Dịch kéo dài, khó khăn dồn dập
Trao đổi về những khó khăn trong dịch Covid-19, chị Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phụ trách nhân sự, Hệ thống trường mầm non Eraschool tại Hà Nội cho biết:
Trước thời điểm dịch bùng phát, Hệ thống trường mầm non Eraschool tại hai địa điểm Văn Quán và Long Biên có trên 60 cô giáo và cán bộ quản lý. Từ tháng 2 tới giữa tháng 3, khi học sinh phải nghỉ học, trường vẫn cố gắng bố trí các cô tham gia các khoá học kĩ năng như phòng chống chữa cháy, y tế, dự thi nâng cao chuyên môn... Làm sách vải, các đồ handmade, hỗ trợ bán hàng online rau và thực phẩm sạch của trang trại.
Ngoài ra, một số cô giáo được bố trí thực hiện các bài giảng video để phục vụ giảng dạy trực tuyến. Các bộ phận quản lý , giám sát, maketing thì làm việc tại nhà.
Tuy nhiên dịch kéo dài, cho đến nay các cơ sở chỉ còn một số ít được phân công theo giờ các công việc liên quan đến duy trì, bảo đảm vận hành tại cơ sở. Thấu hiểu khó khăn của nhà trường, nhiều cô giáo đã xin nghỉ không lương để giảm bớt gánh nặng cho trường và đều mong muốn trở lại ngay sau khi hết dịch.
Theo chị Mỹ, mức lương trung bình của giáo viên mầm non tại cơ sở là 6 - 7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra các cô có thể tham gia trợ giảng cho các lớp học ngoại khóa, lớp năng khiếu để tăng thêm thu nhập hàng tháng. Nhưng hiện nay, phải nghỉ việc do dịch, các cô giáo mất nguồn thu nhập, cuộc sống của họ sẽ rất khó khăn.
Hệ thống trường mầm non Eraschool cũng đang rất chật vật về tài chính để duy trì, bao gồm tiền thuê mặt bằng, điện, nước, nhân công hàng tháng.
Bên cạnh đó, sự lo lắng nữa là sau khi dịch qua đi, số lượng học sinh quay lại trường học rất có thể sẽ không đông đủ như trước. Nếu số lượng học sinh không đủ thì nhà trường vẫn bắt buộc phải giảm giáo viên.
Đây cũng là khó khăn chung của tất cả các trường ngoài công lập hiện nay.
Triển khai gói hỗ trợ tài chính ngay trong tháng
Trên cơ sở thống kê, rà soát những khó khăn, thiệt hại và kiến nghị, đề xuất của các cơ sở giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục quốc dân.
Theo ước tính của ngành Giáo dục, hiện chi phí lương cho hơn 103.000 cán bộ quản lý, giáo viên ngoài công lập theo mức lương bình quân tối thiểu vùng là 400 tỷ/tháng; chi phí thuê mặt bằng của 3.702 cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng từ 450-500 tỷ đồng/tháng. Ngoài ra, các chi phí cho công tác tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch bệnh trong nhiều tháng qua và các chi phí khác còn chưa thống kê hết…
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, trước tình hình khó khăn do dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã có những chỉ đạo về các gói hỗ trợ cho những đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Ngành Giáo dục cũng sẽ được xem xét, tính toán trong các gói hỗ trợ này.
Nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra có một số nội dung hỗ trợ đáng chú ý như: Hỗ trợ 1.800.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 – 6/2020 cho các đối tượng là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp.
Hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 – 6/2020 cho các đối tượng là người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm.
Người sử dụng lao động được vay Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, thời hạn không quá 12 tháng, mức vay tối đa theo 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng và có trách nhiệm trả số tiền lương ngừng việc còn lại cho người lao động.