Vì vậy công việc này đòi hỏi sức khỏe dẻo dai, sự cống hiến, nhiệt huyết, nỗ lực học hỏi và nhạy bén trong ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng.
Đòi hỏi sức khỏe tốt
Góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ GD&ĐT đề xuất bổ sung giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi so với quy định. Theo PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT), quy định của Luật Giáo dục và Điều lệ trường mầm non, nhiệm vụ của giáo viên mầm non là nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 3 - 6 tháng tuổi.
Như vậy, với trẻ mầm non đòi hỏi người nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phải tập trung cao độ suốt quá trình trẻ sinh hoạt tại trường, lớp để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Do đó, trong hoạt động nghề nghiệp, giáo viên mầm non chịu nhiều áp lực, ức chế tâm lý, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe thể chất và tinh thần.
Bộ luật Lao động hiện hành quy định tuổi nghỉ hưu tăng theo lộ trình để đạt 62 tuổi với nam vào năm 2028 và 60 tuổi với nữ vào năm 2035. Theo đề xuất mà Bộ GD&ĐT đưa ra, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non sẽ là 57 với nam và 55 với nữ.
Có con trai học mẫu giáo đồng thời là giáo viên tiểu học, chị Nguyễn Bích Ngọc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), bày tỏ đồng cảm, thấu hiểu trước những vất vả của giáo viên mầm non. “Nhiều học sinh khi bước vào lớp 1 đã có ý thức tốt về nền nếp sinh hoạt; biết lắng nghe thầy cô, hòa đồng với bạn bè, thực hiện các quy định mà cấp học mới yêu cầu. Đó chắc chắn là kết quả từ sự nuôi dưỡng, giáo dục không chỉ của gia đình, mà còn của cô giáo mầm non”, chị Ngọc chia sẻ.
Theo chị Ngọc, để dạy dỗ trẻ mầm non, trước hết, thầy cô phải xem các bé như con mình; biết lắng nghe, thấu hiểu và tinh tế với tình huống các em gặp phải. Đồng thời, thầy cô phải chuẩn bị bài học hấp dẫn, sáng tạo đồ dùng học tập hay, đa dạng phương pháp giáo dục để trẻ ghi nhớ và hình thành thói quen. Muốn làm được điều đó, giáo viên phải hy sinh thời gian cá nhân, sáng tạo, tháo vát trong công việc cùng khả năng chịu đựng áp lực lớn. Những tố chất, đặc điểm trên phù hợp hơn với giáo viên trẻ.
Chị Ngọc lấy ví dụ, trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng nổ, không chỉ học sinh phổ thông chuyển sang học trực tuyến, một số trường mẫu giáo, thầy cô cũng quay video xoay quanh các nội dung hướng dẫn trẻ vệ sinh thân thể, học đánh vần, làm quen con số... để hỗ trợ phụ huynh chăm sóc, hướng dẫn tại nhà.
Tại trường mầm non con chị Ngọc theo học, giáo viên chủ nhiệm là cô giáo ngoài 30 tuổi nên việc tiếp cận công nghệ nhanh nhạy. Cô không chỉ quay video, mà còn chia sẻ nhiều thông tin hữu ích qua nhóm Zalo chung, thường xuyên trao đổi cùng phụ huynh, tháo gỡ khó khăn khi trẻ ở nhà lâu ngày. “Con được cô giáo trẻ nhiệt tình, chịu khó chăm sóc, dạy bảo như vậy vợ chồng tôi cũng yên tâm. Vì vậy, tôi ủng hộ đề xuất giáo viên mầm non nghỉ hưu sớm 5 năm và mong kiến nghị sớm được triển khai”, chị Ngọc chia sẻ.
Giáo viên mầm non quay video hỗ trợ phụ huynh chăm sóc trẻ tại nhà trong giai đoạn dịch Covid-19. |
Nhạy bén với thời đại số
Ý kiến của chị Ngọc cũng là tâm tư của chị Phạm Thiên Lý, 37 tuổi (quận Tân Bình, TPHCM). Chị Lý có 3 con, trong đó bé ít tuổi nhất học mẫu giáo, chị Lý chia sẻ: “Việc chăm sóc 3 con cùng lúc khiến tôi cảm thấy rất vất vả. Giáo viên mầm non một lúc phải chăm sóc 20 – 30 trẻ, thậm chí có lớp 40 cháu thì không biết áp lực lớn đến đâu. Vì vậy, tôi mong khi con đi học sẽ được vào lớp của giáo viên trẻ có sức khỏe tốt, giàu kinh nghiệm”.
Nhìn nhận giáo viên mầm non là nghề đặc thù, nhiều áp lực, chị Lý cho rằng công việc này thích hợp với người có sức khỏe, tinh thần nhiệt huyết, và đặc biệt có mong muốn cống hiến cho công việc.
Chị Nguyễn Thị Lê Chi, 32 tuổi (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: Trường mầm non không chỉ chăm sóc trẻ, mà là môi trường ban đầu nuôi dưỡng tính cách, phẩm chất phù hợp với thời đại công nghệ số. Lớp giáo viên trẻ nhạy bén, nhiều ưu điểm hơn so với lớn tuổi khi tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc.
Chị Chi cũng cho rằng, không thể phủ nhận giáo viên có thâm niên nghề nghiệp sẽ giàu kinh nghiệm nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ. Đây là những kinh nghiệm được thầy cô chắt chiu, tích luỹ suốt một đời đi dạy cùng tình yêu nghề tha thiết. Nhưng cũng không ít giáo viên lớn tuổi khó khăn khi bắt nhịp với xu thế đổi mới của ngành Giáo dục.
Hơn nữa, giáo viên mầm non cần linh hoạt để tổ chức các hoạt động vui chơi, múa, ca hát... càng đòi hỏi sức khỏe, cơ thể dẻo dai, hoạt bát. Giáo viên tuổi càng cao, sức khỏe càng giảm, vận động không còn nhanh nhẹn nên sẽ hạn chế từ bao quát lớp học đến chăm sóc trẻ.
Thời gian này, chị Chi thường xuyên cập nhật tin tức về kiến nghị của Bộ GD&ĐT cho phép giáo viên nghỉ hưu sớm 5 năm so với quy định. Từ thực tế trên, phụ huynh này nhìn nhận việc điều chỉnh là phù hợp. Điều này cũng cho thấy sự quan tâm, lắng nghe của các cấp chính quyền trước khó khăn của đội ngũ giáo viên mầm non. “Giảm tuổi nghỉ hưu là sự động viên để giáo viên gắn bó với nghề, phụ huynh yên tâm, tin tưởng gửi gắm con tới lớp…”, chị Chi bày tỏ.
Ở bậc phổ thông, giáo viên càng lớn tuổi càng được học sinh kính trọng, phụ huynh tin tưởng bởi giàu kinh nghiệm, kiến thức và có phương pháp truyền thụ hiệu quả. Nhưng ở bậc mẫu giáo, giáo viên trẻ tuổi, biết nhảy múa, ca hát lại dễ dàng được trẻ quấn quýt, yêu mến. Khi cho con đi học, tôi luôn muốn cháu vào môi trường vui vẻ, năng động, giáo viên thoải mái vui chơi cùng con. - Chị Phạm Thiên Lý