(GD&TĐ) - Đến bây giờ, chiếc xe đạp ấy không còn chức năng để đi nữa, nó đã được để gọn vào góc buồng. Có lần tôi bảo với mẹ: “Mẹ ơi sao mẹ không bán cho hàng thu mua sắt vụn mà lại để chật cả nhà?” Mẹ nói với tôi giọng buồn buồn: “Con đừng quên chiếc xe ấy là kỷ niệm của đời mẹ. Mẹ đi lấy chồng, ông bà ngoại nghèo chỉ cho con gái được chiếc xe đạp bán làm sao được”.
Cũng từ đó, chị em chúng tôi không ai nhắc tới chuyện bán chiếc xe ấy nữa.
Mấy chục năm rồi, chiếc xe cõng trên mình bao mưa nắng gian lao. Nhà tôi làm ruộng, quê tôi ở một vùng miền núi, ông bà nội tôi cũng nghèo. Mẹ tôi kể lại khi bố mẹ ra ở riêng lập nghiệp từ đôi bàn tay trắng.
Tôi nhớ như in ngày ấy, chị em tôi còn nhỏ, để có đồng ra đồng vào cho các con ăn học những lúc nông nhàn với chiếc xe đạp mẹ đi vào từng ngõ xóm thu mua phế liệu rồi mẹ đi làm hàng sáo mua thóc về xay thành gạo bán lấy lãi chút cám để chăn nuôi.
Cha tôi mất sớm do trọng bệnh khi chúng tôi còn nhỏ, mẹ phải gồng mình lên sống để nuôi hai chị em tôi. Tôi quên làm sao được có một lần trên đường mẹ thồ gạo về thì gặp mưa. Mẹ cố về tới nhà để tránh cơn lũ rừng đang ập tới.
Mưa, gió, thi nhau quất vào mẹ, bao gạo chất sau xe thì nặng, chiếc xe cũ cọt kẹt oằn lên. Có chiếc áo mưa thì mẹ lại dành che cho gạo khỏi ướt.
Đường tới nhà tôi ngược dốc, mẹ nhoài lên mà đạp, quần áo mẹ ướt bết chặt vào người hằn lên từng chiếc xương sườn. Chị em chúng tôi chẳng kịp đội mũ nón, ào vào mưa cùng mẹ đẩy xe gạo vào nhà. Người mẹ tôi chi chít sẹo bởi những lần ngã xe. Chiếc xe cũng tróc sơn, sứt mẻ hàn gắn bao lần.
Tôi quên làm sao được những trận đói. Một lần, đi học về tôi mở vung nồi cơm, mùi sắn khô sộc lên, tôi nôn thốc nôn tháo, nôn xong tôi vẫn gào lên: “Sắn, lại sắn con chán lắm rồi !” và òa khóc. Mẹ vỗ về an ủi tôi và từ sau lần ấy, bát cơm của tôi không còn sắn nữa.
Mãi sau này tôi mới biết: Để có bát cơm không độn sắn của các con, mẹ đã trút hết sắn vào bát mình, mẹ phải vất vả làm lụng hơn.
Như cây măng rừng bám đất mà sống, chị em chúng tôi lớn lên trong lam lũ, trong đùm bọc chở che của mẹ và thôn bản. Và cũng đến ngày tôi xa nhà ra thành phố học. Hình ảnh mẹ gầy guộc nhoài người trên chiếc xe đạp như con cò đang xõa cánh bay ngược chiều gió thổi trở đi, trở lại trong giấc ngủ của tôi.
Cũng có vài người đàn ông trong bản đến với mẹ, chị em chúng tôi ủng hộ mẹ đi bước nữa để có người bầu bạn lúc tuổi già nhưng mẹ đều chối từ khéo, mẹ muốn ở vậy để dành hết tình cảm cho chị em chúng tôi.
Rồi chúng tôi cũng có gia đình riêng, tuổi trẻ của mẹ vèo trôi qua, tóc mẹ có nhiều sợi bạc hơn. Để mẹ đi lại đỡ vất vả, chị em chúng tôi bàn nhau mua cho mẹ chiếc xe đạp điện, nhưng đến khi hỏi ý mẹ thì mẹ lắc đầu bảo: “Mẹ nghe nói cũng tốn đến vài triệu đồng chứ chẳng ít đâu, các con để tiền ấy mà làm việc khác, mua cho mẹ cái xe đạp vài trăm nghìn là được, mẹ có đi đâu xa vừa đạp xe thay cho tập thể dục”.
Thỉnh thoảng chúng tôi lại thấy mẹ dắt chiếc xe đạp cũ ra ngắm nghía, lau chùi, đôi mắt mẹ đăm chiêu, gương mặt chìm vào suy tư.
Vũ Khánh Linh