Chính sách ý nghĩa giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Công tác giảm nghèo luôn được tỉnh Điện Biên quan tâm bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người nghèo

Nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số được hỗ trợ vay vốn để thoát nghèo
Nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số được hỗ trợ vay vốn để thoát nghèo

Đầu tư trọng điểm

Huyện Nậm Pồ, Điện Biên nằm trong danh sách các huyện nghèo nhất nước, tỷ lệ nghèo còn tới 67,97%. Nhưng thời gian qua, nhờ được thụ hưởng nhiều chương trình, chính sách về xóa đói giảm nghèo mà đời sống của người dân từng bước được cải thiện.

Các chương trình hành động cụ thể được thực hiện ở huyện Nậm Pồ như: hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, chính sách hỗ trợ nhà ở, tạo việc làm mới cho người lao động. Ngoài ra, huyện còn phân bổ vốn tín dụng ưu đãi về các xã để kịp thời giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến hộ nghèo và các đối tượng với số tiền 60,119 tỷ đồng.

Khi được vay vốn các hộ vay đều sử dụng vốn vay có hiệu quả, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Điển hình là gia đình ông Vàng A Là, sinh sống tại xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ. Từng là hộ nghèo, gia đình ông đã mạnh dạn vay vốn, phát triển chăn nuôi gia súc. Đến nay gia đình ông đã thoát nghèo, trở thành hộ khá giả với thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm.

Còn đối với nhiều bà con dân tộc ở huyện Mường Chà, Trưởng bản Huổi Ho Lý A Dính là tấm gương sáng về thoát nghèo ở địa phương. Không muốn là gánh nặng cho Nhà nước, nên dù cuộc sống chưa thực sự no đủ nhưng ông Dính đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo.

Được sự động viên, khích lệ của chính quyền, ngoài tích cực chăm sóc 2ha lúa, ông Dính đầu tư chăn nuôi gà, trâu kết hợp với trồng gần 2ha dứa. Từ thiếu đói nhiều tháng trong năm, giờ đây gia đình đã có của ăn, của để. Thậm chí, theo dự tính năm nay gia đình ông sẽ có thu nhập khoảng 100 triệu đồng.

Nhìn gương ông Dính, các gia đình ông Lý A Phổng, ông Lý A Hờ ở bản Huổi Ho; ông Cháng A Dế ở bản Huổi Quang II; ông Vừ Chờ Nhè ở bản Huổi Cang… cũng mạnh dạn đăng ký ra khỏi hộ nghèo. Và danh sách xin thoát nghèo ở Mường Chà ngày một lớn dần thêm.

Năm 2022, Điện Biên được Trung ương phân bổ hơn 1.151 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, Chương trình Giảm nghèo bền vững 486,7 tỷ đồng; Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hơn 477,8 tỷ đồng và Chương trình xây dựng Nông thôn mới 187,47 tỷ đồng.

Nhờ nguồn đầu tư 3 chương trình, đời sống sản xuất, thu nhập của người dân và bộ mặt nông thôn tại Điện Biên có đổi thay. Đơn cử như chương trình xây dựng nông thôn mới, cuối năm nay Điện Biên sẽ có một xã cơ bản đạt nông thôn mới nâng cao; thêm 8 xã đạt chuẩn; thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn ước đạt 22 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 37%.

Với chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Điện Biên có điều kiện bố trí, sắp xếp ổn định dân cư cho khoảng 40% số hộ đang cư trú tại khu vực đặc biệt khó khăn, nơi có nguy cơ lũ úng, lũ quét, sạt lở đất thuộc 2 huyện Điện Biên Đông, Mường Chà; giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho hơn 6.000 hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Chủ động gỡ khó

Đánh giá tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển thuộc ba chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, ông Nguyễn Phi Sông- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Điện Biên nhận định: Tiến độ giải ngân vốn còn chậm so với tiến độ Trung ương giao và kế hoạch tỉnh đặt ra. Nguyên nhân bởi phần do kế hoạch vốn trung hạn và kế hoạch vốn năm 2022 giao muộn, thủ tục đầu tư phải thực hiện qua nhiều bước.

Quá trình triển khai thực tiễn thì các chủ đầu tư và địa phương đều làm theo kiểu vừa làm vừa đợi hướng dẫn từ các bộ, cơ quan chủ quản từng chương trình. Tại địa phương, việc triển khai các dự án gặp nhiều khó khăn về giải phóng mặt bằng, tác động của dịch bệnh, biến động giá nguyên vật liệu tăng, khan hiếm xăng dầu... đã ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ chung hầu hết các dự án.

Đồng tình với đánh giá của ông Nguyễn Phi Sông về nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư phát triển 3 chương trình, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô cho biết thêm: Nguyên nhân chủ quan là chủ yếu; nhất là tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện.

Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tại một số cơ quan, địa phương chưa được phát huy đầy đủ; công tác lập kế hoạch vốn chưa sát thực tế và khả năng giải ngân; công tác chuẩn bị đầu tư và tổ chức triển khai thực hiện của một số chủ đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu; sự phối hợp giữa các cơ quan có trường hợp thiếu chặt chẽ…

Yêu cầu khắc phục ngay các nguyên nhân chủ quan, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án được đầu tư từ nguồn vốn 3 chương trình, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên yêu cầu các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, tài nguyên.

Đồng thời các chủ đầu tư phải chủ động rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chuyển vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn mà còn thiếu nguồn vốn theo quy định. Với các đơn vị được giao chủ đầu tư các dự án mà có kết quả giải ngân vốn không đạt từ 95 đến 100% như kế hoạch, UBND tỉnh Điện Biên yêu cầu phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, người đứng đầu và cá nhân liên quan trong tổ chức thực hiện.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I, từ năm 2021-2025, hệ thống chính trị của tỉnh Điện Biên đã vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt việc triển khai các dự án. Trong đó, tỉnh Điện Biên đã xác định từng nội dung, nhiệm vụ cấp thiết để có giải pháp phù hợp triển khai hiệu quả theo lộ trình trong giai đoạn 2021-2025.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ