Bức tranh chung về yêu cầu chứng chỉ với giáo viên

GD&TĐ - Các giáo viên, cán bộ quản lý cho rằng, nếu nói về số lượng chứng chỉ thì hiện nay với giáo viên cũng không phải nhiều. Tuy nhiên, điều quan trọng là việc học để lấy chứng chỉ cần thực chất, thiết thực.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Vướng nhất là chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đã được tháo gỡ

Theo ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang, trước đây, khi tuyển dụng mới hoặc xét thăng hạng, vướng nhất với giáo viên là cần có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Tuy nhiên, khó khăn này đã được Bộ GD&ĐT tháo gỡ trong các Thông tư số 01, 02, 03, 03 về quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học phổ thông công lập.

Cụ thể, các Thông tư trên đã bỏ quy định về trình độ ngoại ngữ, trình độ tin học, trình độ ngoại ngữ 2 và chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng. Đưa quy định về năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng ngoại ngữ, tiếng dân tộc thiểu số trong tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với từng hạng chức danh nghề nghiệp.

Như vậy, khi giữ hạng và thăng hạng, hiện giáo viên chỉ cần duy nhất chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Theo quy định mới, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được quy định ở cả hạng thấp nhất để bảo đảm tuân thủ quy định tại Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và thống nhất với quy định đối với công chức (có chứng chỉ: chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp).

Cụ thể, với giáo viên mầm non, tiểu học có các chứng chỉ hạng III, II, I. Trong đó, chứng chỉ hạng III áp dụng đối với: giáo viên tuyển dụng mới sau ngày 20/3/2021; giáo viên hạng III cũ nay được bổ nhiệm hạng III mới. Giáo viên THCS và THPT có các chứng chỉ hạng III, II, I. Trong đó, chứng chỉ hạng III áp dụng đối với GV tuyển dụng mới sau ngày 20/3/2021.

“Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp chỉ cần khi giáo viên giữ hoặc nâng hạng. Nếu không có nhu cầu nâng hạng thì thầy cô chỉ cần học một lần duy nhất để lấy chứng chỉ này. Ngoài ra, hằng năm giáo viên còn được cấp chứng chỉ khi hoàn thành nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên.

Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho đối tượng muốn làm giáo viên nhưng không tốt nghiệp các trường sư phạm tôi nghĩ không tính vào đây, vì đó là yêu cầu chứng chỉ trước khi đối tượng trở thành giáo viên”. – Ông Trần Tuấn Khanh chia sẻ.

Bức tranh chung về yêu cầu chứng chỉ với giáo viên ảnh 1

2 chứng chỉ quan trọng

Ông Lê Xuân Hòa, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT tỉnh Hưng Yên cho biết:  Theo quy định tại Thông tư 19/2019/TT-BGDĐT ngày 12/11/2019 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế bồi dưỡng thường xuyên, giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phải tham gia bồi dưỡng thường xuyên và được cấp chứng chỉ bồi dưỡng. Với giáo viên, Thông tư 17/2019/TT-BGDĐT quy định rõ 3 nội dung bồi dưỡng thường xuyên. Thời gian bồi dưỡng mỗi nội dung khoảng 1 tuần/năm học (khoảng 40 tiết/năm học).

Cụ thể, chương trình bồi dưỡng 1: Bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyên ngành đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ năm học đối với các cấp học của giáo dục phổ thông. Với chương trình này, Bộ GD&ĐT quy định cụ thể theo từng năm học các nội dung bồi dưỡng về đường lối, chính sách phát triển giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục phổ thông, nội dung các môn học, hoạt động giáo dục thuộc chương trình giáo dục phổ thông.

Chương trình bồi dưỡng 2: Bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục phổ thông theo từng thời kỳ của mỗi địa phương. Với chương trình này, Sở GD&ĐT quy định cụ thể theo từng năm học các nội dung bồi dưỡng về phát triển giáo dục phổ thông của địa phương, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục địa phương; phối hợp với các dự án để triển khai kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên.

Chương trình bồi dưỡng 3: Bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp theo yêu cầu vị trí việc làm. Với chương trình này, giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông tự chọn các mô đun bồi dưỡng nhằm phát triển phẩm chất, năng lực nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm.

Với cán bộ quản lý giáo dục, Thông tư số 18/2019/TT-BGDĐT quy định rõ 3 nội dung bồi dưỡng thường xuyên. Thời gian bồi dưỡng mỗi nội dung cũng khoảng 1 tuần/năm học (khoảng 40 tiết/năm học).

Giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục được xếp loại hoàn thành kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên theo đúng quy định thì được cấp chứng chỉ hoàn thành kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên.

Ngoài chứng chỉ trên, cán bộ quản lý giáo dục khi được bổ nhiệm thì phải bảo đảm tiêu chuẩn chung theo quy định của Đảng, Nhà nước và tiêu chuẩn cụ thể của chức vụ bổ nhiệm theo quy định của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.

Ông Lê Xuân Hòa thông tin thêm:  Với tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trước đây có yêu cầu, nay không quy định trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng tại các Thông tư 01, 02, 03, 04 của Bộ GD&ĐT.

Riêng chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là một trong những điều kiện để viên chức được đăng ký dự thi thăng hạng, xét bổ nhiệm vào hạng và được học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.