Chủ động hỗ trợ học sinh lớp 10 lựa chọn tổ hợp môn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ði đôi với việc xây dựng, tư vấn định hướng tổ hợp, trường học tại Kon Tum còn giúp học sinh lớp 10 ổn định tâm lý trong lựa chọn, học tập.

Học sinh lớp 10 Nghệ thuật của Trường THCS – THPT Liên Việt.
Học sinh lớp 10 Nghệ thuật của Trường THCS – THPT Liên Việt.

Hỗ trợ học sinh thay đổi tổ hợp

Năm học 2022-2023 Trường THCS – THPT Liên Việt (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) có 1.496 học sinh, trong đó có 158 em lớp 10. Cụ thể, khối 10 có 2 lớp tự nhiên, 1 lớp xã hội và 1 lớp nghệ thuật.

Thầy Lê Đắc Tường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước khi thực hiện chương trình, SGK mới đối với lớp 10, cán bộ và giáo viên đã được tập huấn kĩ lưỡng. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đảm bảo về cơ sở vật chất, con người để triển khai thực hiện chương trình một cách tốt nhất.

Theo thầy Tường, đây là năm đầu tiên thực hiện chương trình SGK mới đối với lớp 10 nên không tránh khỏi một số bỡ ngỡ. Từ phương pháp dạy học cũ giáo viên phải linh hoạt thay đổi để giúp học sinh phát triển năng lực, phẩm chất.

“Với chương trình SGK mới, kiến thức lớp 10 có phần nhẹ nhàng, không gian được mở rộng nên các em rất hứng thú. Bên cạnh đó, học sinh chủ động hơn trong các tiết học và được chọn lựa những môn mình yêu thích”, thầy Tường nói.

Cũng theo vị Hiệu trưởng, trong dịp hè học sinh đã lựa chọn tổ hợp môn theo năng lực và mong muốn. Tuy nhiên, trước khi tựu trường đơn vị tiếp tục thông báo đến phụ huynh và học sinh về việc thay đổi tổ hợp. Theo đó, nhà trường cũng có một số em thay đổi từ tổ hợp tự nhiên sang xã hội hoặc ngược lại. Nhà trường cũng xem xét học bạ, điểm thi và tạo điều kiện để học sinh thay đổi.

Còn thầy Nguyễn Ngọc Duyệt, Hiệu trưởng Trường THPT Kon Tum cho biết, năm học này khối 10 có 481 học sinh với 12 lớp. Theo đó, bên cạnh những môn học bắt buộc như: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, Lịch sử, Giáo dục quốc phòng – an ninh, Giáo dục thể chất thì học sinh lựa chọn các tổ hợp môn.

Cụ thể, tổ hợp các môn lựa chọn, gồm: Vật lý, Hoá học, Sinh học và Tin học có 7 lớp. Bên cạnh đó, 2 lớp tổ hợp Vật lý, Hoá học, Sinh học, Công nghệ - Định hướng nông nghiệp hoặc Công nghệ - Định hướng công nghiệp. Ngoài ra có 2 lớp tổ hợp Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ - Định hướng công nghiệp. Còn tổ hợp Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ - Định hướng nông nghiệp có duy nhất 1 lớp.

Theo thầy Duyệt, Lịch sử từ môn học tự chọn trở thành bắt buộc nên ban đầu hơi khó khăn cho nhà trường khi sắp xếp lại tổ hợp môn. Tuy nhiên, qua một thời gian thực hiện thì các lớp cũng như nhà trường đã dần ổn định.

“Khi các em có nhu cầu thay đổi tổ hợp, nhà trường căn cứ vào điểm chuẩn đầu vào để hỗ trợ học sinh. Đến nay các em đã ổn định lớp học theo tổ hợp mà mình lựa chọn”, thầy Duyệt nói.

Khi Lịch sử trở thành môn bắt buộc

Với chương trình GDPT 2018 đối với 10, học sinh chủ động hơn trong học tập.
Với chương trình GDPT 2018 đối với 10, học sinh chủ động hơn trong học tập.

Bước vào thực hiện chương trình GDPT 2018, Lịch sử từ môn học lựa chọn ở khối khoa học xã hội trở thành môn học bắt buộc. Cụ thể, điều chỉnh một số nội dung trong chương trình tổng thể và chương trình giáo dục phổ thông môn lịch sử nhằm bảo đảm yêu cầu thiết kế môn học bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học.

Từ đó, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh. Chương trình môn Lịch sử bậc THPT bắt buộc đối với tất cả học sinh, có thời lượng là 52 tiết/năm (được điều chỉnh từ thời lượng 70 tiết/năm). Chuyên đề học tập lựa chọn lịch sử gồm 35 tiết/năm (theo thông tư 32/2018).

Theo đó, chương trình giáo dục bậc THPT có các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cùng nội dung giáo dục địa phương. Còn nhóm môn học lựa chọn được điều chỉnh theo hướng không chia nhóm môn và có 9 môn học, gồm: Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc và Mỹ thuật. Học sinh chọn 4 môn học trong 9 môn lựa chọn.

Thầy Lê Đắc Tường, Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Liên Việt cho hay, để đáp ứng yêu cầu dạy – học môn Lịch sử, nhà trường đã cử 2 giáo viên đi tập huấn. Bước đầu thì phương pháp dạy học môn Lịch sử lớp 10 tương đối giống trước kia, tuy nhiên số tiết ít hơn. Do là năm đầu tiên thực hiện nên giáo viên còn một số bỡ ngỡ và khó khăn nhưng thầy, cô luôn quyết tâm “khó ở đâu, gỡ tại đó”.

“Thời gian tới, giáo viên của trường sẽ tham gia Hội thảo đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá đối với lớp 10. Qua đó, giáo viên sẽ học hỏi và trau dồi thêm kinh nghiệm để áp dụng vào thực tế nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện cả về kiến thức lẫn năng lực, phẩm chất”, thầy Tường nói.

Còn theo thầy Nguyễn Ngọc Duyệt, Hiệu trưởng Trường THPT Kon Tum không chỉ riêng môn Lịch sử mà với tất cả các môn học nhà trường không đặt nặng về kiến thức, chủ yếu giúp các em phát huy năng lực, phẩm chất của bản thân.

Theo đó, đối với công tác kiểm tra giữa và cuối kì nhà trường vẫn tổ chức cho các em thi viết và trắc nghiệm. Bên cạnh đó là dự án học tập làm theo nhóm, thí nghiệm thực hành… được triển khai thường xuyên nhằm nắm bắt năng lực của học sinh.

"Nhà trường, giáo viên linh hoạt giảng dạy để giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất. Bước đầu dù còn một số khó khăn nhưng đội ngũ giáo viên luôn cố gắng trau dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm… để tiết học ngày càng hấp dẫn, lôi cuốn học sinh”, thầy Duyệt nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.