Chuyên gia chỉ cách vượt qua cảm xúc tiêu cực sau kỳ thi

GD&TĐ - Theo PGS.TS Trần Thành Nam, việc có những cảm xúc tiêu cực sau khi thất bại trong cuộc thi dù đã cố gắng rất nhiều là điều bình thường.

Thí sinh cần cân bằng 4 trụ cột. Ảnh minh hoạ.
Thí sinh cần cân bằng 4 trụ cột. Ảnh minh hoạ.

Sau kỳ thi THPT, có lẽ, không ít thí sinh cảm thấy thất vọng khi mình không thể hiện tốt như mong đợi. Thậm chí, một số học sinh nghĩ quẩn và tự tử bởi áp lực điểm số. Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, những cảm xúc tiêu cực sau khi thất bại trong cuộc thi hoặc thi trượt dù đã cố gắng rất nhiều là điều bình thường.

Chuyên gia này cho biết, một số người trẻ quyết định bỏ chạy khỏi tình huống bản thân không thể đương đầu. Song, đó là biện pháp không bền vững. Bởi, đó chỉ là cảm xúc nhất thời.

“Tuyệt vọng cũng là trạng thái thường gặp ở học sinh. Đặc biệt là những bạn có kỳ vọng cao, dồn quá nhiều tâm sức nhưng không đạt được mục đích. Bạn sụp đổ, mất ý nghĩa cuộc sống. Tuy nhiên, có nhiều con đường dẫn đến thành công trong cuộc sống. Trước hết, Người thành công phải là người sống sót”, PGS Nam nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Thành Nam.

PGS.TS Trần Thành Nam.

Chuyên gia chia sẻ, nhiều bạn trẻ tự gây hại như một cách trả thù bản thân. Họ quy hết thất bại lên bản thân và cảm thấy xấu hổ về chính mình. Tuy nhiên, thực tế, việc không đạt được mục tiêu có thể do nhiều yếu tố khách quan nằm ngoài tầm kiểm soát mang lại.

Theo PGS Nam, ai cũng từng trải qua giai đoạn khủng hoảng vị thành niên. Thậm chí, nếu từng thoáng qua ý định tự sát ở tuổi này, điều đó cũng không bất thường. Song, đây cũng là giai đoạn cần thích ứng, tư duy, hiểu về khái niệm sự sống - cái chết.

Trong khi đó, ý tưởng gây hại trở nên bất thường khi người trẻ nhận thấy, đó là cách duy nhất thoát khỏi khó khăn.

“Đó chỉ là suy nghĩ, cảm xúc ở ngay thời điểm ấy, có thể chỉ kéo dài vài giờ. Sau đó, bạn có thể cảm thấy rất khác, vượt qua điểm trũng của cảm xúc. Hãy trì hoãn mọi quyết định gây hại với bản thân. Thay vào đó, dành thời gian nghĩ về việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ đâu, nhận sự giúp đỡ từ người đó thế nào. Loại bỏ mọi thứ xung quanh có thể gây hại. Để tất cả dụng cụ gây hại vào trong hòm kín rồi khoá lại, đưa cho người thân. Tránh ở một mình, để khi suy nghĩ tiêu cực giảm”, PGS.TS Trần Thành Nam gợi ý.

Chuyên gia này nhấn mạnh, để đối mặt với khó khăn, chông chênh, không phải cá thể mạnh nhất, thông minh nhất sẽ tồn tại. Thực tế, những người thích ứng tốt nhất với sự thay đổi mới có thể tồn tại và thành công.

Do đó, để có năng lượng phục hồi tốt, cần cân bằng 4 trụ cột. Trước hết là sức khoẻ thể chất. Cần có lối sống tốt, phát triển mối quan hệ xã hội tốt, gắn bó tin tưởng nhau, tìm bạn tri kỷ, phát triển đời sống cảm xúc tốt. Bên cạnh đó, học quản lý cảm xúc, phát triển lòng tự trọng, trì hoãn ham muốn có hại cho sức khoẻ, phát huy khiếu hài hước, tinh thần lạc quan, xây dựng năng lượng tư duy logic, giải quyết vấn đề.

Đồng thời, xác định lại mục đích ý nghĩa của cuộc sống, suy nghĩ xem 5 năm tới muốn trở thành người thế nào. Xác định điểm mạnh của bản thân cũng như cách sử dụng nó. Lên kế hoạch tập thể dục đều đặn, tăng cường chất lượng giấc ngủ. Cuối cùng là có kỹ năng kiểm soát suy nghĩ tiêu cực, lạc quan, thực tế hơn. Trong đó, nên có chiến lược thư giãn phù hợp. Nếu có thể, hãy tiếp xúc với tấm gương vượt khó, con người truyền cảm hứng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.