Nhiều trẻ cho biết, bản thân đua đòi cũng vì hiểu được tình hình tài chính của gia đình, hay vì theo xu hướng, phong trào, bạn bè rủ rê… Chuyên gia cho rằng, người lớn hãy giúp con làm quen với quản lý tài chính hay nắm bắt được cái “cần” và “muốn” để giảm bớt đòi hỏi thái quá.
Để thể hiện
Khó khăn lắm mới sinh được một cậu con trai, bố mẹ Hùng rất cưng chiều, chưa bao giờ từ chối bất cứ một yêu cầu nào của “quý tử”. Từ nhỏ tới những năm tiểu học, Hùng rất ngoan, chăm chỉ học hành.
Bắt đầu vào THCS, nghĩ là con đã lớn, bố mẹ bắt đầu sắm cho Hùng xe điện và di động xịn. Trong khi bạn cùng lớp đi học bằng xe đạp hoặc người nhà đưa đón. Từ đó, cậu đổi tính và ngày càng có những yêu sách cao hơn.
Mẹ của Hùng kể lại, có lần con đòi mua xe mới giống nhóm bạn đang chơi cùng. Khi bố mẹ không đồng ý, cậu bỏ nhà đi cả tuần, gọi điện không nghe máy. Sốt ruột sợ con ở ngoài không an toàn, bố mẹ Hùng đành chiều theo ý con. Nhưng cũng từ đó, mỗi lần đòi gì không được thì cậu lại dọa bỏ nhà đi.
Học THPT, bố mẹ Hùng phải cho cậu vào học bán trú ở một trường tư với ý định “vào đó con sẽ ít đi chơi và tiến bộ hơn”. Không ngờ cậu lại kết bạn với một nhóm con nhà giàu ăn chơi. Mới đây, khi tốt nghiệp xong, Hùng nằng nặc đòi bố mẹ mua cho một căn chung cư để ở riêng…..
Còn Thuỳ Linh, nữ sinh một trường quốc tế lại chơi “les” theo phong trào để thể hiện sự sành điệu và bắt trend của mình. Linh nói: “Em quan hệ với bạn gái cho vui và hợp với mốt hiện nay chứ chẳng bị les gì cả, cũng chẳng mất mát gì vì con gái với con gái mà”.
Nhiều trẻ khác lại có sự phân biệt giàu nghèo ở trong trường học. Với trẻ ở mầm non, giầu, nghèo đơn giản chỉ là bạn có nhiều đồ hơn mình. Thậm chí là nhà bạn trồng nhiều cây hơn, nhiều quần áo hơn cũng được coi là giầu hơn.
Lớn lên, trẻ dần có sự nhận biết “tinh tường” hơn. Cuộc sống hiện đại, cha mẹ nào cũng muốn đầu tư cho con những thứ tốt nhất trong điều kiện có thể. Đó cũng chính là lý do khiến chỉ nhìn thoáng qua là biết gia đình bạn có kinh tế tốt hay không.
Nguyễn Hà Vy – học sinh lớp 9 Trường THCS Khương Đình (Hà Nội) cho biết: “Ngoài những buổi học phải mặc đồng phục, chúng em được mặc trang phục tự chọn. Nhiều bạn nhà giàu có nhiều quần áo rất đẹp và đắt tiền. Kể cả cặp sách, đồ dùng cũng đều là loại tốt nhất. Có bạn từ bé đến lớn đi học toàn được dùng đồ xách tay ở nước ngoài về. Thậm chí hộp đựng bút cũng có sự khác biệt”.
Lớn hơn, học sinh cấp THPT còn dễ dàng nhận dạng giàu nghèo qua các thiết bị “tốn kém” hơn như điện thoại, phương tiện đi lại.
“Bình thường các bạn đi xe đạp đi học, nhưng có nhiều bạn được mua cho xe điện. Nhà bạn nào có kinh tế khá giả còn sắm cho xe máy. Hầu hết những xe đó đều được chọn kiểu dáng mà chỉ nhìn thoáng qua là biết dòng đắt tiền. Trong khi nhiều bạn không được dùng hoặc không có điều kiện để mua điện thoại thì có bạn được sắm cho loại xịn, máy tính bảng… hàng chục triệu đồng” – Lê Quân, học sinh lớp 11 Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội) nói.
Ảnh minh họa ITN. |
Người lớn cần điều chỉnh
Theo một số chuyên gia tâm lý, việc đua đòi ở trẻ nhiều khi còn do chính cha mẹ cũng thích đua đòi, muốn con mình hơn người khác. Những trường hợp này, con trở thành nạn nhân để cha mẹ khoe của.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của môi trường xung quanh nên trẻ em rất dễ bắt chước theo hành động của bạn bè hay người lớn. Do đó muốn ngăn chặn bệnh đua đòi ở trẻ thì ý thức của người lớn trong gia đình cần phải thay đổi, điều chỉnh cách ứng xử của mình. Cần cho trẻ tham gia các phong trào Đoàn, Đội hay học kỳ quân đội để bé quen với cuộc sống gian khổ, trong lành, ý thức được sinh hoạt lành mạnh là quan trọng.
Cô giáo Đỗ Thị Hường – giáo viên Trường THCS IQ (Hà Nội) cho rằng, cha mẹ nên cho con tham gia việc lập danh mục món hàng cần mua sắm, đồng thời dạy cho trẻ khái niệm “muốn” và “cần”.
“Muốn” là thứ mình ao ước được có nhưng nếu không có cũng không sao hoặc không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. “Cần” là thứ mình không thể thiếu cho cuộc sống, có thể dùng một cách hợp lý. Và khi trẻ đòi hỏi thứ gì, nên hỏi rõ: Đây là thứ con muốn hay con cần?
Cha mẹ cần kiên quyết nói “không” khi thấy rằng đòi hỏi của con là vô lý. Trẻ hiểu rằng sẽ không thể có tất cả những gì mình muốn, bởi lẽ nguồn tài chính gia đình là có hạn. Sẽ rất tốt nếu ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ cho con được biết và tham gia việc quản lý tài chính gia đình để trẻ hiểu và biết cách kiểm soát đòi hỏi và chấp nhận sự giới hạn. Đồng thời, cha mẹ nên dạy con giá trị của lao động thông qua việc cho trẻ tự kiếm ra tiền đáp ứng nhu cầu của bản thân, như vậy sẽ tránh việc đua đòi, a dua theo chúng bạn.
Theo cô Hường, cha mẹ cũng nên quan tâm, theo sát, định hướng cho con trong việc chọn bạn, bởi trẻ rất dễ bắt chước. Sự can thiệp cần khéo léo, tế nhị, tránh làm trẻ bị tổn thương.
Ngoài ra, hãy để con làm quen với việc quản lý tài chính và phương pháp trao quyền lựa chọn thường xuyên được áp dụng trong huấn luyện kiểm soát tài chính. Thay vì ép buộc con làm một việc gì đó hãy đưa ra các lựa chọn khác nhau ứng với số tiền mà con có được. Lúc này bạn bắt đầu trao quyền cho con mua một số đồ với một món tiền nhất định, và hướng dẫn chúng sử dụng tiền đúng cách.
Hãy phân tích cho con về ưu nhược điểm cũng như lợi ích của các món đồ mà con đang muốn mua. Gợi ý cho con về những món đồ mà con đang thích hơn trong tương lai để con biết được cần làm gì để có nó. Từ đó giúp con hiểu rằng nếu con chi tiêu với những món đồ hiện tại, rất có thể con sẽ không đủ khả năng để sở hữu những món đồ mà con thích trong tương lai.