Chung tay tạo động lực cho học trò vùng cao đến lớp

GD&TĐ - Những năm gần đây, việc quan tâm đến việc học của học sinh vùng cao là công việc không chỉ của riêng các nhà trường, của đội ngũ các thầy cô giáo mà còn là sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. 

Chung tay tạo động lực cho học trò vùng cao đến lớp

Các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, các nhóm từ thiện đã không ngừng tổ chức những hoạt động thiết thực hướng về học trò vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Vì vậy, giáo dục vùng cao đã có thêm nhiều động lực và giảm bớt được những khó khăn.

Đỡ đầu HS có hoàn cảnh khó khăn

Đó là hoạt động được Hội Chữ thập đỏ huyện Bảo Yên (Lào Cai) tổ chức trong nhiều năm qua. Hướng về các đối tượng là những em HS người DTTS có hoàn cảnh mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn như nghèo, tàn tật, nạn nhân chất độc màu da cam, sống sâu trong những bản làng xa xôi của các xã để tổ chức chương trình đỡ đầu. 

Trên cơ sở khảo sát các đối tượng do các nhà trường, các xã cung cấp thông tin, Hội Chữ thập đỏ huyện Bảo Yên đã vận động các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện tiến hành đỡ đầu các em trong diện hoàn cảnh nói trên.

Nhận được sự thiện chí và chung tay của nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều em HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi cả cha lẫn mẹ khó có điều kiện để đến trường đã có chỗ nương tựa vững chắc. 

Các em không chỉ được động viên về tinh thần, có thêm động lực, niềm tin trong cuộc sống mà còn có điều kiện về vật chất để đến trường học chữ. 

Bởi theo chương trình đỡ đầu, các tổ chức, cá nhân sẽ hỗ trợ các em mỗi tháng từ 300 - 400 nghìn đồng để trang trải cho học tập. Chương trình đỡ đầu này sẽ kéo dài cho đến thời điểm các em tốt nghiệp THPT, do vậy, phần lớn các em sẽ yên tâm đến trường học tập.

Tính đến nay, toàn huyện Bảo Yên đã có 81 cơ quan và 6 cá nhân nhận đỡ đầu gần 100 HS thuộc diện đặc biệt khó khăn. Đó là cách làm hết sức sáng tạo, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến các em HS vùng cao, giúp các em thực hiện ước mơ cao đẹp của mình.

“Nhóm xanh” về với HS nghèo

Ý tưởng thành lập “Nhóm xanh” được khởi phát từ việc khảo sát điều kiện sống và học tập của trẻ em vùng cao trên địa bàn. Đây là hoạt động diễn ra thường xuyên của nhóm bạn trẻ gồm mọi thành phần nghề nghiệp, lứa tuổi ở huyện Bảo Yên (Lào Cai). 

Họ có chung một mục đích là chung tay, góp sức để tiếp sức cho học sinh nghèo ở sâu trong các bản Mông, bản Dao, bản Tày còn gặp nhiều gian khó.

Trên cơ sở nắm được tình hình về các điểm trường, các nhà trường tại các xã, các thành viên của “Nhóm xanh” đã cùng nhau đi vận động các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ kinh phí, vật chất để tặng cho học trò vùng sâu. 

Hoạt động này được đông đảo các tổ chức, cá nhân hưởng ứng tham gia. Vì thế, mỗi đợt tổ chức đi vào những vùng đặc biệt khó khăn, nhóm lại nhận được sự thiện chí ủng hộ về kinh phí, hiện vật, quần áo dành cho trẻ em vùng cao.

Những phần quà như bút, sách vở, quần áo, mũ, dép, cặp sách, xe đạp… đã được các thành viên của “Nhóm xanh” trao tận tay các em học sinh nghèo tại các điểm trường. Không chỉ dừng lại ở đó, nhóm còn tham gia sửa chữ lớp học, thăm và động viên gia đình học sinh nghèo tại gia đình. 

Đến nay, hàng ngàn suất quà mang tấm lòng của đông đảo các tổ chức, cá nhân đã tiếp sức cho hàng nghìn HS có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.

Ấm lòng bữa cơm bán trú

Tại Trường Tiểu học Nghĩa Đô (Bảo Yên, Lào Cai), nhà trường tham gia Dự án SEQAP từ năm 2011, nhờ vậy, sức hút đối với các em học sinh tại các bản xa cắp sách đến trường là rất hiệu quả.

Trước khi tham gia SEQAP, nhà trường tổ chức được bữa ăn trưa cho học sinh vì không đủ cơ sở vật chất, kinh phí. Ba năm trở lại đây, SEQAP đã hỗ trợ học sinh nghèo ăn trưa tại trường.

Cùng với đó, nhà trường cũng huy động thêm nguồn hỗ trợ, đóng góp của phụ huynh để tăng thêm nguồn thực phẩm, thức ăn cho HS nghèo, tổ chức bán trú. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng để đảm bảo duy trì tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần, huy động học sinh đến trường đầy đủ.

Ngoài ra, để cải thiện bữa ăn, học sinh, phụ huynh và cả các thầy cô giáo còn trồng thêm rau sạch tại vườn trường. Việc tổ chức bán trú cho HS mới được thực hiện 3 năm, nhưng ý thức tự học, nề nếp, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống của học sinh đã được nâng lên rõ rệt. 

Nhiều HS nhà xa trường, phụ huynh cũng yên tâm hơn. Nhờ đó, nững năm gần đây, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường luôn đạt 100%

Có thể nói, các cơ sở trường học ở vùng cao gắn liền với mô hình bán trú và những hoạt động bổ ích khác đã có sức hút lớn đối với học trò vùng cao.                                                                                                                                                                                             Sự quan tâm, chung tay của toàn xã hội đã tạo ra động lực lớn cho giáo dục vùng cao. Từ trên những bản làng xa xôi, học trò nô nức đến trường học chữ. Trên khuôn mặt của những học trò vùng cao đã bớt đi những lo toan và bước chân bớt đi những nhọc nhằn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ