Sửa nếu quy định không phù hợp
Ông Phan Văn Nhẫn, thành viên Hội đồng trường Trường ĐH Tiền Giang, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang cho rằng, để giải quyết đúng vấn đề liên quan đến nâng hạng giáo viên, trong đó có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, cần có một khảo sát khoa học. Từ đó đánh giá xem từ nội dung đến hình thức, quy trình bồi dưỡng và các đánh giá có đúng yêu cầu và thực chất hay không.
“Thực chất của chứng chỉ là chứng nhận năng lực giảng dạy của giáo viên. Làm sao đánh giá đúng năng lực giảng dạy là được, đâu nhất thiết cần phải thi. Vấn đề là cách làm phải công khai, minh bạch, dân chủ, trung thực” - nhấn mạnh điều này, TS Phan Văn Nhẫn đồng thời gợi ý: với những giáo viên luôn quan tâm đến việc học tập, rèn luyện để nâng cao năng lực giảng dạy và đã đạt được kết quả nổi trội trong thực tế, được đồng nghiệp và phụ huynh thừa nhận, Hội đồng sư phạm nhà trường nên chủ động xem xét và đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận. Những trường hợp này không phải thi. Những trường hợp còn lại, thông qua đào tạo, bồi dưỡng (đúng nghĩa là tu nghiệp) hằng năm.
Bộ GD&DT nên có quy định về thời gian, điều kiện xem xét, đánh giá năng lực giáo viên. “Vấn đề ở đây là nội dung đánh giá và hội đồng đánh giá thế nào cho công tâm, khách quan, công bằng, dân chủ, không hình thức, không tiêu cực” – TS Phan Văn Nhẫn nhấn mạnh.
Liên quan đến quy định Luật Viên chức về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, TS Phan Văn Nhẫn cho rằng, quy định không phù hợp thì phải sửa. Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1797/VPCP-TCCV của Văn phòng Chính phủ ngày 19/3/2021 chính là cơ hội để tiến hành việc này.
Học để chắc tay nghề, không phải vì chứng chỉ
Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), ông Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam - nhắc đến quy định của Luật viên chức: giáo viên phải được xếp hạng và có các tiêu chuẩn để xếp hạng.
Đây là cái khó cho giáo dục vì dạy học là ngành đặc thù, ngành “kỹ sư tâm hồn”, không phải “kỹ sư khối óc” như các ngành nghề khác. Mặt khác, lực lượng giáo viên đông, hàng năm ngân sách nhà nước phải chi rất lớn cho con người. Nếu quy định tiêu chuẩn hạng và thăng hạng không tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc xếp lương, tăng lương cho giáo viên cũng như chất lượng giáo dục của các nhà trường.
Nhắc đến chương trình bồi dưỡng, theo ông Đặng Tự Ân, việc bồi dưỡng giáo viên để có kỹ năng triển khai chương trình, sách giáo khoa mới là rất hệ trọng và thiết thực cho mọi giáo viên lúc này. Trong khi công cuộc đổi mới chương trình và sách giáo khoa thường kéo dài gần 20 năm.
Phải chăng, chúng ta nên lựa chọn và đưa các các modun bồi dưỡng thay sách giáo khoa vào bồi dưỡng chứng chỉ hạng của viên chức là giáo viên. Vì học để “ấm vào thân”, chắc tay nghề, thì giáo viên sẽ tự giác, không học đối phó, mà học để được giữ lương, hay tăng lương theo hạng.
Với quan niệm cập nhật nội dung bồi dưỡng cho giáo viên như thế, sẽ giúp nội dung bồi dưỡng không trùng lặp, sát thực tế, không gây áp lực cho giáo viên và gây ra sự bất an trong xã hội. Từ đó tiêu cực nảy sinh chính từ nội tại, trong lòng giáo dục không còn có kẽ hở để âm thầm, nảy nở và phát triển. Để hạn chế tối đa những bức xúc trong xã hội khi ban hành và triển khai thực hiện những quy định tiêu chuẩn hạng và thăng hạng, nhất thiết chúng ta phải mạnh dạn thay đổi quan niệm.
Hiện nay, giáo viên mầm non, phổ thông công lập hằng năm phải thực hiện quy định về bồi dưỡng thường xuyên. Các nội dung trong chương trình bồi dưỡng thường xuyên nếu thực hiện đúng và đầy đủ theo quy định sẽ giúp giáo viên có đủ năng lực cần thiết đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm.
Do đó, nhiều giáo viên, cán bộ quản lý và chuyên gia giáo dục đề xuất, giáo viên được thay thế chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bằng chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên do Bộ GD&ĐT quy định để đáp ứng yêu cầu giữ hạng hoặc thăng hạng.