Chàng trai Việt với những ngón tay “ma thuật“

GD&TĐ - Cuối tháng 10 năm 2016 ,Trần Viết Bảo được cử đi du học  ngành Biểu diễn Piano tại Học viện Âm nhạc Franz Liszt ở Budapest (Hung-ga-ri) theo diện học bổng Hiệp định. Từ đó cho đến nay, Bảo vẫn luôn tự khẳng định được bản thân, tạo ấn tượng với bạn bè năm châu với những giải thưởng danh giá quốc tế.

Trần Viết Bảo (đứng giữa)
Trần Viết Bảo (đứng giữa)

Tuổi thơ gắn liền với từng nốt nhạc

Bố của Bảo là Đại tá, Nhạc sĩ, Nghệ sĩ nhân dân Trần Viết Thân; mẹ là Thiếu tá, Diễn viên múa ballet. Sớm được tiếp cận với nghệ thuật từ nhỏ, Bảo đã thấy mình được sinh ra để gắn liền với nghệ thuật, với những tiếng đàn, nốt nhạc và từng cung bậc cảm xúc của mỗi nhạc phẩm. Bảo bắt đầu học đàn Piano từ lúc 5 tuổi với Nhà giáo ưu tú Hoàng Kim Dung. Bà cũng chính là một người bạn của gia đình nên đó là lợi thế để chàng trai trẻ tiếp cận với âm nhạc từ những người có chuyên môn. Lên 6 tuổi, Trần Viết Bảo thi đỗ vào Nhạc viện Hà Nội bắt đầu theo học hệ Sơ cấp với Nhà giáo ưu tú Hoàng Vĩnh Hương.

Suốt trong những năm tháng tuổi thơ ấy, Bảo được sống với từng nốt nhạc, được học hỏi dưới sự hướng dẫn, kèm cặp của bố mẹ. Tuy nhiên, với cậu bé 6 tuổi, mỗi ngày phải tập đàn hai giờ đồng hồ không nghỉ thì đó là cả một sự nỗ lực rất lớn. Nhiều lúc thấy bạn bè được vui đùa, được chơi, Bảo không khỏi chạnh lòng. Thế nhưng, gia đình vẫn là nguồn động viên lớn nhất để chàng trai ấy vững tin, quyết tâm từng ngày theo đuổi âm nhạc chuyên nghiệp.

Riêng về Piano, Bảo cho rằng có nhiều giai đoạn khác nhau để học và cảm nhận. Khi còn nhỏ, việc khó nhất và cũng quan trọng nhất là làm sao để đảm bảo kĩ thuật, tập những bài tập luyện ngón tay cũng như làm quen với việc dùng đầu của mình để điều khiển hai tay sao cho nhịp nhàng. Thời gian này, mỗi bạn còn có một “trọng trách” là việc học văn hóa, nên việc tập đàn không thường xuyên, bị gián đoạn và gây mệt mỏi. Đó cũng là một trong những hạn chế của các bạn tuy trẻ có ý định theo Piano chuyên nghiệp.

Khi đã lớn, kĩ thuật cơ bản đã có, giai đoạn này mọi người có thể tự luyện tập. Lúc này, Bảo bắt đầu tìm hiểu sâu vào các tác phẩm âm nhạc, cuộc đời của các nhạc sĩ để hiểu hơn về họ, bởi chàng trai này cho rằng mỗi tác phẩm âm nhạc được sáng tác phần nào liên quan đến chính cuộc đời, tính cách của các nhạc sĩ, khi người biểu diễn hiểu được những sáng tác của họ sẽ thể hiện thành công nhất nhạc phẩm đó và truyền tải được thông điệp đến với công chúng.

Cho đến giờ, Trần Viết Bảo vẫn luôn cảm thấy may mắn và cho rằng, học nhạc là quyết định đúng đắn nhất bởi nó không chỉ là cơ duyên mà còn trở thành thói quen hàng ngày đã ăn vào “máu” không thể thiếu được đối với bản thân: “Em yêu âm nhạc, yêu những giai điệu đẹp và cảm giác mình tạo ra âm nhạc, phiêu cùng từng phím đàn là điều rất thú vị, hạnh phúc. Hơn nữa, nó cũng là người bạn của em, mỗi ngày, nếu không có chiếc đàn piano thì với em cuộc sống trở lên lạc điệu, tẻ nhạt biết bao”.

Bảng vàng thành tích trên đấu trường âm nhạc quốc tế

Giành được Giải Ba Cuộc thi Piano Quốc tế tổ chức tại Ý từ ngày 28/10 đến 7/11/2016, Bảo đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đi học đại học và thạc sĩ ngành Biểu diễn Piano tại Hung - ga - ri. Đây là cuộc thi Piano quy tụ gần 100 thí sinh đến từ các đất nước, châu lục khác nhau và những giám khảo nổi tiếng nên giải Ba mà Trần Viết Bảo giành được là niềm tự hào của giới trẻ Việt Nam. Du học Hung – ga –ri, Bảo được học hỏi nền âm nhạc tiên tiến và hiện đại. Không thua kém bạn bè quốc tế, Trần Viết Bảo đã nỗ lực học tập để tốt nghiệp xuất sắc với số điểm tuyệt đối vào tháng 7/2016, đạt được học bổng chuyển tiếp thạc sĩ do Chính phủ Hung-ga-ri và Việt đồng tài trợ.

Năm đầu mới sang Hung – ga –ri, môi trường hoàn toàn mới lạ, bạn bè mới, cuộc sống mới có muôn vàn những khó khăn chờ đợi. Vất vả nhất với chàng trai trẻ này có lẽ là thời gian học tiếng. Bảo phải học hai trường, một trường dạy tiếng Hung – ga – ri và một trường dạy nhạc, nên ngày nào cũng mất hai giờ đồng hồ đi lại giữa hai trường. Thậm chí, có những lúc bị ốm nhưng vẫn phải ra sân khấu biểu diễn, hay những lúc không được tập đàn trước khi thi, rồi những chuyến tàu vội vàng sang Áo biểu diễn xong lại về trong đêm để kịp hôm sau đi học,…

Mùa đông bên nước bạn, xa nhà và tự lập, Bảo còn nhớ những ngày có tuyết rơi, chàng trai trẻ lại ngồi đánh đàn và nhớ về quê hương, hình ảnh Tổ quốc và cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, đâu đó có niềm vui của bố và sự tự hào của mẹ. Nghĩ vậy, Bảo lại tự nhủ: Khó khăn có là gì, cần phải bước tiếp!

Từ những nỗ lực đó, Trần Viết Bảo đã mang về không biết bao nhiêu thành tích lớn nhỏ. Năm 2008, Bảo được lọt vào chung kết cuộc thi Piano Quốc gia “Mùa Thu”; Năm 2010 Bảo mang về giải Nhì trong Cuộc thi Piano Quốc tế lần đầu tiên tại Hà Nội và kèm theo giải dành cho người chơi Nocturne của Chopin hay nhất; Năm 2011chàng trai trẻ sang Hàn Quốc tham gia Festival Piano Quốc tế tại Cheonan và đạt được Huy chương Vàng. 

Đến năm 2012 Bảo đã đạt Thủ khoa của Nhạc viện và nhận được học bổng Hiệp định của Bộ Giáo dục Đào tạo đi học tại Học viện Âm nhạc Franz Liszt tại , . Cũng trong quá trình này Bảo đã có những buổi biểu diễn tại nhiều nước như Hung-ga-ri, Ý, Pháp, Hà Lan, Áo; và đi thi một số cuộc thi ở châu Âu. Năm 2016, Trần Viết Bảo vinh dự đạt giải Ba tại Festival Âm nhạc Grand Prize Virtuoso tại London và giải Ba tại cuộc thi Piano Quốc tế ở Roma (Ý). Gần đây nhất, Bảo sang Ý tham gia cuộc thi “Piano dành cho tài năng trẻ” tại thành phố và giành được giải Nhì.

 “Em muốn được biểu diễn nhiều hơn nữa, được thể hiện mình trên sân khấu, bởi sau cánh rèm của mỗi chương trình, em lại được trau dồi kiến thức, được học hỏi từ bạn bè các nước và  hoàn thiện mình hơn. Em mong muốn được về quê hương để làm việc, vẫn công việc về nghệ thuật nhưng hơn tất cả, em muốn được truyền cảm hứng cho những người yêu nhạc" Trần Viết Bảo chia sẻ.

Chia sẻ kỉ niệm trong quá trình học tập ở nước bạn, Bảo nhớ lại: “Em nhớ nhất là những buổi học đàn đầu tiên với thầy giáo dạy Piano tại Học viện Âm nhạc Liszt, thầy Némethy Attila và thầy Jeno Jando với sự nhiệt huyết và am hiểu âm nhạc tuyệt vời khiến em cảm thấy mỗi một buổi học của thầy khiến mình thay đổi. Phải phấn đấu từng ngày và thấy thêm yêu từng nốt nhạc, yêu nghề hơn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.