Kỳ thi quốc gia duy nhất ở cuối bậc phổ thông là chủ trương đúng
Đó là khẳng định của GS.TSKH Lâm Quang Thiệp - Nguyên Vụ trưởng Vụ Đại học (Bộ GD&ĐT) tại hội thảo. Theo GS Thiệp, tổ chức một kỳ thi quốc gia hợp nhất không phải là ý tưởng mới, nó đã được đề xuất ở Đề án Giáo dục Việt Nam VIE-89/022 do UNESCO tài trợ từ thập niên 1990, cũng nằm trong lộ trình phát triển kỳ thi đại học/cao đẳng “3 chung” từ năm 2002, nhưng bị trì hoãn mãi cho đến nay.
“Tôi hơi ngạc nhiên khi có một số người cho rằng chủ trương này là “quá đột ngột”. Và tôi rất tâm đắc với chỉ đạo của Thủ tướng về việc cần tổ chức một kỳ thi quốc gia chung từ năm 2015, không nên chần chừ nữa” - GS Thiệp nói.
Theo ông, một lý do thường được nêu ra để phản đối việc hợp nhất 2 kỳ thi là mỗi kỳ thi có một mục tiêu khác nhau (để đánh giá việc đạt chuẩn tốt nghiệp phổ thông và để tuyển chọn vào đại học) nên không thể hợp nhất. Tuy nhiên, đó là một lập luận hình thức.
Thực ra 2 kỳ thi có cùng bản chất: Đó là các đánh giá theo thành quả học tập (achievement test) nên có thể hợp nhất. Miễn là thiết kế kỳ thi sao cho có phổ điểm trải rộng để có thể chọn mức điểm theo từng mục tiêu.
Ở Mỹ từ Đại học Harvard đến một trường đại học địa phương bình thường đều sử dụng kết quả các kỳ thi SAT và ACT để sơ tuyển vào trường, nhưng họ lấy ở các mức điểm rất khác nhau.
Qua thảo luận, đa số ý kiến nhất trí là ở cuối bậc phổ thông chỉ cần duy nhất một kỳ thi quốc gia, tuy nhiên có sự khác nhau về quan niệm kỳ thi duy nhất đó nên là kỳ thi tốt nghiệp phổ thông hay tuyển sinh đại học, nói cách khác nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, giữ kỳ thi tuyển sinh đại học hay ngược lại.
GS Lâm Quang Thiệp cho rằng, không nên xem đó là kỳ tốt nghiệp phổ thông, cũng không nên xem đó là kỳ thi tuyển sinh đại học, mà nên xem là kỳ thi quốc gia duy nhất hỗ trợ cho cả hai mục tiêu: Đánh giá học sinh tốt nghiệp phổ thông và sử dụng kết quả để tuyển sinh đại học.
Kỳ thi duy nhất đang bàn có thể gọi chính xác hơn là kỳ thi “đánh giá năng lực sau trung học phổ thông”.
Đó là vì nó khác với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trước đây ở chỗ: Đối tượng dự thi không nhất thiết là học sinh đã học hết bậc phổ thông, chỉ cần họ ở cuối bậc phổ thông, và có thể bao gồm những thí sinh tự do không học trung học phổ thông nhưng muốn được xác nhận trình độ và dự tuyển vào các trường đại học và chuyên nghiệp;
Từ đó không khống chế thời gian thi chỉ ở cuối niên khóa trung học phổ thông, và có thể tiến tới tổ chức thi nhiều lần trong năm.
Thí sinh đạt kết quả thấp ở một kỳ thi có thể đăng ký xin thi lại ở một kỳ thi sau đề nâng điểm, đó là cách để thí sinh tự nâng cao năng lực và được xác nhận lại, do đó kết quả không bị cố định như ở một kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông như trước đây.
Với quan niệm như vậy, Bộ có thể thiết kế sao cho có thể xem kết quả của kỳ thi này là bổ sung để đạt mức “chuẩn tốt nghiệp phổ thông quốc gia”, ngoài việc xét hoặc thi công nhận tốt nghiệp phổ thông của nhà trường hoặc của địa phương. Có thể chọn một cái tên gì đó cho chứng chỉ tốt nghiệp phổ thông quốc gia.
Kỳ thi đang bàn cũng khác với kỳ thi tuyển sinh đại học thông thường ở chỗ: Nó bao gồm cả mục tiêu xác nhận trình độ tốt nghiệp phổ thông quốc gia; không được thiết kế cho một ngành đào tạo cụ thể nào của trường đại học; tiến tới tổ chức thi nhiều lần trong năm.
“Chúng tôi cho rằng quan niệm về kỳ thi quốc gia hợp nhất như vậy vừa không tạo sức ép nặng nề đối với các địa phương trong việc muốn nâng tỷ lệ đạt tốt nghiệp phổ thông của địa phương mình, vừa tạo cơ hội cho các trường đại học tuyển được sinh viên đủ trình độ mà không phải quá hạ thấp đầu vào, vì thí sinh sẽ tự phấn đấu thi lại để nâng cao mức điểm của mình để được vào đại học” – GS Thiệp nhận định.
Băn khoăn phương án 1 và 2
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Tùng Lâm (Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội) cho rằng: Hiện nay nếu căn cứ vào các con số thống kê để lựa chọn 3 phương án môn thi của Bộ GD&ĐT, chắc chắn số giáo viên, cán bộ quản lý, học sinh chỉ chọn phương án 1 của Bộ là gần như tuyệt đối (theo thăm dò của Sở GD&ĐT Hà Nội) nhưng đây vẫn là cách làm cũ, còn cồng kềnh, tốn kém không cần thiết.
Trong khi các giáo viên, cán bộ quản lý, học sinh nghiêng vềphương án 1, thì Hiệu trường các trường đại học, cao đẳng lại lựa chọn nhiều phương án 2
Trong khi đó Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng lại chọn phương án 2 là chính. Đây lại là phương án thật sự đổi mới nhưng các trường phổ thông rất ngại vì chưa quen.
Vậy lựa chọn môn thi, không nên căn cứ vào số đông để lựa chọn mà phải có căn cứ yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện của Nghị quyết 29 làm chuẩn. Đảm bảo kỳ thi quốc gia lần này sẽ hỗ trợ cho việc nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và cả đại học, lại phải giảm áp lực, đỡ tốn kém cho người dân.
Sự lựa chọn phương án cũng chưa thống nhất giữa các đại biểu tham gia hội thảo. TS Nguyễn Đức Trọng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình và GS Nguyễn Thị Mỹ Lộc – Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQGHN) thiên về phương án 1.
Theo GS Mỹ Lộc, phương án thi này đảm bảo được tính kế thừa, phát huy những ưu điểm của việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, là bước dịch chuyển nhẹ nhàng, giúp cả giáo viên, học sinh và những người làm công tác quản lý giáo dục có thể sẵn sàng thích nghi và thực hiện tốt.
Cải tiến việc tổ chức thi gọn, nhẹ nhàng, đi vào thực chất, trao quyền và trách nhiệm xã hội cho cơ sở, chấp nhận sự phân hóa địa giáo dục.
Nhưng, GS Lâm Quang Thiệp lại nhận định đây là phương án “bảo thủ”, không khoa học, vì vẫn dựa quá nhiều vào tính ngẫu nhiên ngay từ việc lựa chọn môn thi, không bao quát được chương trình học, rất khó cho các trường đại học dựa vào kết quả để xét tuyển. Đó là phương án dẫm chân tại chỗ, tiếp tục quá trình trì trệ không thay đổi.
GS Thiệp cho rằng phương án 2 là phương án khoa học và tiến bộ, nên lựa chọn và tích cực chuẩn bị để thực hiện phương án này, vì nó cho phép đánh giá bao quát chương trình phổ thông và giúp các trường đại học dễ dàng dựa vào kết quả để xét tuyển.
Tuy nhiên, nên có chút điều chỉnh với phương án 2. Đó là: Mọi thí sinh bắt buộc phải thi Toán và Ngữ văn, còn 3 môn sau cho phép họ chọn 2 hoặc thi cả 3 môn (đối với các thí sinh có năng lực toàn diện và muốn có nhiều phương án chọn vào đại học).
Các đại biểu tham dự hội thảo |
Cách nào để kỳ thi quốc gia để đảm bảo độ tin cậy và trung thực?
Đây là mối quan tâm cũng như băn khoăn của tất cả các chuyên gia tham dự hội thảo.
Trả lời câu hỏi này, TS Nguyễn Tùng Lâm bàn đến môn thi và cho rằng, không nên tham lam thi nhiều môn, để đánh giá năng lực học sinh chỉ cần tập trung thi 2 môn cơ bản: Văn, Toán và thêm môn Ngoại ngữ để đánh giá năng lực hội nhập của học sinh là đủ.
Với môn Ngoại ngữ, hiện nay có một số địa phương chưa có điều kiện, Bộ phải có phương án thay thế còn không nên bỏ môn Ngoại ngữ.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, thi ít môn thầy trò tập trung ôn tập, có đủ năng lực tự tin, giảm tiêu cực trong thi cử nhưng lại có dư luận sợ học sinh học lệch, không đủ yêu cầu giáo dục toàn diện, thiếu kiến thức phổ thông nền tảng.
“Chúng tôi kiến nghị Bộ GD&ĐT, nên tổ chức bắt buộc các lớp 12 kiểm tra thi cuối kỳ 1 và cuối năm bằng đề thi của Bộ cho cả 8 môn chính. Học sinh buộc phải học toàn diện để có điểm tổng kết cuối năm mới được thi quốc gia, thầy trò căn cứ các đề thi của Bộ mà điều chỉnh cách dạy, cách học cho phù hợp yêu cầu đổi mới, phù hợp yêu cầu chuẩn quốc gia mà Bộ mong muốn đạt tới” – TS Nguyễn Tùng Lâm nói.
Về coi thi và chấm thi, TS Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ tán thành theo như cách đề xuất của Bộ, phải có lực lượng cán bộ, giáo viên của các trường đại học, cao đẳng tham gia các hội đồng coi, chấm thi, không khoán trắng cho địa phương.
Nhưng để đảm bảo độ tin cậy, trung thực, khách quan, kiến nghị phải lắp camera cho các phòng thi, giám sát 100% thời gian thi.
Cách làm quyết liệt này sẽ đảm bảo kỳ thi quốc gia trung thực, khách quan nhưng phải chấp nhận mọi kết quả. Bộ phải bỏ việc đánh giá, xếp loại các trường, các tỉnh, thành. Với kết quả nào chúng ta cũng hoan nghênh cốt trung thực, khách quan, chỉ rút kinh nghiệm để năm sau làm tốt hơn.
Về công nhận tốt nghiệp, theo TS Lâm, có lẽ những năm đầu thực hiện đổi mới, chắc chắn độ đồng đều giáo dục cả nước chúng ta chưa vươn tới được.
Do đó, để không tạo ra bất thường chúng ta phải quan tâm nhiều đến cách ra đề thi thế nào để đảm bảo tỷ lệ học sinh đạt trung bình và tỷ lệ phân hóa chọn được học sinh khá, giỏi cho các trường đại học, cao đẳng.
Những học sinh không tốt nghiệp vẫn có giấy chứng nhận học hết THPT để đi học nghề. Còn học sinh nào muốn học đại học, cao đẳng phải để sang năm thi lại cùng với học sinh khóa sau, hoặc có thể đến tháng 9 tổ chức tiếp kỳ thi quốc gia như kỳ thi đầu tháng 6 để những học sinh nào không đạt thi lại và cả những học sinh đạt điểm thấp thi lại để các trường đại học, cao đẳng có điều kiện xét tuyển thêm.
Kếp hợp tinh túy của kỳ thi tốt nghiệp THPT và “3 chung”
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) - tại hội thảo cho rằng, thời cơ tổ chức kỳ thi chung quốc gia đã chin muồi, trên cả cơ sở lý luận và thực tiễn.
Theo đó, về cơ sở lý luận, Nghị quyết 29 đã nói rất rõ: Đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội nhưng vẫn đảm bảo độ tin cậy, làm cơ sở cho các cơ sở giáo dục đại học làm căn cứ để tuyển sinh… Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng được quy định rõ trong Luật Giáo dục…
Về cơ sở thực tiễn, thập niên gần đây, việc đổi mới phương pháp dạy học và phương thức kiểm tra đánh giá trong tốt nghiệp phổ thông, đặc biệt là bậc cuối phổ thông chúng ta làm rất mạnh.
Điều đó thể hiện đặc biệt rõ nét trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Phân tích phổ điểm các môn thi THPT năm nay, chỉ còn 1 môn chưa thực sự tốt, còn những môn khác rất tốt.
Ông Trinh cho biết thêm: Chúng ta nói có 98% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT, nhưng số thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp tính ra cũng lên đến trên 17,5 nghìn. Bên cạnh đó, tỷ lệ thí sinh đạt điểm từ trung bình trở lên là không quá 80% với mỗi môn; có tỉnh chỉ khoảng 46% học sinh đạt điểm 5 trở lên…
Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ vừa rồi chúng ta cũng rất thành công, cũng là kỳ thi có phổ điểm tốt nhất từ trước tới nay.
Cũng học sinh, thầy giáo ấy, chúng ta làm tốt ở kỳ thi 3 chung thì cũng hoàn toàn có thể thể làm tốt ở các kỳ thi khác, với sự cùng chung sức, chung lòng của toàn xã hội. Chúng ta phải chắt lọc những cái tinh túy nhất từ kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi 3 chung để tổ chức kỳ thi chung quốc gia.
Nói về sứ mệnh của kỳ thi chung, Cục trưởng Mai Văn Trinh cho biết: Nếu chỉ đáp ứng việc xét tốt nghiệp THPT, còn các trường cao đẳng, đại học chưa tin cậy kết quả, đồng loạt tổ chức kỳ thi riêng thì kỳ thi này chưa hoàn thành được sứ mệnh của mình. Như vậy, chúng ta đã vô tình làm tăng áp lực cho học sinh và tốn kém.
Bởi vậy, sứ mệnh của kỳ thi này rất nặng, cần phải suy nghĩ thấu đáo từ việc ra đề thi như thế nào, ai là chủ trì tổ chức?…
Trả lời câu hỏi kỳ thi này sẽ được tổ chức như thế nào? Ông Trinh cho hay: Hình thức tổ chức thi, chúng ta sẽ đem những gì đã làm tốt ở kỳ thi 3 chung và tốt nghiệp vào kỳ thi này, bằng cách tổ chức các cụm thi mà ở đó các trường đại học, cao đẳng sẽ đóng vai trò chủ trì cùng với các Sở GD&ĐT, tham gia vào đó là giảng viên các trường ĐH và giáo viên các trường phổ thông. Việc chấm thi cũng tương tự như vậy.
Đề thi thiết kế để đảm bảo có vùng kiến thức cơ bản để xét tốt nghiệp và phần nâng cao để đảm bảo phân hóa trình độ học sinh. Điều này, sẽ cân nhắc bằng ma trận đề khoa học, nghiên cứu mở rộng thang điểm.
Kết quả thi được sử dụng để xét tốt nghiệp và là căn cứ để các trường đại học, cao đẳng xét tuyển sinh. Việc các trường đại học, cao đẳng được tự chủ tuyển sinh được quy định trong Luật Giáo dục đại học và tiếp tục khẳng định trong Nghị quyết 29. Nên bên cạnh việc các trường sử dụng kết quả kỳ thi chung ấy, thì căn cứ vào đặc thù của từng trường có thể có các hình thức kiểm tra năng lực khác…
“Nhưng điều chúng ta mong muốn là ngày càng nhiều trường yên tâm lấy kết quả kỳ thi chung” - Ông Mai Văn Trinh bày tỏ.
Nói về kỳ thi này, ông Trinh cũng lưu ý thêm điểm mới, đó là, lâu nay chúng ta đăng ký vào trường đại học, cao đẳng trước rồi thi sau. Bởi vậy, 1 thí sinh có thể đăng ký đến 5, 6 hồ sơ, dẫn đến ảo nhiều, gây khó khăn về nhiều mặt, tổ chức thi tốn kém...
Giờ, quy trình sẽ ngược lại. Sau khi điểm của kỳ thi chung công bố rộng rãi, các thí sinh mới bắt đầu làm hồ sơ vào các trường.
“Điểm mới này có thể gây khó khăn cho các trường một chút vì chưa quen với quy trình ngược lại nhưng đó là xu hướng quốc tế vẫn làm” - Ông Trinh cho hay.