Nội dung đề xuất về chính sách hỗ trợ đặc biệt cho người lao động và doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19.
Trước đó, gần 100 trường mầm non tư thục ở TPHCM có thư kiến nghị gửi Thủ tướng, đồng thời gửi UBND, Sở GD&ĐT TP đề nghị tạo điều kiện cho cơ sở GDMN tư thục đáp ứng đủ Bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch trong trường học được sớm hoạt động trở lại; Tổ chức đối thoại giữa đại diện các trường và cơ quan chức năng để thảo luận phương án nhằm tháo gỡ khó khăn; Hỗ trợ các gói vay tín dụng để doanh nghiệp trang trải chi phí cơ bản; miễn giảm phí bảo hiểm xã hội, y tế; miễn giảm các loại thuế phải đóng như thuế thu nhập cá nhân của người lao động, thuế thu nhập doanh nghiệp; Đề nghị Chính phủ có gói hỗ trợ riêng dành cho giáo viên và công nhân viên làm việc trong ngành Giáo dục.
Mầm non ngoài công lập (NCL) chiếm một tỷ trọng khá lớn trong hệ thống GDMN tại các đô thị lớn, nhiều khu công nghiệp như Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương... Trong đó TPHCM có 896 trường, chiếm 65,5%; Đồng Nai có trên 120 trường, chiếm tỷ 35%; Hà Nội cũng có trên 30% số trẻ học ở cơ sở mầm non NCL. Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Mầm non, Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, mầm non NCL có vai trò rất lớn trong việc “chia lửa” với mầm non công lập, khi dân số TP đông và ngày càng tăng. Nếu không có sự “chia lửa” của mầm non NCL, TPHCM sẽ không kham nổi.
Thế nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, tại nhiều tỉnh thành, trường mầm non đóng cửa từ tháng 5 và đến nay vẫn chưa có tín hiệu khởi động. Không có nguồn thu học phí, các cơ sở mầm non NCL rơi vào cảnh kiệt quệ. Tại TPHCM đã có 114 cơ sở mầm non phải giải thể, 19 cơ sở khác đang đứng trước nguy cơ giải thể, gần 10.000 giáo viên mầm non mất việc, nhiều giáo viên ở trường tư buộc phải chuyển ngành, tìm công việc mới. Khi các nhà đầu tư không còn mặn mà đầu tư vào GDMN, giáo viên bỏ nghề, nguy cơ vỡ hệ thống mầm non NCL là có thật.
Đánh giá tác động của đại dịch lên hệ thống mầm non NCL là rất lớn, ngay từ đầu năm học, Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ đối với GDMN, trong đó nhấn mạnh rõ: Các địa phương khẩn trương rà soát, thống kê thiệt hại của cơ sở GDMN trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là cơ sở GDMN dân lập, tư thục; Tham mưu chính quyền các cấp có giải pháp hỗ trợ khắc phục khó khăn để duy trì hoạt động của đơn vị, hỗ trợ giáo viên bị ảnh hưởng, tránh tình trạng giáo viên nghỉ việc, cơ sở GDMN giải thể.
Cho đến nay, các địa phương đang nỗ lực tìm cách “chia lửa” với mầm non NCL. Như tại Hà Nội, HĐND TP đã có nghị quyết hỗ trợ 20 - 40 triệu đồng cho trường ở địa bàn có khu công nghiệp để trang bị cơ sở vật chất. HĐND tỉnh Bình Dương cũng thông qua Nghị quyết quy định về việc hỗ trợ phát triển GDMN trên địa bàn. Ngoài hỗ trợ trẻ, giáo viên, tỉnh này còn đưa ra mức hỗ trợ từ 30 - 40 triệu đồng/cơ sở GDMN NCL tuỳ theo quy mô. Ở Đồng Nai, lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết sẽ kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ tháo gỡ để sau dịch các cơ sở có thể hoạt động trở lại bình thường…
Chỉ đạo của ngành cùng sự nỗ lực của các địa phương trước mắt tháo khó tạm thời cho GDMN NCL, nhưng cũng còn tuỳ theo điều kiện, thực lực từng tỉnh, về lâu dài rất cần thêm các biện pháp, chính sách vĩ mô phù hợp hơn. Hy vọng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, cùng sự vào cuộc của các ban ngành liên quan, sẽ sớm có cơ chế, chính sách hỗ trợ dài hạn để bảo đảm sự ổn định của hệ thống mầm non NCL nói riêng, chất lượng giáo dục của bậc học nói chung trong thời gian tới.