Giúp lao động ở nước ngoài chuyển tiền về nước
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vừa công bố dịch vụ mới có tên là: “Saver Asia”. Đây là một công cụ kỹ thuật số miễn phí giúp người lao độnglàm việc ở nước ngoài có thể so sánh các chi phí chuyển tiền để có thể tìm được một mức phí tốt nhất. “Saver Asia” giúp người lao động làm việc ở nước ngoài gửi tiền về trong nước một cách thuận tiện với chi phí phù hợp hơn. Trang thông tin này được Viện Phát triển Thị trường (DMA) phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) xây dựng thông qua Chương trình Tam giác ASEAN, với sự hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao - Thương mại Australia và Cơ quan Các vấn đề toàn cầu của Canada. Chi phí trung bình cho việc chuyển tiền trong khu vực giao động từ 3% - 20%, tùy thuộc đơn vị cung cấp dịch vụ.
Đào tạo kỹ năng chăm sóc người cao tuổi
Trung tâm Đào tạo cán bộ Chữ thập đỏ Việt Nam vừa phối hợp với Công ty Phát triển đào tạo nguồn nhân lực châu Á, tổ chức Lễ khai giảng Chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chăm sóc người cao tuổi (đào tạo Kaigo). Đây là khóa học đầu tiên được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức nhằm nâng cao chất lượng nhân lực đào tạo nói chung, nhân lực chăm sóc người cao tuổi nói riêng; đồng thời phát triển mô hình đào tạo này ra toàn hệ thống hội. Phục hồi chức năng hỗ trợ tự lập cho người cao tuổi là thành tựu lớn của Nhật Bản được cả thế giới công nhận và đánh giá cao. Do đó, chương trình đào tạo của Hội Chữ thập đỏ được tiếp cận và áp dụng tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả cao.
96% phụ nữ giúp việc gia đình chưa qua đào tạo
Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng, lao động giúp việc gia đình tại Việt Nam có tới trên 98% là phụ nữ, trong đó có tới trên 96% lao động giúp việc chưa qua đào tạo. Khoảng 77% lao động chỉ học vấn từ tiểu học đến THCS. Đa số người giúp việc gia đình chưa tiếp cận được với các thông tin pháp luật nên chưa hiểu hết về quyền lợi của mình. Có đến 97% lao động giúp việc không tham gia bảo hiểm xã hội; trên 91% không có lương hưu hoặc trợ cấp thường xuyên, chỉ có 19,5% có bảo hiểm y tế. Cũng theo khảo sát, gần 90% lao động giúp việc gia đình đang làm việc mà không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người sử dụng lao động, nên không có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng.