Tuyên Quang tăng cường thực hiện đề án giảm nghèo bền vững

GD&TĐ - Triển khai chương trình mục tiêu quốc gia, Tuyên Quang đang nỗ lực thực hiện các biện pháp giảm nghèo bền vững để trở thành tỉnh phát triển khá.

Một mô hình kinh tế trang trại tại huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang
Một mô hình kinh tế trang trại tại huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang

Hỗ trợ hiệu quả cho hộ nghèo

Chị Trương Thị Thành ở xã Hòa An (huyện Chiêm Hóa) cho biết: Nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ địa phương, người nghèo đã có điểm tựa vươn lên. Những năm qua, các cấp, các ngành của tỉnh đã triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ về nhiều mặt cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Việc hỗ trợ hộ nghèo được triển khai từ nhiều nguồn lực như ngân sách nhà nước, vận động xã hội hóa, lồng ghép chương trình xây dựng nông thôn mới… Riêng gia đình chị đã được hỗ trợ vốn vay ưu đãi đã đầu tư nuôi 30 con lợn thương phẩm và dần có cuộc sống ổn định, ấm no.

Gia đình chị Hoàng Thị Thuần, dân tộc Tày, ở xã Năng Khả (huyện Na Hang) là hộ tái định cư, rất khó khăn vì không có nghề nghiệp ổn định. Năm 2017, gia đình chị được tạo điều kiện vay vốn ngân hàng thông qua tổ vay vốn của thôn với số tiền 50 triệu đồng.

Chị Thuần cho biết, từ sự hỗ trợ trên đã giúp gia đình chị đầu tư phát triển mô hình nuôi gà đẻ, nuôi lợn thịt, biết áp dụng kiến thức phòng bệnh cho vật nuôi hiệu quả. Mô hình chăn nuôi của chị phát triển tốt, đem lại thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm, từ đó vươn lên thoát nghèo.

Theo báo cáo UBND tỉnh Tuyên Quang, toàn tỉnh hiện có 50.033 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 23,45% và 16.749 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 7,85% (chiếu theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022-2025).

Số hộ nghèo chủ yếu tập trung tại các huyện, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, các huyện Lâm Bình, Na Hang có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh với tỷ lệ 37,32%; 163 hộ nghèo thuộc diện chính sách người có công với cách mạng, chiếm tỷ lệ 0,33% so với tổng số hộ nghèo.

Những năm qua, việc triển khai tổ chức thực hiện kịp thời các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, giảm nghèo đã tác động mạnh mẽ, giúp đời sống vật chất, tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện; an ninh trật tự trên địa bàn được đảm bảo. Đến nay, 100% số xã có đường giao thông và mạng lưới quốc gia đến trung tâm xã; 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo đạt 100%.

Theo số liệu báo cáo của các huyện, thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2022, Tuyên Quang đã tạo việc làm cho 13.751 lượt người, đạt 64% kế hoạch. Trong đó: việc làm trong các ngành kinh tế tại tỉnh 7.839 người, đạt 54% kế hoạch; làm việc tại các tỉnh, thành phố trong nước 3.388 người, đạt 52,1% kế hoạch; 131 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 27,9% kế hoạch.

Nguyên nhân vẫn còn nhiều hộ nghèo là do vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, địa hình các huyện vùng cao, các xã đặc biệt khó khăn, số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn ít, doanh thu nhỏ, chưa thu hút được nhiều lao động. Ngoài ra, một số hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có ý thức nỗ lực, cố gắng vươn lên, trình độ sản xuất, thâm canh còn hạn chế, chưa chủ động tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Cô trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Kiên Đài (huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang)

Cô trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Kiên Đài (huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang)

Đề án giảm nghèo bền vững

Nhận thức được tầm quan trọng trong việc giảm nghèo bền vững, tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu chung tỷ lệ hộ nghèo chung giảm bình quân trên 3%/năm, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số và tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân từ 4% trở lên. Ngoài ra, đến năm 2023 sẽ không còn người có công thuộc chính sách là hộ nghèo.

Ông Hoàng Việt Phương- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết: Triển khai hiệu quả Đề án qua đó phát huy được vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị, sự vào cuộc của toàn xã hội trong công tác giảm nghèo bền vững, tạo sự chuyển biến nhanh về đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, nhất là người dân ở các huyện nghèo, khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành xây dựng Kế hoạch chi tiết, cụ thể để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án; căn cứ Kế hoạch và chức năng nhiệm vụ được giao, các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương tổ chức thực hiện Đề án gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đảm bảo hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế.

Triển khai đồng bộ, lồng ghép các nhiệm vụ giải pháp để đem lại hiệu quả cao trong việc thực hiện Đề án. Từ tỉnh đến cơ sở phân công địa bàn phụ trách cụ thể; giao trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo có địa chỉ.

Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án giảm nghèo bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021- 2025 đề ra. Cụ thể, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 19.310 hộ đầu năm 2022 xuống còn 8.571 hộ vào cuối năm 2025 đối với số hộ nghèo thiếu vốn và giảm từ 9.992 hộ đầu năm 2022 xuống còn 3.527 hộ vào cuối năm 2025 đối với hộ nghèo do thiếu phương tiện sản xuất.

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác giảm nghèo; truyền thông, vận động để làm thay đổi nhận thức của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và các hộ nghèo về ý chí tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo; biểu dương, khen thưởng các hộ nghèo có nhiều nỗ lực điển hình trong vươn lên thoát nghèo bền vững.

Cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo bền vững; trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từ tỉnh đến cơ sở cần xác định mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm, giai đoạn là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nêu cao vai trò và gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện công tác giảm nghèo.

Căn cứ vào các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Đề án, các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch giai đoạn, hằng năm đảm bảo phù hợp theo mục tiêu chung; nghiên cứu các giải pháp cụ thể thiết thực của đơn vị, địa phương để thực hiện Đề án có hiệu quả. Kịp thời tham mưu và ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn liên quan đến công tác giảm nghèo trên địa bàn toàn tỉnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ