Xây dựng tác phong chuyên nghiệp
Dù thị trường tại nước ngoài liên tục tăng trưởng trong vài năm trở lại đây, nhưng theo nhiều chuyên gia, chất lượng, tác phong của lao động Việt Nam vẫn là điểm cần phải sửa, thay đổi và định hình. Theo bà Vân Hà - Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông Cục Quản lý lao động Bộ LĐ,TB&XH, 4 thị trường lao động tiềm năng là Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu.
Trong đó đáng chú ý là thị trường Nhật Bản, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. “Nếu như 5 năm trước đây, mỗi năm Việt Nam chỉ có 5.000 lao động sang Nhật thì nay tăng rất cao, dù Nhật Bản là thị trường cực kỳ khó tính nhưng chúng ta vẫn đáp ứng được. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta đánh giá cao chất lượng lao động của Việt Nam khi ra nước ngoài làm việc. Bởi thực tế, phần lớn vẫn là lao động phổ thông. Những thị trường khác ở châu Âu như Đức, Tây Ban Nha hay Úc ngoài kỹ năng nghề nghiệp chưa cao thì khả năng ngoại ngữ vẫn là điểm yếu của lao động Việt Nam” – bà Hà nói.
PGS.TS Trần Văn Thiện - Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến nhìn nhận những năm qua, Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế, không chỉ về thị trường hàng hóa, vốn mà cả thị trường lao động.
Theo PGS.TS Trần Văn Thiện hiện số lao động Việt Nam làm việc tại các quốc gia khác trên thế giới lên đến gần 500.000 người, mỗi năm mang về cho đất nước khoảng 2 tỉ USD. Lượng ngoại tệ này không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho từng cá nhân, gia đình, mà còn mang lại giá trị cực lớn về cơ hội huấn luyện, đào tạo nghề nghiệp cho người lao động.
“Khi ra ngoài làm việc, họ mang về tác phong công nghiệp, thay đổi những thói quen cũ, kìm hãm sự phát triển của kinh tế. Vì thế thời gian tới, khi nhu cầu tăng lên, chúng ta không còn dựa vào lợi thế lao động phổ thông giá rẻ, mà phải nâng cao chất lượng, giá trị xuất khẩu, hình ảnh dân tộc, thương hiệu lao động, con người Việt Nam. Đặc biệt, cần tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia mà chúng ta cử người đến lao động, làm việc” - PGS.TS Trần Văn Thiện nhấn mạnh.
Việt Nam phải cố gắng gửi lao động có chất lượng, đáp ứng những thị trường khó tính; Tập trung tìm giải pháp hướng đến đào tạo nghề nghiệp và giáo dục thói quen, giúp lao động dễ dàng thích ứng với công nghệ, kỹ thuật cao, văn hóa của nước sở tại.
Giải pháp nâng chất lượng
Theo ThS nghiên cứu sinh Nguyễn Duy Cường - Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Văn Hiến, để nâng cao chất lượng nguồn lao động, bản thân các cơ sở giáo dục phải tự đặt vấn đề: Đào tạo như thế nào để học viên có thể đi xuất khẩu lao động được? Cá nhân ông cho rằng, phải đào tạo theo nhu cầu xã hội, yêu cầu của thị trường, hay theo đặt hàng của doanh nghiệp.
“Xây dựng chương trình đào tạo cũng phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, từ đó mới xác định dạy gì, kiến thức, thực hành ra sao. Quá trình thiết kế đào tạo phải bài bản trên cơ sở chuyên môn của doanh nghiệp. Vì vậy, đào tạo theo nhu cầu xã hội sẽ nâng cao cả 2 mặt lượng và chất cho xuất khẩu lao động của Việt Nam” – ThS Cường nói.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và Thị trường TPHCM cũng cho rằng, xuất khẩu lao động là chiến lược lớn của quốc gia. Theo ông Tuấn, trước khi lựa chọn ngành nghề, học viên phải tự mở mang kiến thức, chọn nghề sao cho phù hợp. Thông tin về xuất khẩu lao động rất ít, không được phổ biến rộng rãi trong các trường phổ thông. Do đó, người lao động phải có tính toán khi quyết định đi xuất khẩu.
Tại hội thảo, ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho rằng: Người lao động cần phải được trang bị các kỹ năng mềm, tác phong lao động và văn hóa ứng xử. Vì lẽ đó, trong chương trình giáo dục định hướng việc làm tại trường, nhà trường xây dựng theo chu trình Learn – Built – Measure để có thể nhanh chóng cập nhật phù hợp với thực tế dựa trên một mục tiêu cuối cùng là hình thành kỹ năng cho SV sau khi tốt nghiệp.
Cho rằng người lao động có nhu cầu làm việc ở nước ngoài cần chuẩn bị tâm thế, PGS.TS Nguyễn Minh Đức - Tập đoàn Hùng Hậu khẳng định, nhà trường và doanh nghiệp cần định hướng, hỗ trợ SV. “Chúng ta nên xem việc đi làm ở nước ngoài là hội nhập quốc tế, chứ không phải xuất khẩu lao động. Đừng nghĩ đưa đi rồi đưa về là có công việc tốt, mà cần có tâm thế đủ sự chuẩn bị, kỹ năng làm việc” - PGS.TS Nguyễn Minh Đức chia sẻ.