Cân nhắc khi học trung cấp y

GD&TĐ - Bộ Y tế thông báo không cấp giấy phép hành nghề đối với y sĩ trình độ trung cấp sau ngày 31/12/2026.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhiều học viên tốt nghiệp trung cấp y đã lựa chọn học thêm chương trình kép để có bằng tốt nghiệp THPT, sau đó học lên bậc cao đẳng và đại học.

Thi THPT để có việc làm

Nhung, 30 tuổi, đang theo học chương trình kép ngành y sĩ tại một trường trung cấp ở TPHCM. Trước đó, do từng bỏ dở việc học nên cô chưa hoàn thành chương trình THPT.

Tháng 7/2023, Nhung tốt nghiệp loại giỏi ngành y sĩ, hệ trung cấp. Cô đang ôn thi để chuẩn bị bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, với mục tiêu đậu vào trường đại học có đào tạo ngành y tại TPHCM. Cô gái này quyết định chọn học tiếp theo hệ này vì thời gian học được rút ngắn, có thể hoàn thành được chương trình THPT và chương trình hệ trung cấp.

Theo ghi nhận, trừ trường hợp học viên không đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp, đa số học viên đang theo học trung cấp nhóm ngành sức khỏe sẽ tham gia thi THPT để học tiếp các bậc cao đẳng và đại học.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại các bệnh viện ở TPHCM, thông tin tuyển dụng đa số đều yêu cầu có bằng cao đẳng và đại học. Trong đó, Bệnh viện FV TPHCM đăng tin tuyển dụng vị trí điều dưỡng và nữ hộ sinh yêu cầu tối thiểu phải có bằng cao đẳng và ít nhất có 2 năm kinh nghiệm. Tương tự, Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn, Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức, Bệnh viện Gia An 115… cũng đang tuyển dụng ngành điều dưỡng từ hệ cao đẳng trở lên và phải có chứng chỉ hành nghề.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bất cập giữa đào tạo và tuyển dụng

Năm 2017, Bộ Y tế có Văn bản 3857/BYT-K2ĐT gửi Bộ LĐ-TB&XH, đề nghị người đăng ký dự tuyển trình độ trung cấp khối ngành sức khỏe phải có bằng tốt nghiệp THPT hoặc tương đương theo quy định.

Tuy nhiên, theo Thông tư 05/2021/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp chỉ yêu cầu đối tượng tuyển sinh là “học sinh đã tốt nghiệp THCS và tương đương trở lên”, không có yêu cầu riêng về nhóm ngành sức khỏe.

TS Đặng Văn Sáng, Trường Trung cấp Bách khoa TPHCM cho biết, theo quy định, học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên trung cấp có thể học thêm chương trình văn hóa THPT. Học sinh có thể lựa chọn một trong hai phương án học chương trình văn hóa và quyền lợi tương ứng.

Phương án 1, học chương trình văn hóa THPT 4 môn, học xong, học sinh chỉ được thi tốt nghiệp văn hóa để được cấp “Giấy chứng nhận tốt nghiệp chương trình văn hóa THPT trong chương trình đào tạo trung cấp”.

Phương án 2, học sinh có thể học chương trình văn hóa THPT hệ giáo dục thường xuyên 7 môn, học xong, học sinh được dự thi tốt nghiệp THPT, nếu đạt sẽ được cấp bằng tốt nghiệp THPT.

Hiện, Trường Trung cấp Bách khoa TPHCM đào tạo học đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên trung cấp chương trình văn hóa THPT giáo dục thường xuyên. Năm 2023, học sinh thi THPT đậu tốt nghiệp 100%. Học sinh tốt nghiệp được cấp 2 bằng.

“Học viên có bằng tốt nghiệp trung cấp và Giấy chứng nhận chương trình văn hóa THPT trong chương trình đào tạo trung cấp chỉ được học lên cao đẳng. Còn tốt nghiệp THPT hệ giáo dục thường xuyên thì được học lên cao đẳng và đại học”, ông Sáng thông tin.

Ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia nguồn nhân lực, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM cho rằng, hiện nay cán bộ y tế phân bố không đồng đều, gây mất cân đối lực lượng nhân viên y tế giữa các vùng miền. Ngoài ra, nhân lực ở các chuyên ngành cũng có sự chênh lệch.

Nhân lực có trình độ cao như bác sĩ, dược sĩ đại học, đặc biệt là đào tạo sau đại học chủ yếu tập trung ở thành thị và các trung tâm kinh tế lớn (bao gồm cả khu vực tư nhân và công lập). Bên cạnh đó, cán bộ y tế có trình độ cao đang có xu hướng tập trung về tuyến trên, về những nơi có điều kiện tốt hơn, bỏ lại tuyến dưới, những vùng khó khăn. Do đó, bài toán cân đối trở nên khó khăn.

Theo ông Tuấn, sinh viên ra trường không nhất thiết phải làm trong các bệnh viện lớn. Ở các cơ sở chăm sóc xã hội, cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cũng cần y sĩ bằng trung cấp.

“Nhu cầu việc làm trong ngành chăm sóc sức khoẻ rất nhiều. Thế hệ trẻ thật sự có đam mê học ngành y, nếu chưa đủ điều kiện vào các bệnh viện thì hãy cân nhắc tới những khu vực khó khăn hơn để ứng tuyển”, ông Tuấn nói.

Để giải quyết những bất cập giữa đào tạo và tuyển sinh đối với học viên đang theo học y sĩ hệ trung cấp, ông Tuấn đề ra các phương án:

Một là, thời gian 2 - 3 năm của hệ trung cấp khá đủ để các em có sự chuẩn bị, nghiên cứu lộ trình cho mình. Hai là, các trường đào tạo ngành chăm sóc sức khoẻ cần tăng cường chỉ tiêu liên thông, tạo điều kiện cho người học đã tốt nghiệp trung cấp có thể liên thông cao đẳng, đại học, nhằm đáp ứng nhu cầu mới. Phương án ba, các bệnh viện nên có chỉ tiêu công khai để học viên cân nhắc lựa chọn việc làm cho mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.