Xây dựng niềm tin từ chất lượng
Năm học 2020 – 2021 thành phố Lào Cai có 12 trường mầm non tư thục, 54 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, với tổng số 3763 trẻ. 3/12 trường MN tư thục đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.
Bà Nguyễn Thị Huệ - Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Lào Cai cho biết: UBND thành phố Lào Cai đã quan tâm và tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục MN tư thục phát triển, mở rộng. Thành phố Lào Cao cũng tạo điều kiện cho tập thể, cá nhân có nhu cầu thành lập trường, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, đáp ứng nhu cầu gửi con của các bậc cha mẹ trẻ đồng thời góp phần tăng tỷ lệ huy động trẻ trên địa bàn ra lớp...
Cô Lê Thị Sen – Hiệu trưởng Trường MN Việt Hà (thành phố Lào Cai) cho hay: Trường thành lập cách đây 10 năm, ban đầu chỉ vẻn vẹn 4 lớp tới nay tăng lên 16 lớp với 373 trẻ. Để phát triển hơn nữa, trường xác định xây dựng chất lượng thực để tạo ra niềm tin cho người dân. Khâu chăm sóc trẻ luôn được GV quan tâm chú trọng. Khi phụ huynh có niềm tin sẽ trở thành nhân tố tích cực để tuyên truyền và ảnh hưởng tới quyết định của các phụ huynh khác khi tìm chỗ gửi trẻ.
Theo cô Lê Thị Sen muốn việc chăm sóc và nuôi dạy trẻ đạt chất lượng, nhà trường đã đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng. Trong sinh hoạt chuyên môn hàng tháng, lồng ghép những tình huống sư phạm để GV cùng trao đổi, rút kinh nghiệm. Xây dựng thường xuyên những buổi tập huấn chuyên đề về kỹ năng và dinh dưỡng giúp GV nâng cao chuyên môn. Đặc biệt, để trở thành GV của trường, ngoài yêu cầu có đủ bằng cấp theo quy định, hiệu trưởng sẽ trực tiếp phỏng vấn, có thời gian thử việc rõ ràng. Việc tuyển chọn GV dựa trên đánh giá, phân tích, lựa chọn từ thực tế thử việc. “Bằng cấp chỉ là tiêu chuẩn cần và đủ để GV đến xin việc. Năng lực sư phạm trên lớp của GV mới quyết định việc nhà trường có nhận hay không…” – cô Lê Thị Sen cho biết.
Trường Mầm non tư thục Linh An (TP Lào Cai) có hơn 300 HS theo học, 24 GV trực tiếp chăm nuôi, dạy học tại 11 lớp. Cô Nguyễn Thị Thu Hiền – Hiệu trưởng cho biết: Để tăng cường chất lượng chung, trường thường xuyên cử GV tham dự các khóa tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn theo của quy định của ngành, sở, phòng GD&ĐT tổ chức. Mặt khác cho GV đi học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ phương pháp giáo dục tiên tiến để vận dụng vào tổ chức các hoạt động cho trẻ vui chơi và học tập. Đội ngũ GV cốt cán sau khi tập huấn sẽ bồi dưỡng lại cho GV tại trường… Đặc biệt nhà trường có chế độ khen thưởng, động viên kịp thời với GV khi có thành tích trong chăm nuôi, dạy trẻ…
Biến khó khăn thành động lực
Bà Nguyễn Thị Huệ thẳng thắn chia sẻ: GDMN tư thục có bước phát triển nhưng cũng còn không ít khó khăn tồn tại cần tháo gỡ.
Trước hết, đội ngũ GV giảng dạy trong các trường, đặc biệt ở nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục không ổn định. Do mức thu nhập thấp nên GV không yên tâm công tác. Theo Luật Giáo dục 2019, đội ngũ có trình độ dưới chuẩn (trung cấp) chiếm tỷ lệ cao 36,6%, phần nào còn hạn chế về năng lực, chuyên môn nghiệp vụ. Cơ sở vật chất, đồ dùng, đồ chơi ở một số nhóm, lớp mới đạt mức tối thiểu; Chưa tận dụng cơ sở vật chất để tạo khu vui chơi, hoạt động trải nghiệm cho trẻ…
Lãnh đạo Phòng GD&ĐT thành phố Lào Cai bày tỏ, sẽ biến khó khăn thành động lực để tiếp tục ổn định và phát triển MN tư thục thành phố. Thời gian tới, phòng GD&ĐT sẽ tiếp tục tham mưu với UBND thành phố ban hành văn bản tăng cường công tác quản lí, chỉ đạo hoạt động giáo dục MN tư thục. Đặc biệt quan tâm công tác bảo đảm an toàn, an ninh trong trường học; chỉ đạo cơ sở GDMN xác định rõ vai trò của các thành viên trong hoạt động của nhà trường nhằm đáp ứng công tác an toàn cho trẻ.
Phòng GD&ĐT sẽ tăng cường phối hợp với UBND xã, phường, trường MN công lập kiểm tra, giám sát, chỉ đạo và tạo điều kiện cho các trường, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục hoạt động đúng quy định. Khuyến khích, chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch phát triển Chương trình chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm; GV học tập, vận dụng các phương pháp giáo dục tiến tiến vào giảng dạy. Tiếp tục bồi dưỡng nghiệp vụ, năng lực cho GV ngoài công lập…
Đặc biệt, phòng yêu cầu nhà đầu tư, cơ sở GDMN thực hiện nghiêm các thông tư, văn bản quy phạm pháp luật quy định về ngành học mầm non. Tiếp tục cải tạo cơ sở vật chất, cảnh quan trường, lớp để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của cha mẹ trẻ; Quan tâm nhiều hơn nữa đến mức lương, chế độ đãi ngộ cho người lao động; Tạo điều kiện để GV đi học tập nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn...