Đặc biệt năm nay, với sự xuất hiện của trên chục kỳ thi riêng, phương thức tuyển sinh riêng, nhu cầu về thông tin của thí sinh rất lớn, công tác tư vấn của các trường càng bận rộn.
Không chỉ chủ động tham gia các chương trình tư vấn – hướng nghiệp, đến tận các trường THPT từ khu vực trung tâm đến vùng sâu, vùng xa để hỗ trợ thông tin, nhiều trường ĐH, CĐ còn đẩy mạnh hoạt động online qua website, fanpage, YouTube, Zalo, Instagram và TikTok, xây dựng hệ thống chatbox trả lời tự động…
Chuyên viên tư vấn tuyển sinh của nhiều trường cho biết thời gian này gần như đường dây nóng và hộp thư của trường phải làm việc 24/24 giờ. Cùng với việc đa dạng hóa kênh tư vấn, nhiều trường còn chiều chuộng thí sinh với nhiều chương trình hấp dẫn như công bố học bổng tuyển sinh khủng, tặng quà, chăm sóc, kết nghĩa trường THPT…
Việc đẩy mạnh hoạt động tư vấn tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ là trách nhiệm của nhà trường đối với thí sinh. Trong bối cảnh mỗi trường có đến năm, bảy phương thức tuyển sinh, cách thức nộp hồ sơ, học phí khác nhau, công tác tư vấn của nhà trường càng làm kỹ, người học càng tường minh. Qua các hoạt động tư vấn tuyển sinh của nhà trường thí sinh hiểu biết thêm về trường, về ngành, chất lượng giảng dạy, học phí để có sự cân nhắc cần thiết, tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành học yêu thích.
Không chỉ là trách nhiệm, đẩy mạnh công tác tư vấn tuyển sinh cũng mang lại nhiều lợi ích cho nhà trường. Thông qua hoạt động tư vấn trực tiếp với học sinh và tiếp xúc với trường phổ thông, cơ sở giáo dục ĐH, CĐ nắm bắt tốt nhu cầu người học, liên tục đổi mới chương trình đào tạo theo hướng phù hợp nhất. Nhiều đơn vị làm tốt công tác tư vấn không chỉ đạt và vượt chỉ tiêu tuyển sinh đặt ra hàng năm, mà còn cải thiện đáng kể chất lượng nguồn tuyển.
Như ở Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, nhờ đẩy mạnh hoạt động tư vấn tuyển sinh cùng nhiều biện pháp khác, nhà trường đã cải thiện vượt bậc chất lượng đầu vào, tính từ năm 2008 tới nay điểm chuẩn có ngành tăng 12 điểm.
Mang lại lợi ích cho các trường nhưng tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp đòi hỏi phải có sự khách quan cần thiết, trên hết phải giúp thí sinh đủ thông tin để nhận ra mình, hiểu ngành, trường để đi đến quyết định lựa chọn đúng đắn nhất. Tuy nhiên trên thực tế, vì nặng yếu tố lợi ích nên hiện nay không ít hoạt động tư vấn tuyển sinh của các trường ĐH - CĐ thiên về giới thiệu ngành nghề của trường đang đào tạo, nhằm thu hút học sinh đăng ký xét tuyển vào trường. Thí sinh khó có thể tìm được bức tranh toàn cảnh để cân nhắc nếu chỉ tiếp cận một chương trình tư vấn do một trường hay nhóm trường tổ chức, vì gần như các tư vấn viên không nói chuyện trường ngoài.
Thậm chí, thay vì cung cấp thông tin trung thực về ngành học, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm để học sinh có sự lựa chọn chính xác, có nơi lại cung cấp thông tin phiến diện, có hiện tượng chèo kèo thí sinh về trường. Một chuyên gia tư vấn cho biết có một số cơ sở giáo dục đã thổi phồng thông tin làm thí sinh vỡ mộng, ảnh hưởng đến uy tín của trường bạn thực hiện nghiêm túc, của ngành.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 cùng nhiều đợt giãn cách hai năm qua, cạnh tranh tuyển sinh ngày càng tăng, nếu các trường không phát huy sự chủ động, sáng tạo trong công tác tư vấn tuyển sinh, đặc biệt là hoạt động tư vấn trực tuyến, sẽ rất khó khăn khi tiếp cận người học. Vì thế, việc các trường nặng yếu tố quảng bá, tiếp thị qua hoạt động tư vấn tuyển sinh là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, cũng cần phải cân đối liều lượng giữa tư vấn khách quan và hoạt động tiếp thị, bảo đảm chất lượng tư vấn, tránh để thí sinh hoang mang, mất niềm tin, thậm chí “bé cái nhầm”.