Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên: Người trong cuộc nói gì?

GD&TĐ - Trước những quy định về việc thăng hạng giáo viên bao gồm cả chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, nhiều nhà giáo cho rằng điều này không cần thiết.

Nhiều người cho rằng, thăng hạng với giáo viên chỉ cần đánh giá bằng năng lực và hiệu quả công việc.
Nhiều người cho rằng, thăng hạng với giáo viên chỉ cần đánh giá bằng năng lực và hiệu quả công việc.

Bởi hằng năm, đội ngũ đều phải tham gia bồi dưỡng thường xuyên, trong đó nội dung bao trùm, thiết thực, thậm chí sâu hơn nhiều so việc tham gia bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp.

Động tác thừa

Nhận định của thầy P.V.K, Hiệu trưởng Trường Tiểu học ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên khi nhắc đến việc bồi dưỡng lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Theo thầy P.V.K, vấn đề cốt lõi khi đánh giá giáo viên phải dựa trên năng lực thực tiễn của mỗi người.

“Có thầy cô công tác 28 - 30 năm nay, có bằng cấp về chuyên môn, dạy tốt, được trò yêu, đồng nghiệp quý. Vậy có cần phải học để hoàn thành chứng chỉ giáo viên. Đây là quy định rườm rà, tăng thêm thủ tục hành chính không cần thiết, thậm chí cản trở nhất là với giáo viên lâu năm”, thầy P.V.K nói.

Theo dẫn chứng của thầy P.V.K, bản thân thầy muốn trở thành giáo viên hạng 1 phải học thạc sĩ để nâng cao trình độ. Song điều mà thầy K băn khoăn, sau khi hoàn thành khóa đào tạo, chất lượng và hiệu quả công việc có nâng cao hay không, hay chỉ học một cách chiếu lệ cho có? Tương tự với giáo viên, sau khi thăng hạng, chất lượng học sinh có đi lên hay chỉ là mỗi giáo viên có thêm bằng, thêm lương…

“Giữ nguyên cách đánh giá này sẽ mở màn cho chiến dịch đi học. Lại mất thời gian, tiền bạc nhưng nếu không chuyên tâm nghiên cứu, học tập, sau mấy năm trở về chỉ cầm được một “tờ giấy” cho đẹp hồ sơ. Bởi không phải ai cũng có nhu cầu học. Vậy nên, việc học chỉ ý nghĩa, hiệu quả khi  trở thành nhu cầu tự thân của nhà giáo”, thầy P.V.K chia sẻ.

Một buổi học của học sinh Trường Mầm non Mường Lạn, huyện Mường Ảng (Điện Biên).
Một buổi học của học sinh Trường Mầm non Mường Lạn, huyện Mường Ảng (Điện Biên).

Đánh giá thứ hạng dựa trên năng lực thực tiễn

Cô Trần Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Kết, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cũng cho rằng: Tham gia các khóa bồi dưỡng để có được chứng chỉ công nhận chức danh nghề nghiệp với giáo viên là không cần thiết và lãng phí.

“Tôi thấy yêu cầu đó chỉ là hình thức. Qua tham dự khóa học, tôi thấy nội dung bồi dưỡng hầu hết giáo viên được học các trường sư phạm”, cô Trần Thị Hằng bộc bạch. 

Công tác tại Trường Tiểu học Đoàn Kết từ năm 2014, năm 2020 cô Bùi Thị Yến - giáo viên chủ nhiệm lớp 4B đăng ký tham gia khóa bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp. Hầu hết, giáo viên như cô Yến đều phải tự tìm cho mình các khóa học để tham gia. Do không có lớp tổ chức tại huyện, cô Yến phải đăng ký học tại Trường Cao đẳng Cộng đồng, cách nhà hơn 40km.

Do học liên tục, thời gian kéo dài tới hơn 1 tháng, cô Yến phải ở nhờ nhà người quen tại thành phố Lai Châu để giảm bớt chi phí thuê nhà. Nhiều giáo viên khác nếu không có mối quan hệ thân thiết thì phải thuê trọ bởi không thể di chuyển hơn 80km đi về mỗi ngày.

“Chúng em nộp học phí mất hơn 2 triệu. Ngoài ra, tiền ăn, chi phí sinh hoạt trong suốt thời gian học cũng khá tốn kém. Nội dung học nhiều phần trùng với những gì trường sự phạm đào tạo. Nhiều kỹ năng, kinh nghiệm giáo viên cần để bắt nhịp đổi mới chương trình hầu như không có”, cô Bùi Thị Yến tâm sự. 

Theo thầy P.V.K, để tháo gỡ bất cập trong quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, việc đánh giá, xếp thứ hạng cho đội ngũ nhà giáo cần dựa vào năng lực thực tiễn của mỗi người.

“Mặc dù, bằng cấp đào tạo như nhau, nhưng chuyên môn tốt hơn, có nhiều thành tích hơn thì giáo viên sẽ được xếp ở hạng cao hơn. Còn người khác phải chấp nhận ở hạng thấp bởi vì năng lực, chất lượng giảng dạy chỉ đến thế, bởi bản thân không cố gắng, không chịu khó nghiên cứu để đáp ứng yêu cầu, xa hơn là đổi mới sáng tạo”, thầy P.V.K chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tùy bút: Những ngày khói lửa

Tùy bút: Những ngày khói lửa

GD&TĐ - Chúng tôi đã sống nghèo nhưng trong sáng trong thời bao cấp, tự hào lên đường theo “tiếng gọi non sông” để lại một phần tuổi xuân trên chiến trường...