Chín chắn chọn môn học

GD&TĐ - Năm học 2022 - 2023, Chương trình GDPT 2018 bắt đầu được thực hiện ở THPT với lớp 10.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, chương trình thiết kế với 8 môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc và 9 môn lựa chọn. Học sinh chọn 4 trong 9 môn lựa chọn. Các trường có thể xây dựng tổ hợp môn từ 9 môn học và chuyên đề học tập để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Việc học sinh được lựa chọn các môn học, nội dung học tập phù hợp với định hướng nghề nghiệp là điểm mới quan trọng của chương trình 2018.

Chưa có tiền lệ triển khai nên ban đầu không tránh khỏi lúng túng, đặc biệt trong cân đối giữa nhu cầu của người học và khả năng đáp ứng của nhà trường. Tuy nhiên, bước vào năm học, các trường đều xây dựng được tổ hợp môn, tư vấn, hướng dẫn học sinh lựa chọn. Trải qua một học kỳ, cơ bản việc tổ chức dạy học theo chương trình mới đã đi vào nền nếp.

Sau một thời gian học, việc các em nhận thấy không phù hợp và muốn thay đổi, dù không nhiều, nhưng cũng cần được lắng nghe và giải quyết. Bởi việc môn học chưa phù hợp không chỉ ảnh hưởng đến thái độ, chất lượng, kết quả học tập mà còn cả đến tương lai sau này, khi các em chọn trường đại học, nghề nghiệp.

Để bảo đảm quyền lợi cho học sinh, Bộ GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn và quy định: Trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học, cụm chuyên đề thì việc chuyển đổi được thực hiện vào cuối năm học. Hiệu trưởng xem xét, quyết định cho học sinh có nguyện vọng chuyển đổi phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường.

Trước tình huống học sinh đổi môn học, đa số ý kiến từ các trường đề cập đến hai khó khăn. Thứ nhất là từ phía nhà trường, khi phải bố trí đội ngũ để hỗ trợ học sinh bù đắp kiến thức. Được giao quyền chủ động trong việc này khiến không ít hiệu trưởng lúng túng, bởi việc thay đổi quan niệm của cán bộ quản lý về vai trò tự chủ của nhà trường còn chưa theo kịp yêu cầu mới; quen được hướng dẫn chi tiết, cụ thể từ cơ quan cấp trên.

Thứ hai là khó khăn về phía học sinh, bởi các em cần tự bổ sung kiến thức, kỹ năng để đủ năng lực học tiếp môn học, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo. Như vậy, cùng với việc hoàn thành các môn trong chương trình như các bạn, học sinh muốn đổi môn phải tự học một môn học mới. Quyết định đổi môn càng muộn, nhiệm vụ này càng khó khăn và cần một quyết tâm lớn, cũng như sự hỗ trợ của gia đình, thầy cô.

Đây cũng là điều rất cần phải được truyền thông kỹ, để người học hiểu thật rõ, từ đó thực sự nghiêm túc với lựa chọn của mình ngay từ ban đầu. Nhà trường, thầy cô, gia đình cũng phải đồng hành để định hướng, tư vấn sớm, trên cơ sở hiểu rõ, để các em có lựa chọn đúng. Lý tưởng nhất, có lợi cho người học nhất, vẫn là việc lựa chọn môn học, cụm chuyên đề học tập được giữ ổn định từ lớp 10 đến hết lớp 12.

Năm học đầu tiên triển khai chương trình mới ở THPT, sự thiếu trơn tru, bỡ ngỡ là khó tránh khỏi. Việc lựa chọn môn học của học sinh cũng vậy. Khi cả nhà trường và người học đã có kinh nghiệm thực tiễn; định hướng, tư vấn của gia đình, nhà trường tốt hơn; quyết định của các em trên cơ sở suy nghĩ chín chắn, kỹ lưỡng hơn; chắc chắn việc thay đổi môn học sẽ ngày càng ít đi trong những năm học tiếp theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ