Tại chương trình, các chuyên gia nổi tiếng, dày dặn kinh nghiệm và có chuyên môn sâu như Tiến Sĩ Tâm lý học Lê Minh Công - Phó tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam, thành viên Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam, Hội Tâm lý học Việt Nam; Thạc sĩ Đinh Thị Thái Hà - GV trường THPT Lương Sơn, Hà Nội; Chuyên gia Đỗ Thuỳ Dương – Chủ tịch hội đồng quản trị– Tổng Giám đốc công ty Hội tụ nhân tài (Talent Pool) và Nghệ sĩ Mai Long - Phó chủ tịch tập đoàn NTEA đã chia sẻ về vấn đề bạo lực học đường – mối quan tâm lớn của toàn xã hội những năm gần đây.
Những nguyên nhân của bạo lực học đường
Theo tiến sĩ Lê Minh Công: Thực trạng bạo lực học đường đang ngày càng trở nên nghiêm trọng đến từ hai lý do chủ quan và khách quan của kẻ bắt nạt. Trong độ tuổi dậy thì, (lứa tuổi THCS, THPT), học sinh sẽ trải qua những biến đổi mạnh mẽ về tinh thần và thể chất. Điều đó có thể dẫn đến những suy nghĩ muốn thể hiện và khẳng định bản thân, hoặc gây nên sự thiếu đồng cảm lẫn nhau. Đây chính là nguyên nhân của rất nhiều vụ bạo lực học đường.
Bên cạnh đó, những yếu tố xung quanh cũng tác động đến suy nghĩ và hành vi của học sinh đặc biệt là trong gia đình và nhà trường. Cụ thể, tiến sĩ Công cho rằng: Hiện nay, học sinh ít được trang bị kĩ năng sống và đang phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn. Trên thực tế, có khoảng 5-10% học sinh mắc những chứng rối loạn, tuy nhiên nhà trường lại không chú ý đến những khó khăn của các bạn mà chỉ cho rằng đó là kém đạo đức.
Tuy nhiên, cô giáo Đinh Thị Thái Hà, với kinh nghiệm 30 năm công tác trong ngành giáo dục lại có quan điểm khác. Theo cô Hà, có rất nhiều nguyên nhân không phải đến từ nhà trường và giáo viên mà xuất phát từ những lí do có thể rất nhỏ nhặt. Cô cũng chia sẻ rằng trên thực tế có rất nhiều vụ bạo lực học đường mà trong đó, nguyên nhân chỉ có thể được biết bởi giáo viên, người gần gũi với học trò.
Dưới góc nhìn của một người viết sách phát triển bản thân, chuyên gia Đỗ Thùy Dương bổ sung vào những nguyên nhân trên một lý do rất bất ngờ: Chúng ta cũng có xu hướng tự bạo lực với bản thân rất nhiều. Đồng thời, những người tự bạo lực với bản thân cũng thường chịu đựng và chấp nhận khi người khác có những hành vi, suy nghĩ, bạo hành đến mình.
Vì vậy, bạo lực sẽ gia tăng khi một bên cố gắng thể hiện những hành vi bạo lực, trong khi một bên chịu đựng, chấp nhận tổn thương và không dám tìm tới giải pháp, hình thức đối thoại.
Giải pháp cho bạo lực học đường
Theo các chuyên gia, những giải pháp mà các nạn nhân của bạo lực học đường nên làm là: Không giấu diếm. Học sinh là nạn nhân hãy tìm đến những người tin cậy như cha mẹ, thầy cô, phòng tư vấn tâm lý trường học để chia sẻ và cùng tìm giải pháp.
Đặc biệt, nghệ sĩ Mai Long đã sáng tác bài thơ “Khi bạn bị đánh” để có thể truyền tải kiến thức đến các học sinh dễ dàng hơn:
“Con ơi nhớ lấy câu này/ Khi bị bạn đánh giữ tay bạn liền/ Hét lên nếu bạn làm phiền/ Chớ nên đánh lại đôi bên bất hòa/ Học võ để bảo vệ ta/ Nhìn thẳng mắt bạn nói là Dừng ngay/ Bạn bè là phải bắt tay/ Đánh nhau là việc không hay chút nào.”
Chuyên gia Đỗ Thùy Dương cũng chia sẻ một cách giải tỏa cảm xúc tiêu cực rất hay là tìm đến những cuốn sách hoặc viết nhật ký, đồng thời gợi ý giáo viên và phụ huynh phương pháp hỗ trợ con trong xử lý tình huống bạo lực học đường.
Về phía phụ huynh và giáo viên, khi con mình và học sinh có biểu hiện bị bạo lực, cần phải: Tạo độ tin cậy với con và học sinh. Cố gắng tham gia vào những câu chuyện của học sinh và con để hiểu rõ hơn. Tuy nhiên không nên can thiệp quá thô bạo và xâm phạm đến sự riêng tư của học sinh. Hãy dùng độ tin cậy để cảm hóa con và học sinh. Nghiêm khắc cũng là điều cần thiết.
Nếu phụ huynh có con là người đi bắt nạt người khác, cần phải: Trước khi lên án hoặc kết tội, cần phải lắng nghe. Lắng nghe để hiểu nguyên do mà con làm thế. Đặt câu hỏi xem con có lường được hậu quả của những hành động đó hay không. Trao cơ hội để con được sửa sai, chủ động hỏi giải pháp của con để chữa lành vết thương. Nếu hòa giải không có tác dụng, cần tùy vào tình hình để can thiệp. Phụ huynh cũng nên lưu ý khi làm bên thứ ba, nên cố gắng công bằng và lắng nghe cả hai bên.
Về mặt nghệ thuật, nghệ sĩ Mai Long chia sẻ, cũng ấp ủ mong ước được làm phim về Bạo lực học đường để giúp đỡ các học sinh hiểu rõ hơn về vấn đề gây nhức nhối này.
Như vậy, bạo lực học đường không phải là vấn đề của riêng học sinh mà cần sự chung tay của cả cộng đồng, sự phối kết hợp đồng bộ của gia đình – nhà trường – xã hội.
Bước ra từ Chương trình Thủ lĩnh Thanh niên Đông Nam Á (SEAYLP), những bạn trẻ nhiệt huyết của Việt Nam đã cùng học sinh tại các trường THPT trên cả nước lập nên dự án dài hạn The Psymics. Dự án mang sứ mệnh phổ biến và trang bị cho học sinh những kiến thức về tâm lý học đường, đồng thời lắng nghe và giải đáp những khúc mắc của họ. Từ đó góp phần phát triển kỹ năng mềm cho học sinh và giảm thiểu các vấn đề nhức nhối trong môi trường học đường Việt Nam.