Sẵn sàng tình huống học sinh đổi môn học lựa chọn

GD&TĐ - Gần hết một học kỳ, nhiều trường THPT, thậm chí có địa phương chưa ghi nhận học sinh lớp 10 muốn đổi nguyện vọng môn học lựa chọn.

Học sinh THPT học theo nhóm ở các môn tự chọn. Ảnh minh họa
Học sinh THPT học theo nhóm ở các môn tự chọn. Ảnh minh họa

Mặc dù vậy, các nhà trường luôn sẵn sàng phương án để có thể bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người học.

Bảo đảm quyền lợi người học

Trường THPT Chu Văn An (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) có 2 học sinh nguyện vọng được chuyển đổi môn lựa chọn. Trong đó, 1 học sinh muốn chuyển từ xã hội sang tự nhiên và 1 em ngược lại. Thầy Hiệu trưởng Lê Văn Hòa cho biết, nhà trường đang hướng dẫn 2 học sinh này tự học một số môn dưới sự giúp đỡ của thầy cô.

Phụ huynh cũng được hướng dẫn để hỗ trợ, đôn đốc con em. Ví dụ, em muốn chuyển từ lớp học có các môn lựa chọn Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Sinh học, Tin học sang lớp học có các môn lựa chọn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học thì phải tự học thêm môn Vật lý, Hóa học theo chương trình, sách giáo khoa dưới sự giúp đỡ của thầy cô. Nếu kiểm tra các môn tự học này bảo đảm yêu cầu, học sinh được chuyển lớp.

“Nói chung, thầy cô giáo hướng dẫn tự nguyện, không có chế độ gì, cũng không thu thêm kinh phí. Do đó, một vài học sinh thì có thể, nhưng sẽ rất khó khăn nếu nhiều em có nguyện vọng chuyển đổi. Lúc đó, chỉ còn cách tổ chức lớp học ngoài giờ”. Nêu khó khăn này, theo thầy Lê Văn Hòa, chuyển đổi môn học lựa chọn của học sinh là nhu cầu thực, cần được giải quyết. Nhưng để làm được cần có hướng dẫn rất cụ thể, từ khâu triển khai, giám sát kỹ càng của cơ quan quản lý giáo dục.

Còn với Trường THPT Nam Đàn 1 (huyện Nam Đàn, Nghệ An), có 6 học sinh được giải quyết chuyển đổi nguyện vọng. Theo cô Hiệu trưởng Trịnh Thị Diệu Thúy, công tác tư vấn cho học sinh khối 10 năm nay được nhà trường triển khai kỹ lưỡng. Sau 4 tuần học, vào đầu tháng 10, trường khảo sát mức độ hài lòng ở các bộ môn và giải quyết nguyện vọng của học sinh. Đến nay, không còn học sinh nào có nhu cầu chuyển nguyện vọng.

“Các em chỉ chuyển giữa các tổ hợp mà số môn khác nhau ít (chỉ khác 1 - 2 môn). Do đó, nhà trường yêu cầu học sinh ký cam kết tự cập nhật kiến thức và bố trí giáo viên dạy kèm vào buổi chiều (có lịch bố trí của nhà trường), mỗi môn 4 buổi.

Tôi cho rằng, nên cho học sinh chuyển nguyện vọng sớm khi có nhu cầu. Bởi làm vậy, các em sẽ được cập nhật kiến thức môn mới sớm hơn, việc bổ trợ kiến thức cũng thuận lợi hơn, học sinh yên tâm hơn; hồ sơ theo dõi đánh giá của các em cũng thuận hơn. Như tại THPT Nam Đàn 1, cả 6 học sinh đều kịp làm bài kiểm tra giữa học kỳ theo quy định. Để sang năm sau, nếu học sinh chuyển trường hoặc muốn chuyển khối thì rất khó khăn. Nên việc tuyên truyền, tư vấn cho học sinh cần phải làm thật kỹ từ đầu năm lớp 9”, cô Trịnh Thị Diệu Thúy cho hay.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Sẵn sàng phương án

Cho đến thời điểm này, Trường THPT Lục Nam (huyện Lục Nam, Bắc Giang) chưa ghi nhận trường hợp nào muốn đổi nguyện vọng môn học lựa chọn. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Phương Lan cho hay, học sinh đang tập trung chuẩn bị cho thi học kỳ I. Thường phải sau khi thi kết thúc học kỳ, học sinh mới đặt vấn đề đổi nguyện vọng, nên nhà trường cũng có những dự kiến để chuẩn bị cho tình huống này.

“Học sinh chuyển nguyện vọng phải đạt yêu cầu về kiến thức. Trường hợp có em muốn chuyển, nhà trường sẵn sàng kế hoạch để bảo đảm quyền lợi của học sinh. Kế hoạch này tất nhiên sẽ gửi báo cáo sở GD&ĐT trước khi triển khai”, cô Nguyễn Phương Lan cho hay.

Chia sẻ phương án, theo cô Nguyễn Phương Lan, nhà trường sẽ hướng dẫn học sinh học bù lại kiến thức môn học các em muốn chuyển, có thể kết hợp cả online, trực tiếp. Sau đó, học sinh làm bài kiểm tra. Nếu đạt, các em sẽ được chuyển nguyện vọng.

“Thường các môn lựa chọn có khoảng 34 tiết/học kỳ, nếu trừ kiểm tra còn khoảng 30 tiết. Việc học kiến thức trọng tâm, cơ bản buộc phải học trực tiếp mới hiệu quả. Do đó, tôi cho rằng cần linh động bố trí các tiết dạy trực tiếp, kết hợp dạy online để có thể hoàn thành khối lượng kiến thức cần bù đắp trong khoảng 3 - 4 tuần học. Trường hợp chỉ có 1 học sinh muốn chuyển, nhà trường cũng phải lên kế hoạch, bố trí phù hợp để bảo đảm quyền lợi của học trò” - chia sẻ điều này, nhưng cô Nguyễn Phương Lan cũng băn khoăn.

Theo cô Lan việc bố trí giáo viên khá khó khăn. Thường học sinh sẽ chuyển nhiều từ môn lựa chọn thuộc khối Khoa học tự nhiên sang môn Khoa học xã hội. Trong khi đó, tại Trường THPT Lục Nam, số lượng học sinh chọn môn Khoa học xã hội nhiều, giáo viên dạy các môn này lại được bố trí dạy Hoạt động trải nghiệm, Giáo dục địa phương nên khó thu xếp dạy bù đắp kiến thức cho học sinh. “Khó nhất là kinh phí bồi dưỡng như thế nào cho thỏa đáng, hơp lý. Nội dung này, tôi cho rằng cần có hướng dẫn của cấp trên, nếu không mỗi trường làm một kiểu sẽ rất khó”, cô Nguyễn Phương Lan cho hay.

Tương tự, Trường THPT Tân Sơn (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) cũng chưa có trường hợp nào muốn chuyển đổi môn học. Tuy nhiên, tình huống có học sinh muốn đổi nguyện vọng đã được nhà trường tính đến. Cách làm dự kiến, theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hùng là yêu cầu học sinh tự học và phân công giáo viên dạy phụ đạo, bổ sung kiến thức. Sau đó tiến hành kiểm tra, nếu học sinh đạt kết quả thì mới giải quyết.

“Việc này tôi nghĩ không có gì khó khăn. Trên cơ sở học sinh tự học, giáo viên sẽ bổ sung những kiến thức cơ bản và giúp các em nội dung chưa hiểu. Thời gian giáo viên hỗ trợ trực tiếp học sinh ít nhất bằng 50% số giờ của môn học lựa chọn và chuyên đề học tập. Nhà trường cũng sẽ có phương án tính chế độ bồi dưỡng cho giáo viên. Nguồn kinh phí từ chi thường xuyên hoặc học phí. Thực tế, nếu học sinh có nhu cầu chuyển nguyện vọng thì cũng chỉ hết kỳ I năm lớp 10, nên số giờ chi trả cho giáo viên không nhiều”, thầy Nguyễn Văn Hùng khẳng định.

Tại An Giang, ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Cho đến thời điểm này, Sở chưa nhận được báo cáo nào của các trường liên quan đến việc học sinh chuyển nguyện vọng môn học lựa chọn. Vấn đề này, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn tại Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH: “Trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng xem xét quyết định và báo cáo sở GD&ĐT”. “Sở GD&ĐT thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Các nhà trường giải quyết theo từng trường hợp cụ thể”, ông Trần Tuấn Khanh cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ