi, hay những người đi qua vùng lòng chảo này. Thậm chí cả những chàng trai cô gái vì một lý do nào đó đã tìm đến Biển Hồ để quyên sinh.

Ngày lại ngày, ông Hoan lặng lẽ thu gom rác và xác các động vật chết, trôi nổi trên mặt hồ để bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho người dân và cứu người gặp nạn. Dù Biển Hồ có diện tích mặt nước 250ha nhưng ông thuộc như trong lòng bàn tay nơi nào nước sâu, chỗ nào vực thẳm, đá nhọn.

Biển Hồ, nơi ông Hoan ngày ngày lặng lẽ làm việc thiện

Biển Hồ, nơi ông Hoan ngày ngày lặng lẽ làm việc thiện

Người dân quanh Biển Hồ hầu như ai cũng có số điện thoại của ông. Khi nhận được tin có người tìm cách quyên sinh hay tai nạn đuối nước ở Biển Hồ là ông tức tốc chạy bộ hoặc chèo thuyền đi cứu người. Đến nay, ông đã cứu sống 10 người khỏi bàn tay của thủy thần, vớt gần 100 thi thể người xấu số chết đuối. Ông được bà con nơi đây gọi theo tiếng Jrai là Ơi IaNuêng - “Ông già Biển Hồ”.

Cách đây hơn 10 năm, vụ đắm thuyền trên Biển Hồ làm chết 7 em học sinh đang học lớp 11. Ông đau quặn lòng khi lặn tìm thi thể từng cháu nhỏ, đêm đó ông đã khóc suốt đêm và đổ bệnh. Trong một đêm thức trắng, ông quyết định xây đền Vạn Linh ở góc vườn dưới bóng cây đa cổ thụ sát Biển Hồ để khuây khỏa nỗi đau cũng như làm nơi thờ cúng cho những người xấu số.

Nhiều người đến đền thờ này, nghe những câu chuyện cảm động ông kể, họ góp tiền nhờ ông tìm những nơi có thể làm từ thiện. Bước chân của “Ông già Biển Hồ” và những nhà hảo tâm đã đi khắp các vùng sâu xa, hẻo lánh nhất của tỉnh Gia Lai để đem niềm vui, hạnh phúc đến từng bản làng nghèo khó. Ông bảo, mình cứu người vì cái tâm làm việc thiện chứ chẳng mong được đền đáp gì cả. Thật vậy, những người được ông cứu sống, có người quay lại cảm ơn, nhưng cũng có nhiều người chẳng bao giờ gặp lại. Ông xem đó là chuyện bình thường, chỉ mong cứu được người, giúp đời là vui rồi.

Tháng 12/2012, Tổ cứu nạn, cứu hộ thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Công an tỉnh Gia Lai được thành lập và ông trở thành người thầy đầu tiên của tổ. “Bây giờ tôi lớn tuổi lắm rồi, sức không còn khỏe như thanh niên để lặn, để bơi cứu, vớt người bị nạn nữa. Tôi truyền dạy kinh nghiệm cứu người bị nạn cho thế hệ sau như thỏa tâm niệm của đời mình”, ông Hoan tâm sự.

Hiện nay, các con ông giờ đã yên bề gia thất, thành đạt và ngỏ ý mời ông về ở cùng để con cháu phụng dưỡng nhưng ông từ chối và bảo chỉ muốn sống thanh thản một mình trong căn nhà nhỏ bên Biển Hồ thơ mộng.

Năm 2011, ông Hoan vinh dự được nhận giải thưởng Kova do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình ký. Đây là một giải thưởng lớn tôn vinh những tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội có những việc làm nhân văn, cao thượng, qua đó nhằm nhân rộng hơn nữa các nghĩa cử này, góp phần làm cho cuộc sống ngày càng tươi đẹp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.