Gieo lòng yêu nước từ tri ân và trải nghiệm lịch sử

GD&TĐ - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về lòng dũng cảm, tinh thần hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, thương binh còn mãi khắc sâu trong lòng người dân Việt Nam.

Học sinh Trường THCS Thanh Nưa nghe thuyết minh về các hiện vật, quá trình đấu tranh của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Thu Hằng
Học sinh Trường THCS Thanh Nưa nghe thuyết minh về các hiện vật, quá trình đấu tranh của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Thu Hằng

Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tháng 7 - mùa tri ân, nhiều cơ sở giáo dục đã triển khai các hoạt động thiết thực nhằm giáo dục lý tưởng cách mạng, hun đúc tinh thần yêu nước cho học sinh.

Nhiều hoạt động ý nghĩa

Sáng 21/7, Trường Tiểu học, THCS và THPT Ngô Thời Nhiệm (Bình Dương, TPHCM) tổ chức Lễ kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ với sự tham gia của toàn thể học sinh và giáo viên. Buổi lễ diễn ra trang nghiêm với các nghi thức: Chào cờ, phút mặc niệm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ và nhiều tiết mục văn nghệ tri ân do học sinh, giáo viên biểu diễn. Ban giám hiệu nhà trường lồng ghép các hoạt động giáo dục để học sinh hiểu rõ hơn về ý nghĩa lịch sử của ngày 27/7.

Ông Võ Thiện Tâm - Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Ngày Thương binh - Liệt sĩ là dịp để học sinh tưởng nhớ công lao của các thế hệ cha anh đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đây cũng là cơ hội để các em nuôi dưỡng lòng yêu nước, sống trách nhiệm và trân trọng hòa bình hôm nay. Các hoạt động không chỉ mang tính giáo dục truyền thống mà còn khơi dậy tinh thần nhân ái, lòng biết ơn trong học sinh - những mầm non tương lai của đất nước”.

Cũng trong tháng 7/2025, Trường Tiểu học Phú Thọ (phường Phú Thọ, TPHCM) tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hướng đến Ngày Thương binh - Liệt sĩ như ra mắt câu lạc bộ “Em yêu khoa học” và vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên hiến máu nhân đạo. Bà Nguyễn Thị Kim Hương - Hiệu trưởng chia sẻ:

“Tại sự kiện ra mắt câu lạc bộ ‘Em yêu khoa học’ ngày 23/7/2025, lấy cảm hứng từ Anh hùng, Trung tướng Phạm Tuân - phi công vũ trụ đầu tiên của Việt Nam, nhà trường phát động chủ đề ‘Viết tiếp ước mơ’ nhằm khơi dậy tinh thần yêu khoa học, nuôi dưỡng khát vọng chinh phục tri thức và vũ trụ trong học sinh. Hoạt động thể hiện mong muốn truyền cảm hứng để học sinh kế thừa, phát triển những thành tựu của cha ông, hướng tới một Việt Nam tiên tiến, sáng tạo và hội nhập”.

gieo-long-yeu-nuoc-tu-tri-an-va-trai-nghiem-lich-su1.jpg
Trường THPT TP Điện Biên Phủ tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ liệt sĩ chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: Minh Đức

Tương tự, nhiều trường học tại tỉnh Điện Biên trong tháng 7 cũng đồng loạt triển khai chuỗi hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, gắn với kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Tại Trường THPT TP Điện Biên Phủ - ngôi trường mang tên gắn với chiến thắng lịch sử, việc giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước luôn là nhiệm vụ trọng tâm. Không chỉ qua sách vở, bài giảng, tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” được cụ thể hóa bằng các hoạt động thực tế, sinh động.

Ông Phạm Quốc Cường - Hiệu trưởng Trường THPT TP Điện Biên Phủ, cho biết: “Ngoài lồng ghép nội dung lịch sử địa phương vào các tiết học, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như chăm sóc nghĩa trang, quét dọn, thắp hương tưởng niệm tại phần mộ liệt sĩ. Các hoạt động làm báo tường, viết cảm tưởng về anh hùng quê hương, tổ chức tọa đàm, sinh hoạt chủ điểm nhân các ngày lễ lớn được triển khai sôi nổi, giúp học sinh hiểu và trân trọng giá trị của hòa bình, độc lập hôm nay”.

Ông Cường nhấn mạnh: “Những hoạt động không chỉ là lời tri ân sâu sắc tới các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh mà còn giúp học sinh nhận thức rõ giá trị của hòa bình, độc lập dân tộc”.

Tại Trường THCS Trần Văn Ơn (phường Tân Định, TPHCM), ngoài các hoạt động giáo dục, tri ân tại trường, Ban giám hiệu, Cấp ủy và Chi đoàn giáo viên còn tổ chức thăm hỏi, trao quà cho các cựu chiến binh trên địa bàn phường.

Ông Nguyễn Công Phúc Khánh - Phó Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Hoạt động giúp cán bộ, giáo viên, đoàn viên ôn lại truyền thống cách mạng, tri ân những tấm gương hy sinh vì dân, vì nước, từ đó lan tỏa tinh thần nhân ái, trách nhiệm với cộng đồng”.

gieo-long-yeu-nuoc-tu-tri-an-va-trai-nghiem-lich-su-3.jpg
Học sinh Trường Tiểu học Phú Thọ tham quan triển lãm về các loại máy bay. Ảnh: Hồ Phúc

Xây dựng lý tưởng sống cao đẹp

Tại Trường THCS Vừ A Dính (Pú Nhung, Điện Biên), không khí tri ân tháng 7 mang ý nghĩa đặc biệt. Ngôi trường vinh dự mang tên Anh hùng liệt sĩ Vừ A Dính - thiếu niên dân tộc Mông anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, biểu tượng sáng ngời về lòng yêu nước và tinh thần dũng cảm.

Bà Phạm Thị Luyến - Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Không chỉ trong tháng 7, mà xuyên suốt năm học, nhà trường luôn giáo dục học sinh về lòng quả cảm, tinh thần tự học, vượt khó và cống hiến vì cộng đồng. Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng được cụ thể hóa qua việc tích hợp lịch sử địa phương vào môn học, tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, thi kể chuyện về gương anh hùng, tham quan di tích cách mạng trên địa bàn”.

Ông Võ Thiện Tâm - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS và THPT Ngô Thời Nhiệm, chia sẻ thêm: “Thông qua lễ kỷ niệm ngày 21/7/2025 và các buổi sinh hoạt chuyên đề trong tháng 7, nhà trường đã giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần ‘Uống nước nhớ nguồn’, mặt khác lan tỏa giá trị nhân văn sâu sắc đến xã hội. Điều này góp phần xây dựng thế hệ trẻ có lý tưởng sống cao đẹp, sống trách nhiệm với cộng đồng và đất nước”.

gieo-long-yeu-nuoc-tu-tri-an-va-trai-nghiem-lich-su5.jpg
Trường Tiểu học, THCS và THPT Ngô Thời Nhiệm tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa dịp 27/7. Ảnh: NTCC

Ông Tâm nhấn mạnh: “Các hoạt động giúp học sinh hiểu rằng bình yên hôm nay được trả giá bằng sự hy sinh của bao thế hệ cha anh. Điều đó không chỉ học qua sách vở mà được trải nghiệm bằng trái tim. Nhà trường tin rằng, những hoạt động này không chỉ giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống mà còn khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng và Tổ quốc trong mỗi học sinh – mục tiêu cốt lõi của giáo dục toàn diện”.

Từ góc độ học sinh, Trần Khánh An - lớp 12A4, Trường Tiểu học, THCS và THPT Ngô Thời Nhiệm, chia sẻ: “Qua các chương trình, hoạt động tháng 7, em cảm thấy xúc động và tự hào. Các tiết mục văn nghệ tái hiện khoảnh khắc lịch sử và chia sẻ của thầy cô giúp em cảm nhận phần nào sự hy sinh thầm lặng, cao cả của các thế hệ cha anh. Nhờ đó, em và các bạn có được cuộc sống hòa bình, hạnh phúc hôm nay. Tháng 7 hàng năm là dịp để em bày tỏ lòng biết ơn và học được nhiều bài học quý giá về đạo lý uống nước nhớ nguồn”.

Em Lò Thu Huyền - lớp 9A2, Trường THCS Vừ A Dính, xúc động nói: “Em rất khâm phục tinh thần ham học, dũng cảm của anh Vừ A Dính. Dù còn nhỏ, anh đã đối mặt với kẻ thù, giữ trọn lời thề với cách mạng. Hình ảnh ấy là nguồn động lực để em cố gắng học tập, rèn luyện, mong sau này trở thành chiến sĩ biên phòng, bảo vệ biên cương Tổ quốc.”

“Những hoạt động ý nghĩa trong tháng 7 nhằm giáo dục học sinh về đạo lý uống nước nhớ nguồn và truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc. Trong hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bao thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu, hiến dâng tuổi trẻ để mang lại tự do. Nhiệm vụ của thế hệ trẻ hôm nay là tiếp bước truyền thống, xây dựng và bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do cho muôn đời sau”, bà Nguyễn Thị Kim Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thọ (TPHCM) nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

ThS Dương Nhật Linh cùng sinh viên Trường ĐH Mở TPHCM. Ảnh: L.N

Ngành công nghệ sinh học có 'kén' việc làm?

GD&TĐ - Ngành Công nghệ sinh học hứa hẹn tạo ra những đột phá trong lĩnh vực dược, nông nghiệp và môi trường, nhưng ngành này thường gắn liền với nỗi lo khó xin việc hoặc phải làm trái ngành.

Đoàn làm phim “Mưa đỏ” chia sẻ tại buổi showcase. Ảnh: ĐAQDND

'Mưa đỏ' chuẩn bị ra rạp

GD&TĐ - 'Mưa đỏ' là phim truyện điện ảnh về đề tài chiến tranh cách mạng với kịch bản của nhà văn Chu Lai...