Từ đơn thư của một phụ huynh gửi con theo học tại Trường Mầm non Sanh Xuân (Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) nghi bị giáo viên bạo hành cuối năm 2022, Phòng GD&ĐT Liên Chiểu (cũ) đã xác minh và phát hiện 2 giáo viên đứng lớp chưa đủ điều kiện để tham gia công tác nuôi dạy trẻ. Những giáo viên này khi đó đang học đại học sư phạm mầm non, chưa có bằng tốt nghiệp theo đúng yêu cầu vị trí việc làm.
Dù Luật Giáo dục ban hành năm 2019 có quy định chuẩn trình độ giáo viên đứng lớp ở các cấp học, nhưng còn tình trạng trường ngoài công lập có chuẩn tuyển dụng thấp hơn trường công lập, nhất là ở bậc học mầm non như trường hợp nêu trên. Do đó, việc quy định lại chuẩn chức danh nghề nghiệp, trình độ đào tạo cho giáo viên ngoài công lập và công lập sẽ giúp có một thước đo chung trong tuyển dụng, đánh giá và bồi dưỡng, đào tạo.
Thực tế cho thấy, sự khác biệt giữa công lập và tư thục chủ yếu nằm ở hình thức đầu tư, không phản ánh bản chất hay chất lượng hoạt động chuyên môn. Nhưng tùy theo đường hướng, mục tiêu phát triển nhà trường của từng chủ đầu tư, có thể có những cơ sở giáo dục, giáo viên “đứng ngoài” nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn. Với cơ sở giáo dục ngoài công lập hướng đến phân khúc chất lượng cao, thường chủ đầu tư sẽ chủ động tổ chức bồi dưỡng các khóa học giúp giáo viên cập nhật các xu hướng giáo dục mới.
Ở hướng ngược lại, nhiều trường ngoài công lập có mức học phí vừa phải lại chưa quan tâm nhiều đến mảng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho nhà giáo. Nguyên nhân có thể do chủ trường không bố trí được kinh phí, không sắp xếp được thời gian để giáo viên tham gia vì gần như các trường ngoài công lập hoạt động xuyên suốt cả năm, kể cả dịp hè để đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh.
Trong khi đó, ở hệ thống công lập, trong thời gian nghỉ hè, giáo viên được tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn từ nguồn kinh phí bồi dưỡng thường xuyên của đơn vị. Có địa phương, tùy theo một số nội dung bồi dưỡng, nếu trường ngoài công lập không đóng kinh phí cho ban tổ chức thì giáo viên không được tham gia khóa học như các giáo viên trường công lập.
Năm 2024, lần đầu tiên, ngành GD&ĐT TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thi giáo viên mầm non dạy giỏi cấp thành phố với chủ đề Giáo viên tài năng dành riêng cho các giáo viên cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Đây là địa phương tổ chức nhiều hoạt động bồi dưỡng kiến thức, nâng cao chuyên môn và đạo đức nhà giáo cho giáo viên mầm non tại các nhóm lớp độc lập tư thục.
Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng “đều tay” giữa hệ thống công lập và ngoài công lập trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Cho dù, theo Nghị quyết số 29 năm 2013 của Trung ương yêu cầu: “Bảo đảm bình đẳng giữa nhà giáo trường công lập và nhà giáo trường ngoài công lập về tôn vinh và cơ hội đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ...” nhưng chưa có văn bản nào hướng dẫn thực hiện chủ trương này nên việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo tại cơ sở giáo dục ngoài công lập ít được quan tâm.
Vì vậy, khi không còn phân biệt công - tư trong tiêu chuẩn nghề nghiệp của nhà giáo, yêu cầu giáo viên phải được đào tạo, rèn luyện và hoạt động trong khung chuẩn nghề nghiệp chung là bước tiến lớn, tạo công bằng trong cơ hội phát triển nghề nghiệp của các nhà giáo.
Ở góc độ người đi học, đây sẽ là phương cách để đảm bảo sự công bằng trong hưởng thụ giáo dục, khi không còn tình trạng giáo viên đứng lớp dưới chuẩn. Bởi chính sách đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên ở các trường học như nhau, không còn khoán cho chủ đầu tư như cách làm trước đây vì có trường quan tâm, có trường không.
Ngành Giáo dục cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho các chủ trường, nhà đầu tư, cán bộ quản lý, giáo viên để các nhóm đối tượng hiểu rõ quyền và trách nhiệm, thực thi quy định của pháp luật một cách nghiêm túc. Muốn vậy, cần có cơ chế giám sát để cộng đồng trách nhiệm việc triển khai từ các bên liên quan.