Bộ GD&ĐT vừa công bố chi tiết thống kê đối sánh phổ điểm một số tổ hợp điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025, điểm học tập bậc THPT, bách phân vị giữa các tổ hợp môn. Đây được xem là căn cứ giúp các cơ sở đào tạo đại học (ĐH) xác định điểm chênh lệch giữa các tổ hợp nếu có nhằm đảm bảo công bằng giữa các phương thức tuyển sinh. Vấn đề được quan tâm hiện nay là bảng bách phân vị có ý nghĩa gì với thí sinh và các em cần lưu ý gì khi xét tuyển ĐH năm nay?
Bảng bách phân vị giúp các trường ĐH có cơ sở đánh giá công bằng hơn
Theo Bộ GD&ĐT, từ năm 2024 trở về trước, hạn chế cơ bản của xét tuyển ĐH là có quá nhiều phương thức xét tuyển và nhiều tổ hợp xét tuyển khác nhau. Mỗi phương thức xét tuyển có thang điểm riêng.
Quy chế tuyển sinh ĐH năm 2025 quy định, các trường ĐH sử dụng nhiều phương thức, tổ hợp xét tuyển cho một ngành và chương trình đào tạo sẽ phải quy đổi điểm về một thang điểm chung và một mức điểm chuẩn tương đương nhằm đảm bảo công bằng trong tuyển sinh. Và để tránh sự mất công bằng giữa các thí sinh xét tuyển, Bộ GD&ĐT đưa ra phương pháp thống kê bách phân vị
Dựa trên kết quả thống kê chi tiết tại bảng bách phân vị giữa các tổ hợp xét tuyển phổ biến của Bộ GD&ĐT năm 2025 (gồm: A00 - Toán, Vật lí, Hóa học; A01 - Toán, Vật lí, Tiếng Anh; B00 - Toán, Hóa học, Sinh học; C00 – Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí; D01 - Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh; C01 - Toán, Vật lí, Ngữ văn; D07 - Toán, Hóa học, Tiếng Anh) cho thấy, tổ hợp C00 có mức điểm cao hơn hẳn ở các tổ hợp khác.
Đơn cử như 22,75 điểm tổ hợp C00 tương đương với 20,25 điểm tổ hợp A00; 19 điểm tổ hợp B00; 16,25 điểm tổ hợp D01 và 14,75 điểm tổ hợp D07…
Chia sẻ với phóng viên, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng, bách phân vị là một khái niệm thống kê giúp xác định vị trí tương đối của một cá nhân trong một nhóm dựa trên điểm số hoặc giá trị đo lường.
Nó giống như một “thang xếp hạng” giúp các em biết vị trí của mình so với tất cả thí sinh khác, chứ không chỉ nhìn vào điểm số tuyệt đối như 8/10 hay 25/30.
Ví dụ, nếu thí sinh đạt bách phân vị 90, nghĩa là điểm của thí sinh này cao hơn 90% thí sinh còn lại, chỉ có khoảng 10% thí sinh khác giỏi hơn thí sinh này.
Theo ông Dũng, ý nghĩa lớn nhất của bảng bách phân vị là giúp các trường ĐH có cơ sở đánh giá công bằng hơn. Bên cạnh đó, bảng bách phân vị cũng giúp thí sinh có thêm căn cứ để dự đoán cơ hội trúng tuyển.
Đơn cử như việc bảng này cho các em thấy phổ điểm năm nay là 28,75 điểm khối A00 sẽ tương đương 27,5 điểm khối D01 ở cùng mức phân vị. Trên cơ sở đó, các em có thể tra cứu để ước lượng điểm của mình ở mức nào so với các bạn khác. Từ đó, đặt thứ tự ưu tiên nguyện vọng phù hợp để có thể đỗ vào trường mơ ước.
Điều này đặc biệt hữu ích khi số thí sinh năm nay rất đông và phổ điểm giữa các tổ hợp xét tuyển có sự chênh lệch lớn như khối A cao hơn khối D từ 1-2 điểm ở cùng phân vị.
Ngoài ra, bảng bách phân vị còn đảm bảo điểm của các em vẫn “cân bằng” khi xét tuyển, không bị thiệt vì đề thi khó hơn ở môn mình chọn. Nói cách khác, bảng bách phân vị như “bản đồ xếp hạng” giúp các em tự tin hơn, giảm tranh cãi về độ khó đề thi và làm cho quá trình xét tuyển minh bạch, công bằng hơn; không còn tình trạng “điểm cao nhưng vẫn rớt”.

Thí sinh có thể dự đoán điểm chuẩn dựa trên bách phân vị
Lưu ý với các thí sinh trong xét tuyển ĐH năm nay dựa trên bảng bách phân vị, ông Dũng cho rằng, thí sinh cần tra cứu bảng quy đổi, khung quy đổi điểm cụ thể của các trường ĐH để tính toán chính xác.
Bên cạnh đó, trên cơ sở bảng bách phân vị, các em có thể chọn tổ hợp môn phù hợp khi đăng ký. Lý do là hiện nay, mỗi trường thi riêng sẽ chọn tổ hợp thi THPT làm “gốc” để quy đổi.
Ví dụ, các kỳ thi đánh giá năng lực thường dùng tổ hợp A00 nên nếu thí sinh tham dự kỳ thi riêng hãy kiểm tra xem tổ hợp đó có khớp với nguyện vọng của mình không và tránh quy đổi “gián tiếp” từ điểm thi đánh giá năng lực sang A00 rồi sang D01 vì điều này có thể gây sai lệch.
Ngoài ra, thí sinh cũng có thể dự đoán điểm chuẩn dựa trên bách phân vị. Chẳng hạn, nếu thí sinh ở top 10% (bách phân vị 90), cơ hội đỗ trường top sẽ cao hơn.
Đặc biệt, để tránh các sai lầm đáng tiếc trong xét tuyển, ông Dũng khuyên thí sinh không cần tự quy đổi điểm, chỉ nộp kết quả thi như bình thường khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, hệ thống phần mềm xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT sẽ tự động xử lý dựa trên khung quy đổi.
Các em cũng cần đa dạng nguyện vọng bằng cách đăng ký nhiều trường, nhiều phương thức khác nhau để tăng cơ hội trúng tuyển. Nếu điểm THPT thấp thì các kỳ thi thi riêng có thể “cứu cánh” nhờ quy đổi. Tuy vậy, các em cũng cần chuẩn bị tâm lý, bách phân vị dù giúp đảm bảo công bằng nhưng cạnh tranh trong xét tuyển vẫn rất cao.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết, điểm khác biệt của tuyển sinh ĐH năm nay so với mọi năm là điểm trúng tuyển sẽ được quy đổi về cùng một thang điểm giữa các phương thức xét tuyển và sử dụng phương pháp bách phân vị để quy đổi cũng như xác định mức độ tương đồng giữa các tổ hợp để đảm bảo sự công bằng tối đa cho thí sinh.
Như vậy, một ngành đào tạo có thể xét tuyển bằng nhiều tổ hợp, nhiều phương thức nhưng điểm chênh lệch giữa các tổ hợp sẽ được điều chỉnh theo phương pháp bách phân vị. Phụ huynh, thí sinh không cần lo lắng vì các trường ĐH phải hiệu chỉnh theo phương pháp bách phân vị để đảm bảo quyền lợi cao nhất cho các em.