Trẻ thiếu kỹ năng ứng phó với bạo lực học đường
Bạo lực học đường, câu chuyện không mới nhưng lại luôn là vấn đề gây nhức nhối với xã hội bởi nó liên quan trực tiếp đến giới trẻ. Các vụ bạo lực học đường được đưa trên phương tiện thông tin đại chúng cho thấy mức độ ngày càng nghiêm trọng khi không chỉ học sinh đánh nhau mà cả nhóm đánh một học sinh, thậm chí là phụ huynh đánh học sinh ngay trong trường học. Vấn nạn này đã để lại những hậu quả đau lòng về mặt tâm lý xã hội và gây ảnh hưởng nặng nề với cả thể chất lẫn tinh thần của trẻ.
Gần đây nhất là sự việc một phụ huynh xông vào tận lớp hành hung một học sinh lớp 6 ở tỉnh Điện Biên gây phẫn nộ với bộ phận đông đảo phụ huynh và dư luận khắp nơi. Một nữ sinh lớp 10 ở Bến Tre bị một nhóm bạn cùng khoá đánh hội đồng một cách tàn nhẫn bằng tay, chân, ghế nhựa rồi xé rách áo dài ngay trong lớp học. Vụ việc được các học sinh khác quay lại rồi tung lên mạng khiến dư luận giận dữ.
Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, chỉ trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 2.000 vụ học sinh đánh nhau cả trong và ngoài lớp học. Trung bình mỗi ngày, ở Việt Nam vẫn còn khoảng 5 vụ học sinh đánh nhau, chủ yếu ở lứa tuổi học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. Các nghiên cứu dịch tễ cho biết, tỷ kệ bạo lực học đường có xu hướng trẻ hoá từ 10 đến 15 tuổi so với 10 năm trước, số vụ bạo lực học đường đã tăng 10 lần. Các vụ bạo lực trên thực tế hiện nay đang trở nên phức tạp hơn dưới ảnh hưởng của phim ảnh trên mạng, game bạo lực và nhiều hình thức bắt nạt trên mạng xã hội.
Những vụ việc bạo lực học đường xảy ra ngày càng gia tăng cho thấy kỹ năng ứng phó với bạo lực học đường của một bộ phận học sinh hiện nay vẫn còn hạn chế. Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý về những vụ bạo lực học đường, hầu hết trẻ gây ra bạo lực học đường hay trẻ là nạn nhân của bạo lực học đường đều do trẻ thiếu kỹ năng sống để ứng phó trước những hoàn cảnh bạo lực cụ thể. Đó chính là các kỹ năng sống, cách ứng xử, hành vi, lời nói để thoát ra khỏi những bế tắc trong các tình huống nảy sinh bạo lực như bắt nạt, cô lập, hành hung...
Hiểu để phòng tránh và hình thành kỹ năng
Để giải quyết các vấn đề bạo lực học đường, các chuyên gia giáo dục cho rằng, cần sự chung tay, chung sức của các bậc cha mẹ, giáo viên chủ nhiệm và các lực lượng giáo dục trong nhà trường cũng như các lực lượng chức năng trong xã hội. Đặc biệt, cha mẹ cần nắm rõ tâm sinh lý lứa tuổi của con mình, cần quan tâm tới các con một cách toàn diện cả về vật chất lẫn tinh thần. Cha mẹ cần trang bị cho con những kỹ năng cần thiết để tránh xa bạo lực học đường và tự bảo vệ mình.
Theo cô Hà Thị Thu Trang, giáo viên Trường Tiểu học Bần Yên Nhân 2 (Hưng Yên) bạo lực học đường có những dấu hiệu tiềm ẩn biểu hiện qua các ứng xử hàng ngày giữa học sinh với nhau. Các dấu hiệu như nhìn thiếu thân thiện, trêu đùa quá khích, tẩy chay, nói xấu nhau đều là nguyên nhân trực tiếp gây ra bạo lực học đường. Vì vậy, cha mẹ nên dạy con những kỹ năng nhận biết các dấu hiệu có nguy cơ bạo lực học đường, trẻ sẽ biết cách né tránh khỏi khả năng bị bắt nạt. Trong các vụ bạo lực học đường, trẻ đều phải gánh chịu tổn thương về sự phát triển tâm sinh lý, nhân cách. Nên cha mẹ hãy dạy con kỹ năng nhận biết, đánh giá các hành vi, phân định được đâu là hành vi đúng – sai, tốt – xấu. Nhờ đó, trẻ sẽ biết được gây ra bạo lực học đường là hành vi xấu và sẽ lựa chọn cách ứng xử phù hợp.
Cô Trang cho biết, Trường Tiểu học Bần Yên Nhân 2 thường tổ chức các buổi giao lưu toạ đàm có sự tham gia của phụ huynh, đưa ra các tình huốn giả định, để trẻ tự nghĩ cách xử lý tình huống. Trẻ được diễn tập bằng lời nói, hành động, đóng vai theo chủ đề các cảnh bạo lực học đường, hướng dẫn thực hành, trình diễn để nhận thức hơn về các tình huống đó.
Về vấn đề này, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Bình, Trung tâm giáo dục trẻ Hà Đông cho rằng, trẻ ở lứa tuổi học sinh chưa ổn định về mặt cảm xúc, dễ bị xáo trộn, kích động dẫn đến những hành vi tiêu cực. Vì vậy, cha mẹ cần dạy trẻ kỹ năng cân bằng tâm lý, kỹ năng kiểm soát cảm xúc để làm chủ và ứng phó với hệ luỵ do bạo lực học đường. Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Bình, học sinh thường rất coi trọng tình bạn, chỉ cần một chút bất hoà cũng làm cho trẻ mất ăn mất ngủ, thậm chí rơi vào trạng thái căng thẳng. Vì thế, cha mẹ cần dạy con cách cân bằng tâm lý bằng cách tránh trạng thái nổi loạn, ẩu đả gây bạo lực học đường, là một trong những nguyên nhân dẫn tới trầm cảm và nguy cơ dẫn đến các vụ tự tử.
“Cha mẹ hãy luôn quan tâm, gần gũi để trẻ có thể yên tâm và tin cậy chia sẻ mọi vấn đề chúng gặp phải ở trường. Hãy cho con biết, cha mẹ luôn ở bên và hỗ trợ con trong bất kỳ tình huống khó khăn nào. Sự can thiệp khéo léo và đúng lúc của phụ huynh sẽ giúp ngăn chặn nguy cơ khiến mâu thuẫn giữa bọn trẻ biến thành bạo lực.”, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh.