Xóa đói giảm nghèo nhờ chăn nuôi đại gia súc

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhờ chăn nuôi trâu bò theo đàn lớn, nhiều hộ dân ở huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.

Ông Vừ Nhìa Lầu bên đàn trâu bò của gia đình.
Ông Vừ Nhìa Lầu bên đàn trâu bò của gia đình.

Thoát nghèo trên mảnh đất khó

Cách TP Vinh (Nghệ An) gần 300km về phía Tây Bắc, Kỳ Sơn là huyện miền núi biên giới khó khăn nhất của tỉnh Nghệ An. Mặc dù, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nhưng nhờ nắm bắt được lợi thế về khí hậu và đất đai rộng lớn, người dân địa phương đã đẩy mạnh chăn nuôi trâu, bò phát triển kinh tế.

Từ chăn nuôi nhỏ lẻ, người dân đã biết đầu tư chăn nuôi theo hướng gia trại. Gia đình nuôi ít thì từ 5 - 10 con trâu bò, nhà nhiều có thể lên tới 40 - 50 con.

Thay vì thả rông gia súc vào rừng, người dân dần tiến tới khoanh nuôi trong trang trại, trồng các loại cỏ voi, cỏ sữa, ngô… để bổ sung nguồn thức ăn.

Trong những năm qua, UBND huyện Kỳ Sơn cũng đã có nhiều cơ chế chính sách, đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi hình thức chăn nuôi trâu, bò từ chăn thả tự do sang bán chăn thả hoặc nuôi nhốt cho phù hợp với điều kiện sản xuất.

Tại xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn nơi có đến 95% dân số là đồng bào dân tộc Mông, nghề chăn nuôi đại gia súc đã có truyền thống từ lâu đời. Với việc diện tích các khu vực bãi chăn thả ngày một thu hẹp, người dân địa phương đã thay đổi phương thức chăn nuôi.

Đang cho đàn trâu bò ăn cỏ trên sườn đồi, ông Vừ Nhìa Lầu (SN 1936, trú bản Trung Tâm, xã Huồi Tụ) cho biết, trước đây người dân địa phương thường trồng cây thuốc phiện nhưng từ khi Nhà nước có lệnh cấm, bà con đã bắt đầu chuyển đổi sang nuôi trâu bò và trồng các loại cây khác.

Theo ông Lầu, đầu năm là thời điểm ông mua trâu bò con về chăm sóc và nuôi dưỡng, đến cuối năm hoặc lúc nào cần tiền thì có thể xuất bán một vài con. Tính trung bình mỗi năm, đàn trâu bò từ 15-20 con cho lãi từ 80 - 100 triệu đồng, đủ để gia đình ông Lầu trang trải cuộc sống.

Chăn nuôi đại gia súc đang là hướng đi thoát nghèo của đồng bào Mông ở Nghệ An.

Chăn nuôi đại gia súc đang là hướng đi thoát nghèo của đồng bào Mông ở Nghệ An.

“Khu vực quả đồi chăn thả này rộng hơn 2ha, tôi thuê đất rồi rào lại cho trâu bò ăn cỏ. Ban ngày, đàn bò được thả rông để chúng tự do đi ăn, tối đến tôi lại lùa vào chuồng và bổ sung thêm một số thức ăn như cỏ voi, ngô, cám”, ông Lầu vui vẻ nói.

Nhờ chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền và động viên người dân tiêm thuốc thú y, phòng chống các loại bệnh nên đàn trâu bò của gia đình ông Lầu và người dân trong xã rất ít khi mắc bệnh, tránh được rủi ro trong quá trình chăn nuôi.

Điểm sáng xóa đói giảm nghèo

Được hỗ trợ giống bò từ nguồn Chương trình 135, sau hơn 14 năm tích cực chăn nuôi, gia đình ông Lỳ Vả Xênh, ở bản Trường Sơn (xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn) đã có đàn bò đông đúc, có thu nhập ổn định từ 100 - 150 triệu đồng mỗi năm.

Cũng giống như nhiều hộ gia đình ở xã biên giới Nậm Cắn, trước đây gia đình ông Lỳ Vả Xênh thuộc diện hộ nghèo của bản Trường Sơn, bởi kinh tế gia đình đều phụ thuộc vào nương rẫy, vì thế mà những tháng giáp hạt, gia đình luôn bị cái đói đeo đuổi.

Cuộc sống kinh tế của gia đình ông Xênh đã có sự thay đổi kể từ năm 2000. Khi gia đình ông được hỗ trợ giống vật nuôi từ Chương trình 135 của Nhà nước. Năm đó, gia đình ông Xênh được hỗ trợ 1 bò giống để nuôi.

Được trao “cần câu” đúng thời điểm, gia đình ông Xênh đã chăm sóc rất cẩn thận, không thả rông ngoài rừng theo phong tục, tập quán, mà gia đình ông vào ở hẳn trong khu vực sản xuất cũ để lập gia trại chăn dắt bò, chính vì vậy con bò giống của gia đình ông phát triển ổn định.

Đàn bò của gia đình ông Lỳ Vả Xênh.
Đàn bò của gia đình ông Lỳ Vả Xênh.

Sau 14 năm lập trại chăn nuôi, giờ đây mô hình nuôi bò sinh sản của gia đình ông Xênh là một trong những mô hình có quy mô lớn ở vùng đất này. Mỗi lứa nuôi duy trì từ 30 - 35 con bò mẹ sinh sản, nhờ đó mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình.

Nậm Cắn là xã vùng cao thời tiết khá lạnh vào mùa Đông, dịch bệnh lở mồm long móng cũng dễ phát sinh, gây hại cho đàn gia súc của người dân.

Để vật nuôi có sức đề kháng, tránh được các loại dịch bệnh, đàn bò phát triển khoẻ mạnh, theo kinh nghiệm ông Lỳ Vả Xênh là cho bò ăn thêm muối, muối sẽ giúp bò tiêu hoá thức ăn tốt hơn, mỗi tuần ông đều cho bò ăn muối 2 lần.

Ngoài ra, người đàn ông này cũng trồng thêm nhiều diện tích cỏ voi, làm nguồn thức ăn cho bò vào mùa giá rét, vì vậy mà đàn bò lúc nào cũng béo tốt. Tiếng lành đồn xa, mô hình nuôi bò của gia đình ông Xênh đã được nhiều hộ dân đến thăm quan học tập kinh nghiệm và mua giống về nuôi.

Ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, trong những năm vừa qua, đàn trâu bò của huyện liên tục gia tăng về số lượng. Đến nay, tổng đàn trâu, bò toàn huyện đạt hơn 50.000 con. Chăn nuôi đại gia súc đã trở thành “điểm sáng” trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương

Hiện nay, bên cạnh việc chăn thả tự do, người dân còn có nhiều hình thức chăn nuôi khác như: Nuôi nhốt, chăn nuôi vỗ béo rồi xuất bán, nhờ đó hiệu quả kinh tế ngày càng cao.

Để nâng cao giá trị sản phẩm, chính quyền địa phương đang xúc tiến làm các sản phẩm OCOP như thịt lợn giàng, bò giàng... góp phần tăng thu nhập cho người chăn nuôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.