Giảm thiểu bạo lực học đường: Cần sớm nhận biết những dấu hiệu tâm lý ở HS

GD&TĐ - Bạo lực học đường có thể dẫn đến tổn thương về mặt thể chất nhưng đáng lo ngại hơn là những vết sẹo tinh thần khó phai đối với học sinh. Bởi vậy, các nhà trường cần chú trọng công tác tư vấn tâm lý cho các em.

Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)

Tự tử vì bị bạn bè trêu chọc

Mới đây, Khoa Sức khoẻ vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận một bé gái 13 tuổi có hành vi tự tử do bị bạn trêu chọc. Đây là câu chuyện đau lòng và cũng là lời nhắc các gia đình, các nhà trường cần chú trọng hơn nữa tới công tác giáo dục kỹ năng sống nói chung, kỹ năng đề phòng và ứng phó với bạo lực học đường nói riêng.

Theo lời kể của TS.BS Ngô Anh Vinh, Phó trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương), bé gái 13 tuổi đã uống thuốc sâu tự tử do bị bạn bè trêu chọc. câu chuyện có thật này đã trở thành mối lo ngại của rất nhiều phụ huynh, là trăn trở lớn của các nhà trường và toàn xã hội.

Sự việc bắt đầu xảy ra khi giữa năm học, cô giáo xếp em ngồi giữa hai bạn nam. Kể từ đó, em thường xuyên bị hai bạn bên cạnh trêu chọc, giật và ném sách vở. Nghiêm trọng hơn là em thường xuyên bị hai bạn lấy sách đập vào đầu. Ngoài ra, em còn bị cả lớp ghép đôi với một trong hai bạn nam đó. Điều này khiến em luôn có cảm giác xấu hổ, căng thẳng và lo sợ nên không thể tập trung học.

Càng ngày, học lực của em càng giảm sút. Mỗi khi không làm được bài hoặc bị điểm kém thì cả lớp lại trêu chọc khiến em càng chán nản, tự ti và không muốn đi học. Nghĩ đến việc đi học, em luôn lo lắng, sợ hãi và cảm thấy không có ai hiểu và giúp đỡ mình. Dần dần, em không muốn giao tiếp với ai thậm chí cả bố mẹ hay anh chị em. Em cảm thấy cuộc sống như cực hình và muốn được giải thoát khỏi cảm giác đầy căng thẳng và sợ hãi.       

TS.BS Ngô Anh Vinh chia sẻ, tại Khoa Sức khoẻ vị thành niên, bệnh nhi luôn trong tình trạng mệt mỏi, buồn chán, mất ngủ và đau đầu. Suốt ngày, trẻ chỉ nằm thu mình, cảm giác tự ti và không muốn tâm sự hay trò chuyện với bất kỳ ai. Sau khi thăm khám và làm các trắc nghiệm tâm lý, các bác sĩ và nhà tâm lý đánh giá trẻ có những sang chấn về tinh thần. Sau một tuần trị liệu tâm lý, tinh thần của trẻ đã cải thiện hơn. Trẻ cảm thấy khoẻ và vui vẻ hơn, hoà đồng với các bạn trong phòng và với mọi người.

Điều đáng lo ngại hiện nay là bạo lực học đường xảy ra không chỉ ở các học sinh nam mà thực tế lại có nhiều vụ liên quan đến học sinh nữ. Lý do có thể rất vu vơ như “nhìn đểu”, bạn mới đến học, bạn học giỏi nhưng không giúp đỡ bạn khác làm bài hay đơn giản là bị bạn bè trêu chọc…

Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)

Công tác tư vấn tâm lý học đườngcần đặc biệt chú trọng

Câu chuyện trên là một trường hợp đau lòng về bạo lực học đường. Điều may mắn là “nạn nhân” đã được cứu sống. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn lo lắng về những ảnh hưởng tâm lý lâu dài đối với học sinh này, đặc biệt khi em đi học trở lại, nếu tình trạng bạo lực vẫn tiếp diễn thì có thể trẻ lại tiếp tục có hành vi tự sát và hậu quả có thể còn đau lòng hơn hoặc không thể cứu vãn.

Hiện nay, bạo lực học đường đã trở thành mối lo ngại của rất nhiều gia đình, của nhà trường và là nỗi trăn trở của toàn xã hội vì những hậu quả của nó. Tại Việt Nam, số liệu thống kê từ các điều tra gần đây cho thấy sự gia tăng đáng kể cả về số lượng và tính chất nghiêm trọng của vấn nạn bạo lực học đường đặc biệt là đối với trẻ vị thành niên.

TS.BS Ngô Anh Vinh cho rằng, nhà trường cần tạo môi trường học tập tích cực, thân thiện giúp các em học sinh được học tập và phát triển lành mạnh. Các thầy cô giáo phải chú ý để không có sự phân biệt đối xử giữa các học sinh trong lớp. Bên cạnh đó, các thầy cô giáo phải luôn lắng nghe học sinh của mình và sớm nhận biết những dấu hiệu tâm lý ở học sinh để đưa ra các biện pháp phòng ngừa.

Việc phòng chống bạo lực học đường phải được xem là công việc của toàn xã hội, là trách nhiệm của các cơ quan chức năng đặc biệt là gia đình và nhà trường. Do đó, TS.BS Ngô Anh Vinh khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần dành thời gian chia sẻ, quan tâm hơn tới các vấn đề xung quanh chuyện trường lớp của trẻ. Việc cung cấp các kĩ năng và kinh nghiệm sống cần thiết sẽ giúp ích rất nhiều cho trẻ tự bảo vệ bản thân khỏi các vấn đề nguy cơ trong trường học.

Liên quan đến vấn đề sang chấn tâm lý do bạo lực học đường, TS.BS Nguyễn Thị Tuyết Minh, Trung tâm nghệ thuật Atelier Minh chia sẻ, những vụ bạo lực học đường về tâm lý xảy ra khiến trẻ chịu nhiều khổ sở, sống trong tâm trạng lo âu, sợ hãi, trầm cảm, nhiều tổn thương, thậm chí không ít em đã dại dột tự tử. Hiện nay có rất nhiều học sinh có những vấn đề thầm kín, bức xúc hay có vấn đề tâm lý cần bày tỏ và cần một không gian riêng tư trong nhà trường để nói ra, giải quyết những vấn đề này.

Tuy nhiên, TS.BS Nguyễn Thị Tuyết Minh cho rằng, các phòng tư vấn tâm lý học đường của nhiều cơ sở giáo dục hiện nay hoạt động chưa thực sự hiệu quả và còn mang tính hình thức. Tương tự, các hoạt động khích lệ trẻ phản ánh hành vi bạo lực, xâm hại trong trường học được tổ chức chưa thường xuyên, chưa hiệu quả.

“Nếu chúng ta thực hiện tốt, bài bản công tác tư vấn tâm lý học đường chắc có lẽ những sự việc tương tự sẽ được giải quyết sớm hơn và tránh được những hậu quả đáng tiếc.”, TS.BS Nguyễn Thị Tuyết Minh nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.