Chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực
Thưa ông, nhìn tổng thể dự thảo CT môn học Vật lý bậc THPT có những thay đổi, được giảm tải như thế nào so với môn học hiện hành? Chương trình có tính kế thừa hai môn học trước của môn Khoa học (tiểu học) và Khoa học tự nhiên (THCS) không?
Sự thay đổi ở đây chính là Chương trình đã chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực. Nghĩa là học sinh không chỉ biết kiến thức mà phải hình thành được kỹ năng, phát triển được năng lực. Chương trình không chỉ là kế thừa mà nó được thiết kế xuyên suốt từ tiểu học đến THPT, thông qua các môn học: Tự nhiên và Xã hội (lớp 1, lớp 2 và lớp 3); Khoa học (lớp 4 và lớp 5); Khoa học tự nhiên (THCS); Vật lý (THPT).
Về việc có giảm tải hay không trong CTGDPT mới, có thể đánh giá trên một số khía cạnh sau đây: Cách thiết kế CTGDPT tổng thể đã là một yếu tố góp phần làm giảm tải chương trình môn Vật lý. Trong chương trình mới, không phải tất cả học sinh đều học Vật lý mà chỉ có những học sinh có thiên hướng vật lý, kỹ thuật hoặc công nghệ mới lựa chọn.
Tiếp đó, việc giảm tải chương trình được thực hiện không phải giảm kiến thức một cách cơ học mà là do cách tiếp cận kiến thức. Nếu cách tiếp cận mà thể hiện được sự chú trọng vào bản chất, ý nghĩa vật lý của các đối tượng, đề cao tính thực tiễn, tránh khuynh hướng thiên về toán học thì không chỉ làm giảm tải chương trình mà còn hấp dẫn người học. Các yêu cầu cần đạt của từng đơn vị kiến thức được trình bày trong dự thảo là căn cứ để biên soạn sách giáo khoa cho học sinh. Các tác giả sách giáo khoa phải tìm con đường trình bày kiến thức sao cho không sử dụng nặng nề về toán.
Về thời lượng chương trình môn học “các nội dung giáo dục cốt lõi có thời lượng 70 tiết/năm học, những học sinh có định hướng nghề nghiệp cần vận dụng nhiều tri thức vật lý được học thêm 35 tiết chuyên đề/năm học”; theo tôi đánh giá thời lượng như vậy là chấp nhận được, mặc dù còn ít so với thời lượng chương trình môn học này ở các nước tiên tiến trên thế giới.
Các chủ đề sắp xếp từ trực quan đến trừu tượng
Quan điểm xây dựng chương trình môn học được đưa ra là: “...Giúp học sinh phát triển tư duy khoa học dưới góc độ vật lý, khơi gợi sự ham thích ở học sinh, tăng cường khả năng vận dụng tri thức vào thực tiễn..”, vậy thực tế trong dự thảo CT môn học, các chủ đề đã được thiết kế, sắp xếp đúng theo mục tiêu này chưa, thưa ông?
Chương trình đã sắp xếp các chủ đề theo quan điểm từ trực quan đến trừu tượng, từ đơn giản đến phức tạp, từ hệ được xem như một hạt đến nhiều hạt.
Cách sắp xếp như vậy cùng với cách tiếp cận không nặng về toán học, chú ý đến bản chất vật lý thì tự thân nó sẽ giúp học sinh phát triển tư duy khoa học dưới góc độ vật lý, khơi gợi sự ham thích ở học sinh.
Dự thảo môn học có một số sắp xếp ngược với chương trình hiện hành như đưa phần Sóng trước phần Dao động là một ví dụ cho quan điểm xây dựng chương trình. Sóng nước (là sóng cơ) rất gần gũi và tác động trực tiếp lên các giác quan của con người.
Học sinh tiếp cận hiện tượng sóng từ các trải nghiệm để hình thành các khái niệm. Ví dụ khái niệm Tốc độ truyền sóng được học sinh hiểu là tốc độ dịch chuyển của đỉnh sóng (Ngọn sóng, con sóng) chứ không phải cách tiếp cận là Tốc độ lan truyền trạng thái (pha) dao động như hiện hành (cần học phần Dao động trước Sóng).
Ở cấp THPT, các đặc điểm của Sóng cơ (có thể quan sát trực tiếp được) cũng được áp dụng mở rộng áp dụng cho Sóng điện từ không quan sát trực tiếp được. Chương trình đã sắp xếp chung các hiện tượng Sóng ở lớp 11 trong đó có cả Sóng điện từ (với nội dung thang sóng điện từ). Đây là điểm mới của chương trình.
Có thể nói rằng, chương trình đã chú ý đến những vấn đề mang tính ứng dụng cao và tiêu biểu như chụp X quang, chụp cắt lớp, hay kĩ thuật điện tử, thông tin và truyền thông, các hiện tượng thiên văn, vấn đề bảo vệ môi trường. Những vấn đề này đều là những vấn đề mà các tác giả sách giáo khoa và các giáo viên có điều kiện để làm cho các bài viết trong sách và bài giảng trên lớp thêm sinh động.
Theo ông, từ thực tế hiện nay các trường phổ thông có gặp khó khăn gì không khi đưa CT – SGK mới vào giảng dạy, có đủ phương tiện để học sinh thí nghiệm, thực hành hay không?
Các phòng thí nghiệm ở trường phổ thông được Nhà nước trang bị hiện tại vẫn được duy trì, bảo dưỡng, sử dụng trong dạy học, hàng năm vẫn phải bổ sung các vật tư tiêu hao. Nếu thiết bị sẵn có còn hoạt động tốt thì đáp ứng được yêu cầu về dạy học Vật lý trong chương trình môn học mới.
Tuy nhiên qua khảo sát một số tỉnh phía Bắc, các trang thiết bị dạy học môn Vật lý, Hoá học, Sinh học còn sử dụng được không nhiều. Trong thời gian tới Bộ cần nghiên cứu xây dựng danh mục thiết bị tối thiểu để trang bị cho các trường phổ thông theo yêu cầu của chương trình. Ngoài nguồn thiết bị thí nghiệm được Bộ trang bị, các trường phổ thông cần có liên hệ chặt chẽ với các trường đại học, đặc biệt là các trường ĐH Sư phạm để có thể được sử dụng hệ thống trang thiết bị thí nghiệm đáp ứng các yêu cầu của giáo dục theo định hướng phát triển năng lực của học sinh.
Dạy học tiếp cận năng lực đối với các môn học thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên như Lý, Hoá, Sinh, giáo viên và học sinh hoàn toàn có thể sử dụng các phương tiện sẵn có ở trong tự nhiên, đời sống, thiết bị kĩ thuật... thậm chí tự thiết kế, xây dựng thiết bị thí nghiệm theo các dự án do học sinh đề xuất, giáo viên hướng dẫn, định hướng. Đây chính là hướng đi mà các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore... và các nước phát triển như Anh, Úc, Mỹ... đã triển khai thực hiện theo định hướng giáo dục STEM.
TS Cao Tiến Khoa