Đây là hoạt động thiết thực, cung cấp cho các em thông tin về trường, ngành nghề đào tạo, để lựa chọn đúng đắn cho tương lai của mình.
Đồng hành cùng học sinh
Thầy Đặng Trần Phong – Hiệu trưởng Trường THPT Hóa Châu (Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) cho biết: Trường có hơn 700 HS, trong đó có trên 200 HS lớp 12. Hằng năm, nhà trường có khảo sát sơ bộ về nhu cầu học đại học, học nghề của HS lớp 12; từ đó có cơ sở để tư vấn, định hướng nghề nghiệp tốt hơn cho các em. Theo khảo sát, có 80 - 90% HS đăng ký xét tuyển đại học; số còn lại lựa chọn học nghề; số ít chọn đi làm ngay sau khi tốt nghiệp THPT.
Ngay từ đầu năm học, nhà trường chú trọng công tác tư vấn, hướng nghiệp cho HS, đặc biệt là các em lớp 12. Theo đó, nhà trường giao cho GV chủ nhiệm, lồng ghép tư vấn hướng nghiệp cho HS vào các giờ sinh hoạt lớp. Hoạt động này cũng được tích hợp vào các giờ chào cờ, hoặc sinh hoạt tập thể của toàn trường.
“Thông tin gì liên quan đến tuyển sinh chúng tôi cập nhật và phổ biến ngay cho HS. Chúng tôi cũng hướng dẫn HS thường xuyên cập nhật trên website của các cơ sở giáo dục đại học mà mình dự kiến đăng ký xét tuyển, để kịp thời nắm bắt những thông tin mà trường thông báo” – thầy Phong khuyến cáo, đồng thời nhấn mạnh: Thời điểm này, ngoài việc học chính khóa, nhà trường tổ chức ôn tập cho HS khối 12. Tới đây, nhà trường sẽ tổ chức thi thử cho các em, nhằm khảo sát chất lượng trước khi bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.
Khẳng định, công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp có ý nghĩa quan trọng với học sinh, nhất là những em đang học lớp 12, thầy Nguyễn Mạnh Hùng – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Ka Lăng (Mường Tè, Lai Châu) chia sẻ: Toàn trường có hơn hơn 100 HS lớp 12. Công tác tư vấn, hướng nghiệp được nhà trường triển khai từ đầu năm học. Từ nay đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, nhà trường đẩy mạnh công tác tư vấn tuyển sinh, xét tuyển ĐH, CĐ.
“Mỗi GV chủ nhiệm sẽ là một chuyên gia tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho HS. Ngoài ra, nhà trường cử GV chuyên trách về công tác này, nhằm hỗ trợ kịp thời cho HS khi có nhu cầu. Ngoài ra, trong giờ chào cờ, sinh hoạt toàn trường, ban giám hiệu cũng thường xuyên lồng ghép tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho các em. Các em luôn có thầy, cô đồng hành trong việc lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai” – thầy Hùng quả quyết.
Thầy Hùng cho biết thêm: Theo khảo sát sơ bộ, khoảng 30% HS lớp 12 sẽ đăng ký xét tuyển ĐH, số còn lại chủ yếu có nhu cầu thi tốt nghiệp THPT và học nghề. Thực tế này, sẽ là cơ sở để công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp của nhà trường đúng và trúng hơn. “Trước mắt, chúng tôi yêu cầu thầy – trò dạy tốt, học tốt. Ngoài giờ học chính khóa vào buổi sáng; buổi chiều, chúng tôi tổ chức ôn tập, phụ đạo cho HS lớp 12, giúp các em học đâu, chắc đấy; tự tin bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021và đạt kết quả cao”, thầy Hùng nhấn mạnh.
Sáng tạo và chuyên nghiệp
Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, quy chế thi và tuyển sinh năm nay cơ bản giữ ổn định như năm trước, chỉ có một số điều chỉnh về kỹ thuật, nhằm bảo đảm công bằng, thuận lợi cho thí sinh trong xét tuyển. Phát huy quyền tự chủ, các cơ sở giáo dục ĐH đã và đang đẩy mạnh tư vấn tuyển sinh bằng nhiều phương thức khác nhau: Tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh; tổ chức livestream, lập kênh YouTube, thành lập cổng thông tin tuyển sinh...
GS.TS Trần Văn Chứ - Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: Công tác tuyển sinh là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên số một của toàn trường. Trên cơ sở đó, hoạt động tư vấn tuyển sinh được nhà trường đẩy mạnh, với nhiều hình thức linh hoạt, phong phú như: Kết hợp với mạng xã hội, báo đài, website.
Ngoài ra, nhà trường cũng xây dựng cổng thông tin tuyển sinh online; Ký kết hợp tác với trường THPT trọng điểm về các nội dung liên quan đến tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp; đồng thời hỗ trợ đào tạo, tham quan hướng nghiệp, trao học bổng hỗ trợ cho các em học sinh… Bên cạnh đó, nhà trường giao chỉ tiêu tuyển sinh và khoán kinh phí đào tạo theo đầu SV. Mặt khác, trường xây dựng chiến lược và đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, xúc tiến tuyển sinh...
TS Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường Cao đăng Cơ điện Hà Nội cho rằng: Thời điểm này, HS lớp 12 đứng trước nhiều cơ hội và sự lựa chọn học tập, nghề nghiệp và sự nghiệp sau này. Không ít bạn được bố, mẹ người thân có nhận thức và kinh nghiệm tốt nên đã định hướng, tư vấn nên lựa chọn được ngành nghề, trường học phù hợp với năng lực cá nhân và phù hợp với các điều kiện khác.
Nhưng cũng không ít em lựa chọn học nghề mà chưa hiểu bản chất của nghề đó. Không hiếm trường hợp chọn trường để học nhưng lại không biết trường đó có thương hiệu như thế nào? Thành tích trong đào tạo ra sao? Các bạn SV ở trường đó sau tốt nghiệp có việc làm không? Các lợi ích mà trường có thể mang lại cho các bạn?...
Theo TS Đồng Văn Ngọc, hiện nay, mạng lưới trường ĐH, CĐ dày đặc. Những năm gần đây, số lượng trường công lập, dân lập và trường liên danh với nước ngoài mở ra rất nhiều. Về mặt tích cực, điều này tạo ra sự lựa chọn đa dạng cho thí sinh, tạo điều kiện cho người học ít phải di chuyển. Nhưng về mặt chất lượng, một số trường mới được thành lập không thể dễ dàng hoàn thiện và có ngay được nguồn lực con người, cơ sở vật chất, chương trình, giáo trình, kinh nghiệm đào tạo, các dịch vụ cho người học trước – trong – sau khi tốt nghiệp…
Như vậy, nếu thí sinh thiếu thông tin về nghề, về trường sẽ bị thiệt thòi hơn so với các bạn chọn được nghề, trường có thương hiệu và chất lượng cao. Đã đến lúc, công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp ngày càng cần đẩy mạnh và chuyên nghiệp hơn, giúp thí sinh luôn chủ động, biết cách thích ứng với biến động của thị trường lao động.