Chương trình môn học có tính kế thừa giữa các cấp học

GD&TĐ - Chương trình môn học trong dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong Chương trình giáo dục phổ thông mới đã thay đổi mạnh mẽ so với chương trình học hiện hành theo hướng tăng tính tự chọn của học sinh, hướng đến phát triển năng lực của người học nhiều hơn. 

Chương trình môn học có tính kế thừa giữa các cấp học

Các môn học không thiết kế theo hướng đồng tâm như chương trình hiện hành nên kiến thức không bị lặp lại nhưng vẫn có sự nối tiếp nhau giữa các cấp học.

Bố cục hợp lý

Thầy Lê Vinh - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) nhận xét: “Chương trình giáo dục phổ thông mới có bố cục chương trình, phân môn học, phân tiết, phân lớp dạy rất hợp lý.

Ví dụ như với môn Ngoại ngữ, ở lớp 1 - 2, khi học sinh chưa chuẩn về tiếng Việt thì không học môn này; lên đến lớp 3, khi người học đã có vốn ngôn ngữ, từ vựng tiếng Việt khá kỹ thì mới đưa vào chương trình học.

Hay như sự nối tiếp giữa 3 môn học: Tự nhiên và Xã hội rồi Lịch sử và Địa lý (lớp 4 - 5 và bậc THCS) và môn Lịch sử, môn Địa lý (ở THPT) có sự nối tiếp nhau rất hay”.

Các môn học không thiết kế theo hướng đồng tâm như chương trình hiện hành nên kiến thức không bị lặp lại, không rơi vào tình trạng ở bậc học càng cao thì lượng kiến thức phải thu nạp càng nhiều. Ngược lại, có những môn học tuy có sự cắt đoạn nhưng vẫn có tính chất kế thừa.

Tuy nhiên, theo thầy Lê Vinh thì một số môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới có tên gọi dài quá, “tên gọi của môn học dài thì nội hàm sẽ khó, khung chương trình sẽ rất khó, ví dụ như môn Tiếng Việt và Ngữ văn thì chúng ta có thể gọi ngắn gọn là Ngữ văn. Rồi môn Đạo đức/Giáo dục công dân/Giáo dục kinh tế và pháp luật thì ở tiểu học có thể gọi là Đạo đức nhưng ở THCS và THPT thì có thể gọi chung là Giáo dục công dân để có sự đồng nhất ở các bậc học”.

Việc kết hợp giảng dạy kiến thức với mục tiêu hình thành phẩm chất và năng lực của học sinh đều được chú trọng xây dựng ở các môn học và là một điểm mới của dự thảo chương trình giáo dục phổ thông so với chương trình hiện hành.

“Đánh giá năng lực của học sinh thì sẽ đơn giản hơn rất nhiều so với đánh giá phẩm chất vì dù sao cũng có sự định lượng. Nếu chỉ dựa vào định tính để đánh giá phẩm chất thì sẽ không công bằng. Chính vì vậy, khi xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên cần phải đưa nội dung đánh giá phẩm chất để tập huấn cho giáo viên để ít nhất cũng có sự đồng đều tương đối” - thầy Vinh phân tích.

Điều kiện cần và đủ để thành công

Về những băn khoăn điều kiện cơ sở vật chất liệu có đáp ứng được với việc đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông mới, thầy Lê Vinh cho rằng, song song với bộ phận xây dựng chương trình, viết sách giáo khoa thì cần phải đưa ra một khung càng sớm càng tốt để các địa phương đối chiếu, rà soát và đầu tư bổ sung.

Cần phải có định hướng, yêu cầu cơ sở vật chất như thế nào để đạt chuẩn, như trong phòng học cần trang bị những thiết bị gì… Đối với điều kiện cơ sở vật chất thì áp lực thời gian không quan trọng lắm nếu có nguồn kinh phí và sớm có thiết kế tổng hợp.

Nhiều cán bộ quản lý giáo dục đều có chung mối băn khoăn như thầy Lê Vinh về chuẩn bị đội ngũ, công tác bồi dưỡng và đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới. “Ban soạn thảo sách nên có một ban rộng hơn để soạn thảo chương trình bồi dưỡng giáo viên và giữa hai ban này cần có sự bàn bạc để thống nhất chương trình bồi dưỡng”.

Ngoài ra, theo thầy Vinh, khi triển khai bồi dưỡng thì nên cấp giấy chứng nhận vì “hiện nay, chương trình bồi dưỡng thường theo hướng mở, ứng dụng công nghệ thông tin để đào tạo trực tuyến. Đối với một bộ phận giáo viên “lừng khừng” thì ý thức và động cơ sẽ không có nên trong bồi dưỡng, đào tạo thì cần phải học tập trung trong một thời gian nhất định và phải thi cử để cấp giấy chứng nhận”.

Giữa chương trình cũ và chương trình mới cũng cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng. “Chương trình đào tạo sư phạm phải đổi mới để lứa sinh viên ra trường trong một - hai năm tới có thể giảng dạy ngay Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Với đào tạo, bồi dưỡng những giáo viên không có môn chuyên như trước đây GV chỉ có chuyên môn Địa lý chứ không được đào tạo môn Lịch sử hoặc giáo viên Khoa học tự nhiên thì cần phải xây dựng các mô đun và việc đào tạo, bồi dưỡng phải mang tính dài hạn chứ không thể chắp vá, tránh tình trạng “hiểu một dạy một” thì rất nguy hiểm”.

Riêng nội dung Hoạt động trải nghiệm/Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, theo thầy Lê Vinh, trong mục tiêu chương trình có nhiều nội dung để hình thành các năng lực và phẩm chất cho HS. “Tuy nhiên, như ở bậc THCS và đặc biệt là THPT, thì để thành công, cần phải có kinh phí, có văn bản hợp tác để các đơn vị tiếp nhận HS đến trải nghiệm một cách hiệu quả. Hiện tại, một năm chỉ có từ 1 - 2 trường đưa HS đến doanh nghiệp, nhà máy… thì người ta vui vẻ hợp tác, nhưng một khi triển khai chương trình mới thì tất cả các trường đều cùng có hoạt động này, nhà máy, xí nghiệp trở thành môi trường để dạy - học thì mọi việc sẽ khác”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.