Cô gái trẻ vượt khó trở thành giáo viên mầm non ở Điện Biên

GD&TĐ - Không có tiền học đại học thì học cao đẳng, học gần nhà, cuối tuần mẹ có con cá, mớ rau, cân gạo mẹ gửi lên cho…

Cô Nguyễn Thị Việt Anh cùng trẻ tô tượng.
Cô Nguyễn Thị Việt Anh cùng trẻ tô tượng.

Đó là động lực để cô giáo trẻ Nguyễn Thị Việt Anh vượt khó để trở thành một giáo viên tâm huyết và đam mê với nghề.

Đi học vì… thương mẹ!

Chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện cùng cô giáo trẻ Nguyễn Thị Việt Anh, một cô gái có vóc người nhỏ nhắn, hiện đang là chủ của nhóm trẻ tư thục Đam Mê tại thành phố Điện Biên Phủ. Cô từng học lớp K16MN3 (khóa học 2013 – 2016), chuyên ngành Giáo dục Mầm non của trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Điện Biên.

Vừa cho trẻ ăn xong, Việt Anh lại cùng các cô giáo của Nhóm trẻ Đam Mê chuẩn bị cho các cháu ngủ trưa. Xong xuôi công việc, cô mới dành thời gian tâm sự với chúng tôi về quãng thời gian đấu tranh tư tưởng để trở thành một giáo viên, người chủ của Nhóm trẻ mầm non tư thục với 40 trẻ đang theo học như hiện tại.

“Niềm ao ước của tôi là được bước chân vào cánh cổng của một trường đại học. Ngày nhận kết quả tốt nghiệp lớp 12, khác với bao bạn bè đồng trang lứa được chọn cho mình ngôi trường mình thích, thì suýt chút nữa đã tôi đã dừng lại con đường học hành” – Việt Anh trải lòng.

Cô Nguyễn Thị Việt Anh tham gia các hoạt động cùng nhóm trẻ Đam Mê.

Cô Nguyễn Thị Việt Anh tham gia các hoạt động cùng nhóm trẻ Đam Mê.

Nhìn vào ánh mắt của Việt Anh khi ngắm những đứa trẻ đang lim dim ngủ, chúng tôi thấy được sự tiếc nuối trong cô.

Thế rồi, cô lại mỉm cười để kể tiếp câu chuyện của mình: “Tôi là con của người mẹ đơn thân. Cuộc sống vốn khó lại càng khó khăn hơn vào năm 2012. Lúc đó, ngoài việc chăm lo cho tôi và bà ngoại, mẹ phải gồng “gánh” thêm một người em gái mắc bệnh hiểm nghèo và 2 đứa con của dì ấy. Cuộc sống khi đó của gia đình thực sự khó khăn, có thời điểm mẹ tôi phải mua chịu từng cân gạo và làm đủ việc để chạy ăn từng bữa”.

Trước những khó khăn của gia đình, trong đầu Việt Anh nhen nhóm ý nghĩ bỏ học đi làm phụ giúp mẹ, lo cho bà ngoại và các em. Sau chuỗi ngày đấu tranh tư tưởng, cô đã quyết định nói ra ý định bỏ học với mẹ. Nhưng mẹ cô không đồng ý. Vì sự việc này mà hai mẹ con chẳng thể nói chuyện được với nhau.

Việt Anh kể: “Sau chuỗi ngày yên lặng đó, mẹ cầm về một bộ hồ sơ đăng kí cho tôi vào học tại trường CĐSP Điện Biên. Lúc ấy mẹ nói: “Không có tiền học đại học thì học cao đẳng, học gần nhà, cuối tuần mẹ có con cá, mớ rau, cân gạo mẹ gửi lên cho. Quan trọng là ngành học này không mất học phí, khi ra trường lại có cơ hội xin việc…”

Mẹ cô đưa ra rất nhiều lí do để cô có thể theo học nghề sư phạm. Nhưng lúc đó, Việt Anh không cảm thấy lí do nào thuyết phục, vì nghĩ rằng: Đến việc học còn không đủ điều kiện thì thử hỏi sau này sao có cơ hội kiếm việc làm!

“Sau một tuần suy nghĩ, với những quyết tâm “đả thông” ý nghĩ của mẹ, tôi chấp nhận đi học. Việc quyết định đi học lúc đó cũng chỉ là miễn cưỡng, theo ý mẹ” – Việt Anh chia sẻ.

Bước chân vào trường CĐSP Điện Biên vẫn mang theo nỗi lo cơm áo gạo tiền, Việt Anh quyết định vừa đi học, vừa đi làm. Cứ như thế, trong suốt năm đầu tiên, cô lao vào kiếm tiền nhiều hơn việc học. Cô kiếm tiền từ việc phụ giúp quán ăn, bưng bê ở quán cà phê đến việc đi phụ ở quán bán quần áo…

Kết thúc năm học thứ nhất, cô giành được cho mình một số tiền đủ trang trải chi phí sinh hoạt trong 10 tháng (khoảng hơn 6 triệu). Đổi lại kết quả học tập nhiều môn của em không cao. Bù lại, cô lại là người ham học hỏi, năng động và thường xuyên tham gia các hoạt động của nhà trường nên được thầy cô tin tưởng, quý mến.

Chất lượng chăm sóc, giáo dục tại Nhóm trẻ luôn được cô Việt Anh chú trọng.

Chất lượng chăm sóc, giáo dục tại Nhóm trẻ luôn được cô Việt Anh chú trọng.

“Lúc đó, thầy cô đã hướng cho tôi vào ở tại kí túc xá, để vừa tiết kiệm sinh hoạt phí, vừa có thời gian cho việc học tập cũng như thuận tiện để tham gia vào hoạt động của trường. Kí túc xá năm đó như ngôi nhà thứ 2, còn thầy cô chẳng khác nào người thân, luôn sẵn sàng giúp đỡ mỗi khi tôi gặp khó khăn” – Việt Anh tâm sự.

Với sự động viên, giúp đỡ của thầy cô cùng những nỗ lực của bản thân, ngày ra trường, Việt Anh đã cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp xếp loại Giỏi. Trong khoá học, cô đã giành được 1 học bổng loại Khá, 2 học bổng loại Giỏi, 1 học bổng loại Xuất sắc. Cùng với đó là 6 giấy khen của trường Đoàn trường CĐSP Điện Biên và 1 Bằng khen của Ban Chấp hành ĐTN tỉnh Điện Biên cùng nhiều giải thưởng tham gia tại các hội thi.

Chọn lối đi riêng

Năm 2016, sau khi tốt nghiệp ra trường, hơn ai hết, mẹ là người muốn cô xin vào làm việc tại một cơ quan nhà nước với mong muốn sau này ổn định, cuộc sống sẽ an nhàn.

Thế nhưng, là người có nhiều hoài bão lại yêu thích sự sáng tạo, Việt Anh luôn muốn tạo ra cho mình một sự nghiệp riêng, tự chủ về thời gian, độc lập về kinh tế. Chính vì thế,cô đã ấp ủ xây dựng cho mình một nhóm trẻ tư thục.

“Mục tiêu đã đặt ra, kế hoạch đã xây dựng, mọi thứ tươi đẹp được vạch sẵn ở phía trước. Nhưng sự khó khăn thì còn nhiều vô cùng vì tôi ra trường với tài khoản 0 đồng” – Việt Anh kể.

Cô cùng trẻ tham gia hoạt động trải nghiệm gói bánh chưng.

Cô cùng trẻ tham gia hoạt động trải nghiệm gói bánh chưng.

Từ giữa năm 2016 đến cuối năm 2017, cô dường như làm tất cả mọi nghề miễn là kiếm ra tiền một cách chính đáng. Ban ngày đi dạy thuê cho một trường tư thục, tối tối đẩy xe hàng rong bán nước dọc quảng trường. Cũng có lúc cô mở quán ăn, bán thịt nướng, tranh thủ chiều về lại đi bưng bê, bán kem, nấu từng nồi canh cua ra cửa bán, muối từng quả cà, cất từng mớ rau về đi ship…

Đến gần cuối năm 2017, khi tích góp được một số vốn nhất định, cô đã quyết định mở một nhóm lớp nhà trẻ với cái tên “Nhóm trẻ Đam Mê”.

Chia sẻ về tên của Nhóm trẻ, Việt anh cho biết: “Khác với những nhà trẻ khác, cái tên Đam Mê được em nghĩ đến và đặt nó làm thương hiệu riêng cho mình. Bởi đó là những khát khao, là ước muốn được làm công việc mình thích khi học ngành mầm non”.

Nhóm trẻ bắt đầu từ con số 6 học sinh lớp nhà trẻ. Cô luôn cố gắng sáng tạo, tìm tòi, học hỏi, đúc rút kinh nghiệm qua từng giờ dạy, ngày dạy để có thể thu hút, tạo niềm tin của phụ huynh trong việc gửi trẻ. Cô có phương châm: “lấy công làm lãi” và có lãi quay trở lại đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp thiết bị.

Cô đã tiếp mở rộng quy mô nhóm, lớp. Đa dạng các dịch vụ, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Từ đó, có nhiều dịch vụ chất lượng cao đáp ứng nhu cầu đa dạng hơn của mọi tầng lớp nhân dân như: đưa đón trẻ, tắm giặt, đón sớm và trông muộn, trông trẻ các ngày nghỉ, lễ…

Những cô giáo của Nhóm trẻ đam mê.

Những cô giáo của Nhóm trẻ đam mê.

Cô Cà Thị Hồng, giáo viên của Nhóm trẻ đam mê chia sẻ: “Việt Anh là cô giáo tâm huyết, luôn đam mê với nghề. Cô đã tạo cho chúng tôi, những giáo viên trẻ có cơ hội để theo đuổi đam mê với nghề nuôi dạy trẻ. Cô cũng luôn gần gũi, chia sẻ để chúng tôi có thể cùng nhau đưa Nhóm trẻ Đam mê phát triển hơn nữa”.

Cũng theo cô Hồng, để tiếp tục thu hút trẻ đến lớp, Việt Anh luôn chỉ đạo nhóm trẻ Đam Mê đổi mới phương pháp chăm sóc giáo dục trẻ, bám sát chương trình giáo dục mầm non. Bên cạnh đó áp dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến trên thế giới: Steam, Montessori, Glenn Doman, phương pháp giáo dục sớm, giáo dục kĩ năng sống…

Cùng với thời gian, Nhóm trẻ cũng xây dựng được uy tín, tạo dựng được lòng tin đối với phụ huynh, là nơi yên tâm để phụ huynh gửi gắm con trẻ. Đến năm học 2023 – 2024, cô đã có một nhóm trẻ khang trang, cơ sở vật chất, đồ dùng, thiết bị đầy đủ và nhiều dịch vụ tiện tích cho phụ huynh khi gửi con, em mình.

Đến nay, tổng diện tích của nhóm trẻ gần 300m2. Số trẻ duy trì trong năm học 40 trẻ và 6 giáo viên. Vào dịp hè, số trẻ tăng lên khoảng 70, cô cũng hợp đồng thêm giáo viên, nhân viên để chăm sóc trẻ.

Chân dung cô Nguyễn Thị Việt Anh.

Chân dung cô Nguyễn Thị Việt Anh.

Xác định việc học là không có điểm dừng, năm 2020, cô tiếp tục quay lại trường CĐSP Điện Biên để đăng kí học liên thông lên đại học. Bên cạnh đó, cô đăng kí thêm các khóa học bổ trợ khác nhau để có thể lĩnh hội những kiến thức, trau dồi và tích lũy những kinh nghiệm cũng như trải nghiệm cho nghề của mình.

“Để có được như ngày hôm nay, tôi luôn cảm ơn những thầy cô của trường CĐSP Điện Biên đã động viên, giúp đỡ. Cuộc sống có vô vàn khó khăn, nhưng điều quan trọng là bản thân luôn phải biết cố gắng, vượt lên chính mình. Tôi luôn thầm cảm ơn những sự khó khăn ấy, vì chính nó đã tạo nên tôi - một con người mạnh mẽ và quyết tâm” – Việt Anh trải lòng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ