Việc hướng dẫn cho trẻ kĩ năng tiêu tiền có thể mang lại nhiều lợi ích, từ nâng cao khả năng tính toán ứng dụng thực tế cho tới hiểu giá trị của đồng tiền để có ý thức đúng đắn trong cuộc sống…
Học Toán từ việc đi chợ
Chị Phương Thanh, quận Đống Đa, Hà Nội, cho con làm quen với tiền từ những năm đầu tiểu học. Chị Thanh giới thiệu dần cho con mệnh giá của từng đồng tiền. “Những con số gắn với cuộc sống thực tế đã khiến cháu dễ hình dung và nhớ hơn về các con số và biết sử dụng đồng tiền một cách hợp lý cũng như bớt đòi hỏi bố mẹ mua đồ theo sở thích ngẫu hứng của con…” - chị chia sẻ.
Lên lớp 3, lớp 4, chị Thanh đã hướng dẫn con ra hàng tạp hóa ngoài ngõ mua giúp mẹ những thứ lặt vặt trong gia đình. Khi giao cho con đi mua một món hàng, mặc dù biết chính xác giá món hàng đó nhưng chị vẫn đưa con tờ tiền mệnh giá lớn hơn để con vận dụng tính toán và mang tiền thừa về trả mẹ. Theo chị Thanh thì việc “vờ như mẹ không biết tính toán” kích thích trẻ em năng động trí óc rất nhiều. Ví dụ khi cần mua vài món đồ, con chị có thể tự ước tính tổng số tiền cần mang theo để trả.
Nâng lên một bước về giáo dục cách sử dụng đồng tiền, chị Thanh cho con tham gia vào việc chi tiêu của gia đình. Mỗi lần đóng tiền vệ sinh thu gom rác, tiền điện, tiền nước, chị đều nói cho con nghe về các khoản phí hàng tháng, trong đó có cả tiền học bán trú, tiền mua các đồ dùng, quần áo cho con. Ban đầu, con chỉ thấy đó là những con số, nhưng dần dần qua những sự khác biệt của các tháng hè và đông, con dần nhận thấy mùa hè bật điều hòa sẽ tốn tiền điện hơn mùa đông, mức chi tiêu trong nhà so với thu nhập của bố mẹ trong tháng… Qua việc này, trẻ hình thành ý thức tiết kiệm và tự đưa ra giải pháp.
Tạo dựng nhiều phẩm chất tốt đẹp
Thông qua xây dựng ý thức trân trọng đồng tiền và tiết kiệm chi tiêu, cha mẹ có thể giúp con xây dựng được thêm nhiều phẩm chất tốt đẹp, đặc biệt là tinh thần tương thân, tương ái.
Chị Hương Lan ở Thanh Xuân (Hà Nội), luôn đưa con đi theo khi tham gia hoạt động từ thiện ở những địa điểm không quá xa nhà. Khi con đã hiểu được ý nghĩa thực sự của hoạt động thiện nguyện, giúp giảm đỡ khó khăn cho những người có hoàn cảnh đặc biệt, chị hướng dẫn con dành tiền thừa mà bố mẹ cho ăn quà để đóng góp vào quỹ từ thiện do nhà trường vận động. Có lần tham gia với một nhóm phụ nữ ở Hội quán các bà mẹ, quyên góp ủng hộ giúp đỡ một bà mẹ có con đang điều trị bệnh bạch cầu ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, chị Lan cũng cho cô con gái 12 tuổi đi cùng.
Chứng kiến và trò chuyện với các bạn nhỏ tuổi bị những căn bệnh hiểm nghèo phải nghỉ học và hàng năm trời phải nằm viện điều trị với nụ cười và nước mắt kiên cường chống chọi lại bệnh tật của cô bé Hiền Anh ấn tượng lắm. Về nhà, thấy con gái có nhiều chuyển biến trong suy nghĩ và cách cư xử chị Lan mừng quá. Trước đây con rất ích kỷ và vô tâm. Giờ con đã biết quan tâm đến mọi người và có ý thức gìn giữ đồ dùng cá nhân để “nếu chật hoặc không dùng nữa con sẽ gửi cho các bạn nghèo…”.
Hiện nay, trong các hoạt động tăng cường giáo dục về kỹ năng sống, giá trị sống, nhiều trường học đã phối hợp với nhiều tổ chức đoàn thể, tổ chức những hội chợ mua bán đồ cũ, hạn chế sự lãng phí - đây chính là sân chơi tốt mà phụ huynh nên khuyến khích, ủng hộ con tham gia.
Tại hội chợ, những cô cậu học sinh thường mang những món đồ mà mình yêu thích đến để trao đổi hoặc để bán (tất nhiên là tiền do bố mẹ các bạn ủng hộ) hoặc tham gia làm những sản phẩm thủ công bán cho khách tham gia. Số tiền thu được sau đó được gửi vào quỹ từ thiện của nhà trường. Qua hoạt động này, trẻ sẽ cảm thấy thích thú và tự hào vì đã có phần đóng góp thực sự của mình thay vì xin tiền bố mẹ.