Xuống núi đối diện cùng thách thức
Xã ven biển Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) cách trung tâm huyện 25 km, có 2 thôn Cầu Gãy, Đá Hang. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Cầu Gãy, ông Cao Văn Đen cho biết những năm 90 thế kỷ trước, người Raglai du canh du cư ở độ cao trên 400m so với mực nước biển, cách nơi ở hiện tại khoảng 2km. Tất cả sống lang bạt, không cố định trên sườn Núi Chúa, người dân đào củ rừng ăn qua ngày, hoặc di cư xa kiếm ăn.
Năm 1997, có 10 hộ dân đồng bào Raglai cùng xuống núi. Việc tiếp cận ra thế giới bên ngoài của họ chỉ nhờ vào cây cầu gỗ bắc qua suối Lồ Ồ. Vào mùa mưa suối hung dữ, trong một trận mưa nước suối đánh hỏng cây cầu nên từ đó thôn có tên Cầu Gãy.
Khi mới xuống núi, người dân Raglai tập nói tiếng Kinh nhưng còn cứng. Dần dần được giao tiếp nhiều với cán bộ người kinh, bộ đội về thôn giúp dân học đọc viết, phát triển kinh tế, khám chữa bệnh… thì không chỉ kiến thức nâng lên mà tiếng nói đã lưu loát.
Hiện thôn Cầu Gãy có tổng số 92 hộ với hơn 340 khẩu, 100% người Raglai, 13 Đảng viên (Đảng viên ít tuổi nhất là 30, lớn nhất 70). Có gần 50% hộ thuộc hộ nghèo, nghề chính của người dân là chăn nuôi, trồng trọt. Thu nhập bình quân khoảng 500-600 nghìn/tháng. Tình trạng mù chữ đã được Đồn biên phòng Vĩnh Hải xóa bỏ, song còn một tỉ lệ nhỏ người cao tuổi tái mù.
Thôn Cầu Gãy xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) với 100% người dân tộc Raglai |
“Người dân thôn Cầu Gãy vất vả, đi làm thuê làm mướn ở nhiều nơi. Người ở lại mưu sinh chỉ dựa vào thiên nhiên, nhưng ở đây thiên nhiên khắc nghiệt với lượng mưa thấp, nắng nóng quanh năm, thiếu nước vào mùa khô, mặt bằng dân trí thấp nên quá trình sản xuất vô cùng khó khăn.
Mặt khác, diện tích đất sản xuất thôn ít. Đất đồi núi chỉ trồng được cây điều mỗi năm 1 vụ thu hoạch nhưng không đều, khi được khi mất mùa. Để tăng thêm thu nhập, hiện nay một số bà con kiếm thêm bằng cách đi lấy mật ong, trái bần hòn bán buôn cho thương lái...”, ông Cao Văn Đen chia sẻ.
Tại thôn Đá Hang đời sống, kinh tế cũng khó khăn tương tự. Cả thôn có 92 hộ dân nhưng chỉ có 7,7 ha đất sản xuất. Do chưa có công trình thủy lợi nên 26 hộ trong thôn có ruộng chỉ canh tác được 1 vụ và dựa hoàn toàn vào “nước trời”. Thiếu đất sản xuất, thiếu sinh kế nên hiện tại vẫn gần 50% hộ trong thôn thuộc hộ nghèo.
Trung tá Nguyễn Bá An, Chính trị viên Đồn Biên phòng Vĩnh Hải (BĐBP Ninh Thuận) trao đổi: “Công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào Raglai ở 2 thôn Cầu Gãy và Đá Hang còn nhiều thách thức bởi điều kiện tự nhiên không khắc nghiệt, diện tích đất canh tác ít, đặc biệt mặt bằng dân trí thấp. Tiềm năng đất đai, tài nguyên thiên nhiên chưa được đầu tư khai thác hiệu quả…”.
Đồng hành cùng dân xóa đói, giảm nghèo
Đồn Biên phòng Vĩnh Hải (BĐBP Ninh Thuận) đóng trên địa bàn xã Vĩnh Hải, phụ trách 2 xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải), Công Hải (huyện Thuận Bắc).
Cầu Gãy dẫn vào thôn. |
Trung tá Nguyễn Bá An, Chính trị viên Đồn Biên phòng Vĩnh Hải cho biết: Thực hiện chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc, biên giới hải đảo, trong nhiều năm qua Đồn đã bám sát chủ trương chính sách của Đảng, giúp đồng bào nhân dân trên địa bàn phát triển kinh tế xã hội.
Cụ thể, Đồn đã tham gia đề án phát triển kinh tế của huyện Ninh Hải về nuôi dê, cừu và trồng các loại cây ăn trái hàng ngày, nuôi ong lấy mật. Qua mô hình, cán bộ chiến sĩ Đồn tích cực tham gia các lớp tập huấn và về tập huấn lại cho bà con nhân dân trên địa bàn.
Từ sự hỗ trợ, hướng dẫn tận tình về kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm của cán bộ chiến sĩ, bà con Raglai đã thu được những kết quả đáng mừng. Đàn dê, bò được chăm nuôi đúng kĩ thuật đã và đang sinh trưởng tốt, ít ốm bệnh mang lại giá trị kinh tế; Nghề nuôi ong lấy mật cho năng suất đều; cây ăn trái bước đầu thu hoạch tốt hơn về sản lượng…
Từ sự phát triển của nuôi, trồng trên tại 2 thôn Cầu Gãy, Đá Hang đã tạo ra công ăn việc làm cho người dân Raglai, đời sống của bà con dân tộc “thay da đổi thịt” theo ngày. Nhiều hộ gia đình từ hộ nghèo chuyển sang thoát nghèo, có đời sống kinh tế ngày càng ấm no, đã xây được nhà bê tông kiên cố…
Trong phát triển du lịch tại địa bàn xã Vĩnh Hải, Trung tá Nguyễn Bá An cũng cho biết: Thực hiện chủ trương đầu tư phát triển của Trung ương và tỉnh Ninh Thuận đối với du lịch tại Vịnh Vĩnh Hy, đồn Biên phòng Vĩnh Hải đã tăng cường quản lý, hỗ trợ các phương tiện thủy nội địa để đón khách du lịch ra vào thăm quan trên đảo.
Bên cạnh đó, Đồn làm tốt công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực quân sự, tạo điều kiện để phương tiện tàu thuyền hoạt động thuận lợi; việc nuôi thủy hải sản có điều kiện phát triển… Từ đó đã tạo môi trường chung cho phát triển du lịch, đảm bảo tốt trật tự an toàn xã hội, an ninh trên địa bàn.
Đồn còn tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực lao động sản xuất, cải thiện đời sống, xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Do đó đã giúp bà con hiểu biết, tích cực lao động sản xuất hơn, từng bước nâng cao đời sống, ngày càng tin tưởng, thực hiện theo chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chính sách của địa phương.
“5 năm trở lại đây đời sống, văn hóa tại xã Vĩnh Hải nói chung và bà con Raglai nói riêng đã có bước phát triển đáng kể. 2 thôn Đá Hang, Cầu Gãy được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trình độ văn hóa người dân nâng lên. Bà con cũng tích cực phối hợp cùng Đồn bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn địa bàn; giúp Đồn quản lý chặt chẽ nạn phá rừng vùng lõi của rừng Quốc gia Núi Chúa…”, Trung tá Nguyễn Bá An trao đổi.
“Người dân Raglay có ngày hôm nay luôn biết ơn sự quân tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, địa phương, sự hỗ trợ của cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Vĩnh Hải. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn Đồn sẽ tiếp tục đồng hành để giúp dân phát triển kinh tế, thoát hẳn đói nghèo, nâng cao dân trí…”, Trưởng thôn Cầu Gẫy, Cao Văn Đen bày tỏ.