Các trường sư phạm vì vậy cần phải tạo được môi trường để sinh viên được trải nghiệm thực tế giúp rèn luyện, phát triển kỹ năng, tình cảm và các giá trị nghề nghiệp.
Thách thức từ kỹ năng thiết kế bài dạy
Dù sinh viên sư phạm có thời gian kiến tập và thực tập, nhưng khi đi vào giảng dạy, theo như nhận xét của cô Đỗ Thị Lê - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hùng Vương (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), đa phần giáo viên trẻ vẫn lúng túng trong thiết kế bài dạy.
“Mỗi lớp học và học sinh trong từng lớp lại khác nhau. Vì thế, thời gian đầu giáo viên sẽ gặp khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch dạy học. Để rà soát, sắp xếp, bổ sung, thêm/bớt nội dung trong sách giáo khoa phù hợp với đặc điểm lớp học trên cơ sở đảm bảo yêu cầu cần đạt, đòi hỏi mỗi giáo viên ngoài đầu tư thời gian còn phải có kinh nghiệm dạy học thực tế” - cô Lê phân tích.
Ở một góc độ khác, cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết: “Thường thì với những giáo viên mới ra trường, việc tổ chức dạy học hướng tới phát triển năng lực cho học sinh còn nhiều hạn chế.
Giáo viên trẻ luôn có tâm lý sợ học sinh sai nên làm thay cho học sinh luôn. Trong khi đó, những giáo viên có kinh nghiệm sẽ để cho trò hoạt động, phát biểu ý kiến và sau đó chốt lại. Nhưng với một số giáo viên trẻ, thường có tâm lý nói nhiều, thậm chí nói thay học trò”.
Một lỗi khác mà nhiều giáo viên trẻ mắc phải, như nhận xét của cô Thu Nguyệt, là không xác định được hoạt động nào là chính trong một tiết dạy. “Một số giáo viên tập sự chỉ biết mục đích chung của bài dạy nhưng không đọc được ý đồ của mỗi bài tập trong bài.
Những bài tập trong một bài học đều có liên quan đến nhau chứ không phải rời rạc. Giáo viên có kinh nghiệm sẽ phân bố thời gian cho các bài tập hợp lý. Thế nhưng với nhiều giáo viên trẻ, có nhiều bài tập lượng kiến thức nhiều nhưng họ lại dạy lướt nên học sinh khó hình thành được kỹ năng” - cô Thu Nguyệt ví dụ.
TS Bùi Thị Tâm - Trường ĐH Tây Nguyên thừa nhận việc rèn luyện kỹ năng thiết kế bài dạy của các trường sư phạm vẫn là khâu còn nhiều hạn chế như nặng tính hàn lâm, thiếu tính vận dụng thực tiễn, nội dung rèn luyện chưa rõ ràng, thiếu biện pháp tổ chức có tính chuyên biệt.
Điều này dẫn đến năng lực thiết kế bài học của sinh viên sau khi ra trường chưa đồng đều, có nhiều em phải tự đào tạo lại, mò mẫm thích ứng với công việc. Trong khi đó, kỹ năng thiết kế bài dạy là một trong những kỹ năng quan trọng của người giáo viên.
Giáo sinh thực tập tại Trường Tiểu học Lê Đình Chinh trong một giờ dạy hoạt động trải nghiệm. Ảnh: NTCC |
Theo phân tích của TS Bùi Thị Tâm thì thiết kế bài dạy không chỉ dừng lại ở việc chuyển tải lại những kiến thức có sẵn trong sách giáo khoa đến người học, mà còn đòi hỏi người giáo viên phải biết lựa chọn cách thức hoạt động phù hợp để người học tích cực, chủ động trong việc chiếm lĩnh tri thức, kỹ năng, kỹ xảo. Do đó, hoạt động thiết kế bài dạy đòi hỏi người giáo viên phải có năng lực chuyên môn cao.
Điểm mới của Chương trình GDPT 2018 so với Chương trình GDPT 2006 là chuyển từ dạy học định hướng nội dung sang dạy học phát triển phẩm chất và năng lực. Tuy nhiên, kết quả khảo sát tại 11 trường tiểu học ở Quận 1, TPHCM cho thấy, việc hoàn thiện một kế hoạch dạy học môn Tiếng Việt gần như đang được làm một cách hình thức, kiểu làm cho có để trình ban giám hiệu.
Bà Thái Thị Quỳnh Trang - Phòng GD&ĐT Quận 1 (TPHCM) nhận xét: Qua thực tế dự giờ và phỏng vấn một số giáo viên lớp 1, lớp 2 và lớp 3 cho thấy giáo viên đã tiếp cận với khái niệm năng lực, dạy học theo năng lực. Nhưng khi xác định mục tiêu về năng lực thì còn rất lúng túng.
Với câu hỏi: “Sau bài học này, thầy/cô đã hình thành ở học sinh mình được năng lực gì” thì chỉ nói về kiến thức, học sinh biết được gì mà không đề cập đến học sinh làm được gì dù trong dạy học, họ vẫn tổ chức hoạt động dạy học để học sinh được thực hành, ứng dụng.
Có cùng quan điểm này, cô Đỗ Thị Lê nhận xét: “Một số giáo viên trẻ còn hạn chế về khả năng quan sát sau tiết dạy chưa tốt nên không đánh giá được học sinh của mình làm được gì mà chỉ chú ý hoạt động của thầy, chưa chú ý nhiều đến kết quả của trò”.
Trường Tiểu học Lê Đình Chinh trao giấy chứng nhận tốt nghiệp cho sinh viên thực tập năm học 2023 - 2024. Ảnh: NTCC |
Điều chỉnh từ trường sư phạm
Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum đã đổi mới hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học. TS Nguyễn Văn Giang - Tổ trưởng tổ Sư phạm và Đại cương, Khoa Luật và Sư phạm cho biết: “Trong dạy các học phần Rèn luyện kỹ năng sư phạm, giảng viên tổ chức hoạt động rèn luyện kỹ năng sư phạm. Theo đó, nhóm hoặc đại diện nhóm sinh viên sẽ thực hiện hoạt động khởi động liên quan đến nội dung thuyết trình.
Sau đó, đại diện nhóm sẽ thuyết trình các nội dung trọng tâm, có minh họa về một nhiệm vụ đã được giảng viên giao trước đó. Tổ chức thực hiện đóng vai và xử lý tình huống sư phạm liên quan đến nội dung thuyết trình. Ngoài nhóm thuyết trình tự nhận xét thì sẽ có sự đánh giá, nêu câu hỏi của giảng viên và các nhóm khác.
Bước cuối cùng, giảng viên sẽ đánh giá cả nhóm thuyết trình và các nhóm khác khi tham gia nhận xét. Giảng viên sẽ phân tích, chốt những nội dung trọng tâm của bài học, nội dung thuyết trình”.
Với học phần Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm của Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum, giảng viên tổ chức kiểm tra, đánh giá thông qua các sản phẩm, bài thuyết trình và vấn đáp.
Theo TS Nguyễn Văn Giang, cách tổ chức này giúp sinh viên rèn được tất cả các kỹ năng sư phạm, qua đó hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của người học của người giáo viên tiểu học.
Ngoài ra, Khoa Luật và Sư phạm, Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum còn tổ chức cho sinh viên thi nghiệp vụ sư phạm như thi giáo viên tiềm năng gồm các nội dung thiết kế bài dạy và dạy học tại trường tiểu học; thi thiết kế học liệu điện tử, xử lý tình huống sư phạm ở trường tiểu học…
Từ năm thứ 2 đến năm thứ 3, sinh viên sư phạm tham gia trực tiếp hoặc xem các video các buổi thao giảng, sinh hoạt chuyên đề của trường, cụm trường về chuyên môn…
Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) đã đưa quy trình nghiên cứu bài học vào chương trình đào tạo giáo viên gồm 4 bước: Chọn chủ đề và xác định nội dung dạy học; thiết kế và điều chỉnh kế hoạch bài dạy; thực hành giảng dạy và quan sát; thảo luận, phản ánh.
TS Nguyễn Thị Hà Phương - Khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm cho biết: “Quy trình này được cụ thể hóa từng bước thực hiện trong quá trình dạy học các học phần phương pháp dạy môn học nghiệp vụ sư phạm. Trong đó, các bước 1 - 2 - 3 có thể tiến hành lặp đi lặp lại nhiều lần trong nhóm nghiên cứu bài học, tạo cơ hội cho các giáo viên tương lai rèn luyện các kỹ năng, thao tác để thực hiện các bước dạy học một cách nhuần nhuyễn hơn”.
Sau khi thực hiện quy trình nghiên cứu bài học trong nhóm, theo TS Phương, giảng viên yêu cầu các giáo viên tương lai dạy học trước lớp, có sự tham gia của giảng viên. Từ đây, giảng viên có thể đưa ra góp ý, nhận xét giúp sinh viên sư phạm tiếp tục điều chỉnh, cải thiện kế hoạch bài dạy và năng lực dạy học tốt hơn.
Sinh viên sư phạm (Khoa Luật và Sư phạm, Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum) học chuyên đề Các phương pháp dạy học tích cực. |
Tiếp sức cho giáo viên tập sự
Thời gian đầu mới đứng lớp, đa phần giáo viên chưa có kinh nghiệm trong kỹ năng xử lý tình huống phát sinh. Cô Đỗ Thị Lê ví dụ trong tiết học có tổ chuyên môn dự giờ có 2 học sinh nói chuyện riêng. Có thể hàng ngày, tình huống này sẽ được giải quyết nhưng vì đang dự giờ, sợ không đủ thời gian nên cô giáo chỉ biểu lộ bằng ánh mắt, hoặc sẽ “bỏ qua”. Thế nhưng, giáo viên nên mời một trong hai học sinh nhắc lại nội dung cô vừa nói. Nếu em không trình bày được thì có thể gọi một học sinh khác trả lời thay và nhắc em cần tập trung hơn.
Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt chia sẻ kinh nghiệm: “Khi tiếp nhận giáo sinh thực tập, trong phân công đứng lớp, nếu có nhiều người thì phải chia đều ở các khối lớp nhưng phải tránh khối lớp 1 và lớp 5. Điều này áp dụng luôn cho cả việc phân công giáo viên mới trúng tuyển viên chức.
Khi bố trí lớp học thì phòng học mà giáo viên mới làm công tác chủ nhiệm phải được bố trí ngay bên cạnh lớp của một giáo viên vững chuyên môn, nhiệt tình để có thể hỗ trợ kịp thời các tình huống. Tổ trưởng chuyên môn phải có sự hỗ trợ thường xuyên cả về năng lực dạy học, xử lý các tình huống dạy học, giao tiếp với phụ huynh”.
Cô Đỗ Thị Lê cho biết: “Để hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên trẻ, nhà trường chỉ đạo tổ chuyên môn tạo điều kiện để họ dự giờ, học tập. Giáo viên có kinh nghiệm và nhất là tổ trưởng tổ chuyên môn chia sẻ, hỗ trợ thêm. Tuy nhiên, quan trọng nhất là bản thân giáo viên trẻ phải tự ý thức nâng cao chuyên môn của mình”.
Trường Tiểu học Hùng Vương còn đẩy mạnh sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học. Theo đó, tổ chuyên môn phân công tiết dạy cho giáo viên. Trước khi dạy, giáo viên phải trình bày kế hoạch dạy học cho tổ, tổ góp ý trước rồi mới lên lớp. Sau khi hoàn thành tiết dạy sẽ tiếp tục góp ý, nhận xét. Việc này, theo cô Lê, không phải giáo viên trẻ mới làm mà tất cả giáo viên trong tổ đều phải tham gia để học hỏi lẫn nhau.
Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt kiến nghị, các trường sư phạm nên có sự điều chỉnh trong bố trí thời gian kiến tập, thực tập. Theo đó, nên cho sinh viên kiến tập từ năm 2.
“Sinh viên năm 2 - 3 chỉ dự giờ và soạn bài để giáo viên hướng dẫn góp ý, bổ sung. Thời gian kiến tập, thực tập của sinh viên tại các trường phổ thông nên rơi vào đúng các đợt hội giảng của giáo viên. Thường sẽ là tháng 11 hàng năm, để được dự giờ nhiều, tiếp cận được giáo án và tham gia các hoạt động trải nghiệm của học sinh, tăng cơ hội tương tác với phụ huynh”, cô Nguyệt chia sẻ.
Trong xếp hạng của giáo viên có thêm một hạng mục là viết sách, bài báo nghiên cứu khoa học hoặc hướng dẫn thực tập cho giáo sinh. Thế nên, thường thì thầy cô rất nhiệt tình, tận tâm trong hướng dẫn các kỹ năng cho giáo sinh. Đây là một minh chứng để bổ sung trong hồ sơ thăng hạng.
Ngoài ra, giáo sinh còn phản hồi lại với ban giám hiệu nơi tiếp nhận thực tập về quá trình được hướng dẫn. Không phải giáo viên nào cũng được phân công hướng dẫn sinh viên thực tập nên thầy cô sẽ không xem đó là gánh nặng, phải làm thêm việc, mà là một niềm tự hào. - Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt