Đa dạng hình thức tư vấn tuyển sinh trong dịch Covid-19

GD&TĐ - Do tình hình dịch bệnh Covid-19, nhiều trường Đại học trên địa bàn Đà Nẵng linh hoạt chọn phương án tư vấn tuyển sinh năm 2022 phù hợp, tạo ra nhiều cơ hội tiếp cận thông tin đến học sinh và phụ huynh.

Học sinh được tư vấn kỹ trước khi lựa chọn trường phù hợp. Ảnh tư liệu.
Học sinh được tư vấn kỹ trước khi lựa chọn trường phù hợp. Ảnh tư liệu.

Linh hoạt các hình thức tư vấn

Là một trong những trường đào tạo về kinh tế hàng đầu ở khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), mới đây trường đã công bố chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022.

Theo đó, trường tuyển 3.100 chỉ tiêu hệ cử nhân chính quy theo 5 phương thức tuyển sinh gồm: phương thức 1 là xét tuyển thẳng thí sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, quốc tế và những thí sinh đủ điều kiện khác theo quy định của Bộ GD&ĐT. Phương thức 2, xét tuyển dựa trên thành tích học tập và năng lực ngoại ngữ với 4 nhóm đối tượng ưu tiên. Phương thức 3 là xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT (học bạ). Phương thức 4 xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG TP HCM). Và cuối cùng là phương thức 5 xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

PGS.TS. Đoàn Ngọc Phi Anh - Trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, trước tình hình dịch ở Đà Nẵng diễn biến phức tạp, để thích ứng với tình hình dịch Covid-19, công tác hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh phải có sự thay đổi linh hoạt, dịch chuyển cách đưa thông tin.

Trong đó, quan trọng nhất là thay đổi cách thức truyền tải nội dung, sử dụng công nghệ mới để đưa thông tin online một cách đa diện, nhiều chiều, tạo ra nhiều cơ hội tiếp cận đến người học, người cần, cộng đồng xã hội. 

Vị đại diện Trường Đại học Kinh tế cho hay, bên cạnh trang fanpage trên mạng xã hội Facebook, hai năm trở lại đây, Trường Đại học Kinh tế còn đẩy mạnh nhiều kênh tư vấn, truyền thông thông qua Zalo, YouTube, Instagram và TikTok...

Học sinh tư vấn trước khi đăng ký vào trường Đại học. Ảnh tư liệu.
Học sinh tư vấn trước khi đăng ký vào trường Đại học. Ảnh tư liệu.

Không còn dành phần lớn thời gian cho các chuyến tư vấn trực tiếp liên tỉnh hoặc tổ chức gian hàng tại nhiều ngày hội tuyển sinh, dịch Covid-19 bùng phát khiến nhà trường chuyển hướng đầu tư nhiều hơn cho tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp trực tuyến. 

Theo PGS.TS Đoàn Ngọc Phi Anh, đẩy mạnh các kênh trực tuyến thịnh hành là định hướng phát triển tư vấn tuyển sinh của trường trong giai đoạn tới. Để thay đổi phương án tuyển sinh theo cách truyền thống, mỗi chương trình tư vấn trực tuyến của trường theo đó đều có kịch bản với chủ đề cho từng chuỗi nhằm đưa ra những thông điệp rõ ràng hướng đến thí sinh.

Bên cạnh sự kỹ lưỡng trong khâu kịch bản, trường đã thành lập một đội hình chuyên gia tư vấn để hỗ trợ thí sinh kịp thời. Đội ngũ chuyên viên của trường được bố trí trực thường xuyên, giúp giải đáp các thắc mắc về tuyển sinh, hướng nghiệp của bạn trẻ. 

“Trường có đội ngũ giáo viên là những người dày dạn kinh nghiệm trực tiếp ngồi live tream để trả lời những câu hỏi thắc mắc của phụ huynh và học sinh. Ngoài ra, trường còn có đường dây nóng, tổ tư vấn túc trực liên tục để giải đáp những thắc mắc của thí sinh trong suốt thời gian trước, trong và sau kỳ tuyển sinh”, Trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Kinh tế chia sẻ thêm.   

Tư vấn chất lượng, đảm bảo chỉ tiêu đầu vào

Còn tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng), với tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 1.300, ngay thời điểm này, các bộ phận của trường đang gấp rút hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để sẵn sàng cho buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 ở các Trường THPT trên địa bàn bằng hình thức trực tuyến.

Theo TS. Nguyễn Linh Nam – Trưởng phòng Phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật cho hay, công tác hướng nghiệp là lâu dài và luôn rất cần thiết, tạo tiền đề cho người học sớm xác định một hướng đi cho cuộc sống sau này, tức là giúp học sinh chủ động chọn ngành, chọn nghề để học và có cơ hội việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Theo TS. Nguyễn Linh Nam, công tác hướng nghiệp không chỉ dừng lại ở việc giúp học sinh chọn ngành, chọn nghề, chọn trường để học sau khi tốt nghiệp THPT, mà còn phải được tiếp tục thực hiện tại các cơ sở giáo dục đại học hoặc giáo dục nghề nghiệp để hỗ trợ tốt nhất cho người học trên con đường lập thân, lập nghiệp.

“Chính vì thế, trường luôn thực hiện tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh. Bởi vì đây chính là mấu chốt nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của trường trong thời gian tới”, TS. Nguyễn Linh Nam nhấn mạnh.   

Buổi tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp bằng hình thức trực tuyến của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng).
Buổi tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp bằng hình thức trực tuyến của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng). 

Khi dịch bùng phát, nhu cầu tiếp cận chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh của học sinh và phụ huynh qua mạng xã hội, website ngày càng lớn. Chính vì thế, ngoài các mạng xã hội thông dụng, kênh YouTube, Fanpage, tư vấn qua Zalo, nhà trường còn đầu tư thực hiện nhiều chương trình trực tiếp gần gũi với giới trẻ.

TS Nam nhấn mạnh: “Cái hay của tuyển sinh trực tuyến là các trường có thể tương tác, trả lời kỹ cho học sinh sau khi chương trình kết thúc. Mình cũng có thể bổ sung thêm thông tin của trường lên trên đó để học sinh tương tác nhiều hơn”.  

PGS.TS Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, việc đổi mới phương thức tư vấn tuyển sinh thích ứng với tình hình dịch bệnh đã giúp các cơ sở giáo dục chủ động hơn trong quá trình đồng hành, định hướng thí sinh chọn nghề, chọn ngành, chọn trường phù hợp.

“Với hình thức tư vấn tuyển sinh trực tiếp, tư vấn tuyển sinh trực tuyến tận dụng được nền tảng của công nghệ số, giúp phụ huynh và thí sinh dễ dàng tiếp cận thông tin hơn, không phải di chuyển đến địa điểm tư vấn.

Đồng thời, đối với tư vấn tuyển sinh trực tuyến, thí sinh cũng mạnh dạn hơn trong việc đặt câu hỏi về ngành học và có thể xem lại video livestream bất cứ lúc nào. Đặc biệt, khi tư vấn tuyển sinh chất lượng, các trường sẽ đảm bảo chỉ tiêu đầu vào, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của trường”, PGS.TS Phan Cao Thọ khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.