Cho tiền tiêu vặt: Cách hiệu quả dạy con biết quản lý tài chính từ nhỏ

GD&TĐ - Quan điểm về việc cho con tiếp xúc với tiền, cho con tiền tiêu vặt của các phụ huynh còn nhiều tranh luận. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, đây là một trong những cách tốt nhất dạy con cách quản lý tài chính và biết quý giá trị của đồng tiền.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

TS. Vũ Thu Hương chia sẻ bí quyết giúp cha mẹ có quan điểm "thoáng hơn" trong việc cho con làm quen với cách quản lý chi tiêu từ phạm vi nhỏ, dần hình thành thói quen trong quản lý tài chính, giúp con thành công hơn khi trưởng thành.

Một số lưu ý quan trọng khi cho con tiền tiêu vặt

1. Quy định tuổi bắt đầu được phép tiêu tiền

TS. Vũ Thu Hương cho rằng, ở lứa tuổi mầm non và lớp 1 thì rõ là không nên cho con tiêu tiền. Lý do là vì con chưa hiểu gì về tiền và chưa biết tính toán với các con số. Cha mẹ nên bắt đầu cho con tiêu tiền khi học lớp 3 là hợp lý nhất.

2. Rót "ngân sách" theo độ tuổi

Cho con tiền tiêu vừa phải để con không quá khao khát nhưng cũng không quá hoang phí. Có bố mẹ chia sẻ là con lấy tiền ra mua áo phông đồng phục cho cả lớp (loại cũng khá đắt). Gia đình thì tuy khá giả nhưng cho con tiền tiêu như vậy quả thực là.... hơi quá.

Để đạt hiệu quả giáo dục cao trong việc dạy con về quản lý tài chính, TS. Vũ Thu Hương khuyên bố mẹ nên phân bổ tiền tiêu vặt cho con theo các nguyên tắc sau:

Cấp Tiểu học: Bố mẹ lo ăn sáng cho con để con khỏi sử dụng tiền ăn sáng vào mục đích khác. Tiền tiêu vặt cho con nên ít thôi, khoảng 10k - 20k/cả tuần. Bố mẹ dạy con làm con heo đất để giữ tiền nếu con không có nhu cầu mua sắm gì. Để dành tiền rồi thì nên hướng con tiêu hợp lý cho 1 món đồ con thích như: mua quà Giáng sinh hoặc quà sinh nhật cho các thành viên trong gia đình.

Nếu con tiêu vào các món đồ độc hại ngoài cổng trường, cha mẹ cần có các phân tích khoa học hợp lý để con hiểu. Nếu phân tích rồi mà vẫn cố tình mua thì sẽ phạt bằng cách cắt giảm tiền tiêu vặt. Khi đó trẻ sẽ hiểu vấn đề ngay.

Cấp THCS: Các bố mẹ chú ý, giờ con có nhiều mối quan tâm hơn như sinh nhật bạn bè, quỹ lớp, quỹ nhóm. Vì thế, cha mẹ có thể tăng tiền tuần lên cho con để con có thể đủ chi phí. Nếu con tiêu pha không hợp lý thì lại cắt giảm (cắt 1 tuần, cắt vài chục nghìn trong cả đợt....)

Cấp THPT: Lúc này con lo thân tốt rồi. Bố mẹ cho con tự lo ăn sáng nên sẽ có khoản tiền cả tiêu vặt lẫn ăn sáng. Tuy nhiên, cha mẹ nên hạn chế, đừng cho quá nhiều. Số tiền tiêu vặt tùy thuộc điều kiện từng gia đình dùng cho việc ăn sáng, bơm sửa xe, mua quà sinh nhật bạn,... Lúc này, cha mẹ cần yêu cầu con ghi rõ các khoản chi tiêu trong tuần, chi vào việc gì, số tiền bao nhiêu.

Cha mẹ hãy giải thích rõ ý nghĩa của việc quản lý tiền bằng sổ sách, chính là dạy con biết cân đối khoản tiền mình có được vào những việc phù hợp nhất.

TS. Vũ Thu Hương lưu ý các bậc phụ huynh, khi con đã học đến THPT, cha mẹ nên chú ý khuyến khích con tập đi làm thêm để kiếm tiền tiêu vặt. Đi kiếm tiền khó khăn, trẻ sẽ tiết kiệm hơn là thoải mái chi tiêu mà không phải lo kiếm.

Ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ đã cần chú ý phân chia tiền lì xì và tiền quà sinh nhật (nếu có) của con ra thành từng tuần để đưa cho con. Thấy rõ là mình chỉ được phép chi tiêu trong số tiền mình có (lì xì, tiền được ai đó cho), trẻ sẽ có ý thức tiết kiệm hơn hẳn là cứ thản nhiên rút ra từ kho không đáy là nguồn của bố mẹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ