Phương án “2 trong 1” và tính khả thi

Thời gian gần đây dư luận đang dành sự quan tâm đặc biệt ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố 3 phương án cho một kỳ thi THPT Quốc gia trên cả nước.

Phương án “2 trong 1” và tính khả thi

Đây là một khâu đột phá trong lộ trình thực hiện Nghị quyết TW về đổi mới căn bản toàn diện về GD&ĐT, bước đầu nhằm thay đổi phương pháp dạy, học và đánh giá ở bậc THPT. Với tư cách là một nhà giáo đang đứng trên bục giảng và cũng là một phụ huynh tôi xin chia sẻ những suy nghĩ của mình.

Trước hết phải khẳng định rằng chủ trương đổi mới thi cử là một quyết định đúng đắn và là một tín hiệu tích cực của ngành giáo dục.

Nhưng thi theo phương án nào để đạt được mục đích giảm căng thẳng áp lực thi cử, tránh tốn kém và có dữ liệu tốt để vừa xét được tốt nghiệp, vừa làm căn cứ để các trường ĐH và CĐ xét tuyển cũng là kỳ vọng chung của toàn xã hội.

Theo các chuyên gia và các nhà quản lý giáo dục thì mỗi phương án đều có những điểm ưu việt nhưng chưa phải là tối ưu với điều kiện dạy và học như hiện nay.

Do đó chọn phương án nào mà giảm đến mức thấp nhất mặt hạn chế, phù hợp với tình hình, tránh xáo trộn về mặt tâm lý đối với thí sinh và những người trực tiếp tổ chức điều hành kỳ thi là một vấn đề không phải đơn giản và đáng bàn.

Thực vậy đổi mới kỳ thi quốc gia là một vấn đề hết sức quan trọng, nó sẽ ảnh hưởng tới từng gia đình, từng phụ huynh và học sinh. 

Xét về mặt khách quan, chủ trương đổi mới này hoàn toàn đúng đắn, nhận được nhiều sự ủng hộ, đồng thuận và quan tâm của toàn xã hội và thể hiện quyết tâm tiến bộ, nỗ lực tự làm mới mình của ngành Giáo dục, nhưng lựa chọn phương án nào để áp dụng chính thức cho các kỳ thi sắp tới đạt hiệu quả tốt là một điều không phải dễ.

Theo dư luận chung trước mắt phương án 1 là hoàn toàn phù hợp với điều kiện dạy và học hiện nay của các nhà trường phổ thông trên cả nước.

Hầu hết dư luận chung và các thầy cô giáo đều hưởng ứng chủ trương mới của ngành là cần phải đổi mới cách thi cử để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, học sinh phải học đều các môn chứ không chỉ quan tâm tới một số môn theo khối tránh được tình trạng học lệch, học tủ vẫn diễn ra trong nhiều năm nay.

Ưu điểm của phương án này sẽ thuận lợi cho việc ra đề thi, đảm bảo đánh giá được mức độ học vấn phổ thông và phân hoá trình độ thí sinh, phân luồng tốt đối với thí sinh sau khi học THPT.

Nói như vậy không có nghĩa phương án 2 và 3 không hay. Cả 3 phương án đều có những mặt ưu, khuyết nhưng hai phương án sau muốn đạt được hiệu quả thì cần phải có thời gian và lộ trình cụ thể.

Muốn vậy cần có những cải tiến cả cách dạy lẫn cách học, tránh những thay đổi đột ngột khiến học sinh, cha mẹ học sinh và những người đứng lớp chưa thể thích nghi và cũng là để giảm tối đa những cú sốc về tâm lý, áp lực thi cử và tránh thiệt thòi cho các em học sinh.

Chủ trương theo phương án 1 đưa 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ bắt buộc là hoàn toàn đúng đắn, đặc biệt là môn ngoại ngữ, chỉ nên ưu tiên đối với những vùng không có điều kiện học ngoại ngữ thay bằng một môn thi tự chọn là phù hợp.

Trong thời kỳ hội nhập với xu thế toàn cầu hoá như hiện nay thì không thể xem nhẹ môn ngoại ngữ và cho là môn phụ, có như vậy thì mới có khả năng thực hiện được đề án giáo dục của Chính phủ đề ra tới năm 2020.

Vậy làm thế nào để đảm bảo một kỳ thi Quốc gia mà làm tốt cả hai chức năng, đó là một bài toán khó, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn ngành trong việc chuẩn bị ở tất cả các khâu: Ra đề, coi thi, chấm thi, tập huấn kỹ năng làm thi cho giáo viên, chuẩn bị tâm lý cho học sinh thì mới có thể tổ chức tốt kỳ thi.

Có thể nói quyết sách của Bộ GD&ĐT lần này là một sự kiện quan trọng thể hiện quyết tâm cao đầy tinh thần trách nhiệm trong nỗ lực làm thay đổi diện mạo nền giáo dục nước nhà.

Dù cho có thi theo phương án nào đi nữa thì mục tiêu cuối cùng phải đạt được đó là một kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng, thuận tiện, ít tốn kém và lựa chọn được nguồn nhân lực tốt nhất, đáp ứng được kỳ vọng chung của toàn xã hội để xây dựng đất nước Việt Nam đổi mới, hội nhập và ngày càng phát triển.

Theo vinhphuc.edu.vn/

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ