Người khuyết tật lan toả khát vọng xoá đói giảm nghèo tại địa phương

GD&TĐ -Nhiều thanh niên đã vượt qua mặc cảm để vươn lên. Họ không chỉ giúp ích cho chính mình mà còn lan toả khát vọng cống hiến, vươn lên thoát nghèo.

Người khuyết tật lan toả khát vọng xoá đói giảm nghèo tại địa phương

Chú trọng giảm nghèo trong thanh niên

Anh Trịnh Tiến Toàn sinh ra không may mắn như bao đứa trẻ khác khi bị khuyết tật sứt môi hở hàm ếch bẩm sinh. Vì thế, anh luôn mang trong mình tâm lý mặc cảm với ngoại hình như vậy.

Vượt qua nghịch cảnh, anh đã phấn đấu vươn lên trong học tập để sau này có một công việc ổn định lo cho cuộc sống. Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư Phạm Hà Nam, anh Toàn mang hồ sơ đi xin việc nhưng không xin được việc đúng theo chuyên ngành được đào tạo. Thời gian đó, anh chấp nhận làm việc trái ngành nghề để mưu sinh như phụ hồ, bán kem, làm may, làm Công ty giấy… .

Sau một thời gian, anh được người bạn giới thiệu vào Công ty cổ phần viễn thông - Tin học Bưu điện thử việc. Với anh, đây là một quá trình vất vả khó khăn, nhưng bằng sự cố gắng phấn đấu nỗ lực trong công việc, anh được ký hợp đồng chính thức và gắn bó với công việc được 5 năm. Công việc ổn định, mức lương tương đối tốt giúp anh đủ trang trải cho cuộc sống gia đình và anh có thể toàn tâm tham gia vào các công tác xã hội.

Thời điểm này, anh Trịnh Tiến Toàn nghĩ tới cần phải có giải pháp gắn kết hoạt động xã hội với xoá đói giảm nghèo tại địa phương. Trong đó, ưu tiên phát triển kinh tế xã hội thông qua đào tạo nghề cũng như thúc đẩy khởi nghiệp.

Trang trại gà phát triển kinh tế của anh Trịnh Tiến Toàn

Trang trại gà phát triển kinh tế của anh Trịnh Tiến Toàn

Đầu năm 2015, anh Toàn đã tham gia vào Hội người khuyết tật huyện Thanh Liêm tỉnh Hà Nam. Anh được bầu làm ủy viên Ban chấp hành của Hội. Điều đó đã giúp anh được hòa nhập vào một cộng đồng không còn mặc cảm, tự tin hơn. Trong năm đó, anh đã vận động được 36 hội viên trong xã tham gia vào hội, trong đó có nhiều hộ thuộc diện nghèo và cần nghèo. Đồng thời, anh xin Sở nội vụ tỉnh Hà Nam quyết định cho thành lập hội người khuyết tật xã Thanh Hương và đã được hội viên tín nhiệm bầu làm Chủ tịch.

Năm 2018, với sự nỗ lực của bản thân, sự quan tâm giúp đỡ của Hội và bạn bè, hiện nay ngoài việc công việc chính, anh Toàn đã xây dựng thêm trang trại chăn nuôi gà. Khởi đầu, anh nuôi 4.000 con gà/1 lứa và đã có những thành công. Đồng thời đã kết nối tạo công ăn, việc làm đến với người khuyết tật trong huyện với mức lương 5 triệu đồng/1 người/1 tháng.

Năm 2019, anh mở rộng thêm quy mô và có kết hợp với Công ty chăn nuôi JAPFA Việt Nam. Công ty đã hỗ trợ đầu vào và đầu ra. Vì thế, anh mạnh dạn đầu tư trang trại nuôi 15 nghìn con gà/1 lứa x 4 lứa/1 năm. Năm 2020, anh nuôi 30 nghìn con/1 lứa x 4 lứa/1 năm; Năm 2021 anh nuôi 45 nghìn con/1 lứa x 4 lứa/1 năm.

Năm 2021 anh đã cùng ban vận động đi vận động các thanh niên từ các huyện để thành lập nên CLB thanh niên khuyết tật, đặc biệt chú trọng tới việc xoá đói giảm nghèo trong các hộ gia đình thanh niên.

Trong quá trình vận động bước đầu cũng rất khó khăn, nhiều thanh niên mặc cảm, rụt rè. Nhưng anh Toàn đã động viên, thuyết phục mọi người tham gia để xóa đi mặc cảm. Hơn nữa, những hoạt động tại CLB đã tạo nên một sân chơi riêng, có nhiều mô hình hay để học hỏi và hỗ trợ nhau tạo công ăn, việc làm, tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Được sự kết nối từ Hội LHTN, Đoàn Thanh niên tỉnh, CLB đã xin được 10 chiếc xe lăn để đi trao tặng, tạo động lực và lan tỏa tới các bạn thanh niên khuyết tật, giúp các bạn tự tin hòa nhập cộng đồng, không còn mặc cảm. Hiện, CLB luôn là mái ấm, là điểm tựa để hỗ trợ, tạo công ăn việc làm và là nơi để các bạn chia sẻ, vui chơi và sinh hoạt. Nhiều hộ thanh niên đã được học hỏi cách làm, trao đổi sản phẩm nên đã vươn lên thoát nghèo.

Mục tiêu xoá sổ hộ nghèo tại địa phương

Anh Nguyễn Đức Anh được sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông nhưng không được may mắn như bạn bè cùng trang lứa bởi vì anh bị khuyết tật từ nhỏ. Lên 3 tuổi, chân tay teo tóp đi lại khó khăn sau một cơn sốt kéo dài. Mặc dù gia đình đã chạy chữa khắp nơi nhưng chân bên trái vẫn bị yếu, đi lại rất khó khăn.

Năm 2005, anh lập gia đình và sinh được 2 cháu một trai, một gái thì một tai họa ập đến, cướp đi người vợ hiền hậu khiến anh trở thành người cha khuyết tật gà trống nuôi con. Sau 1 năm trời sống trong đau khổ và tuyệt vọng, cuối cùng anh cũng vượt qua, trở về cuộc sống bình thường mang theo gánh nặng gia đình, hai con đang tuổi ăn, tuổi học mà anh không có khả năng lao động. Một chân và một tay bị yếu, run, đứng không thẳng được.

Nỗi đau về thể xác chỉ là một phần, còn nỗi đau tinh thần thì không ai có thể lột tả hết được. Nhiều lúc anh nghĩ sống như vậy thà chết còn hơn nhưng nhìn 2 đứa con thơ cần người nương tựa, nghĩ đến gia đình, anh em, bạn bè luôn quan tâm, giúp đỡ trong những lúc khó khăn, cùng cực nhất khiến anh suy nghĩ lại và trở nên mạnh mẽ hơn, quyết tâm hơn.

Sau một thời gian học nghề, bằng nỗ lực không ngừng nghỉ cùng với năng khiếu của bản thân, anh đã thành thạo với công việc và quyết định về quê lập nghiệp, kết hợp mở rộng chăn nuôi. Nhận được sự giúp đỡ từ gia đình, người thân và bạn bè, đặc biệt là sự hỗ trợ tích cực từ Huyện Đoàn Hiệp Hòa, Hội liên hiệp thanh niên tỉnh Bắc Giang, Tổ nghề do anh làm chủ đã nhận được công việc gia công linh kiện điện tử, hoa giấy, vòng gỗ ....

Cơ sở việc làm của anh Nguyễn Đức Anh đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người.

Cơ sở việc làm của anh Nguyễn Đức Anh đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người.

Đến nay, sau gần 6 năm, cơ sở việc làm của anh đã tích lũy cho mình những giá trị nhất định và kinh nghiệm tạo ra sản phẩm hoa giấy, đồ handmade, đẹp giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Không những thế, anh còn chia sẻ những kinh nghiệm đó cho anh em, bạn bè thanh niên khuyết tật trong tổ nghề, mong muốn mọi người cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho bản thân, gia đình và quê hương.

Hiện, nhờ sự giúp đỡ về đào tạo nghề, hỗ trợ đầu ra cho các hộ dân, hàng chục gia đình cận nghèo đã được “xoá sổ”. Thu nhập bình quân hàng tháng khoảng hơn chục triệu đồng. Chưa kể đến, có việc làm, thoát nghèo, nhiều thanh niên, học sinh chú tâm vào việc học, tránh xa các tệ nạn xã hội.

Thời gian tới, anh Nguyễn Đức Anh đặt ra mục tiêu giúp đỡ được nhiều thanh niên tại địa phương có công ăn việc làm ổn định, tiến tới xoá sổ hộ nghèo cho các gia đình trong huyện. Luôn tự tin, tích cực, phấn đấu trở thành con người cống hiến thật nhiều cho quê hương, cho xã hội, anh là một một tấm gương “Tàn nhưng không phế”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ