Gắn kết du lịch với nghệ thuật: Cần cái “bắt tay” đúng nghĩa

GD&TĐ - Thực hiện chủ trương của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, vấn đề gắn bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch sẽ được đi vào triển khai trong tháng 6/2017. 

Du khách nước ngoài đến với không gian nghệ thuật biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội
Du khách nước ngoài đến với không gian nghệ thuật biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội

Theo đó Nhà hát Lớn Hà Nội chính thức mở cửa đón du khách trong và ngoài nước tới tham quan. Hy vọng rằng sự gắn kết này sẽ mở ra hướng đi mới cho ngành du lịch cũng như việc đưa các chương trình nghệ thuật có chất lượng đến với khán giả.

Thêm cơ hội cho khách tham quan

Ý tưởng đưa du khách tới tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội - một di sản, một thiết chế văn hóa sang trọng bậc nhất Thủ đô Hà Nội, nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật đã được sự hưởng ứng của nhiều ban ngành. Việc kết nối giữa du lịch và nghệ thuật sẽ giúp nhân dân và du khách có thêm một điểm đến đặc sắc trong hành trình khám phá Thủ đô Hà Nội.

Trong chương trình đưa ra Nhà hát Lớn Hà Nội đã xây dựng 2 gói sản phẩm bao gồm: Tham quan Nhà hát Lớn và tham quan Nhà hát Lớn kết hợp xem biểu diễn nghệ thuật. Theo đúng yêu cầu của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, mỗi tiết mục biểu diễn phục vụ du khách tại đây cần hết sức ngắn gọn, súc tích, thể hiện được vẻ đẹp tinh túy của các loại hình nghệ thuật truyền thống, không quá hàn lâm mà tươi vui, nhẹ nhàng, thể hiện được văn hóa

Việt Nam. Chương trình nghệ thuật dự kiến trình diễn tại Nhà hát Lớn có thời lượng khoảng 30 phút gồm các tiết mục do Nhà hát Chèo Việt Nam, Tuồng Việt Nam, Ca múa nhạc Việt Nam biểu diễn.

Về phía Tổng cục Du lịch, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Cục trưởng, cũng cho biết: Trong quá trình kết hợp cùng thực hiện với Nhà hát Lớn Hà Nội, Tổng cục Du lịch sẽ hỗ trợ phần thuyết minh, bồi dưỡng nghiệp vụ cho thuyết minh viên, để giới thiệu được những nét đặc sắc nhất, những nét kiến trúc rất cổ điển, rất đáng tự hào của Nhà hát Lớn đến khách du lịch. Ngoài việc phối hợp với các đơn vị trong bộ, chúng tôi sẽ tổ chức các buổi giới thiệu đến các công ty lữ hành, các khách sạn và sản xuất các ấn phẩm, vật phẩm như tờ rơi, vật gấp để giới thiệu rộng rãi chương trình này đến công chúng, khách du lịch cũng như công ty lữ hành.

Những bất cập cần được tháo gỡ

Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, mức giá đưa ra là 400.000 đồng/khách (18 USD) cho một lịch trình tham quan và biểu diễn nghệ thuật là khá cao, có thể khiến du khách trong và ngoài nước đắn đo. Theo bà Nghiêm Hà (Công ty lữ hành Threeland Travel) thì giá vé dự tính là quá cao và chương trình biểu diễn chưa đủ sức hấp dẫn.

Đến với Nhà hát Lớn Hà Nội, địa danh được coi là thánh đường của nghệ thuật, điều mong mỏi của du khách cũng chính là được thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật tinh hoa, được đầu tư kỹ lưỡng về tiền bạc, công sức chứ không chỉ là sự cắt ghép một cách dễ dãi. Chương trình diễn ra ở đó không chỉ cần có nội dung tốt, nghệ sĩ biểu diễn giỏi mà phần biểu diễn ấy còn phải là sự tổng hòa của âm thanh, nghệ thuật, ánh sáng.

Rõ ràng ngoài vấn đề về quy trình phục vụ tham quan thánh đường nghệ thuật thì chất lượng của các chương trình nghệ thuật phải được dàn dựng kỹ lưỡng đáp ứng thị hiếu của khán giả thì mới thu hút được du khách đến thăm. Các chương trình nghệ thuật được xây dựng để phục vụ khách du lịch cần mang dấu ấn tinh hoa và phù hợp thị hiếu du khách. Nghệ thuật truyền thống của Việt Nam vốn được đánh giá cao bởi sự độc đáo nhưng hiệu quả mang lại về kinh tế còn hạn chế cũng xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Theo ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, một trong những nguyên nhân là sự khác biệt về ngôn ngữ thể hiện. Với nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương thì ngoài ngôn ngữ thể hiện bằng vũ đạo, giá trị nghệ thuật còn thể hiện qua lời nói, ca từ mà điều đó khó có thể chuyển tải tới khán giả. Không chỉ vậy, việc chỉ mang những sản phẩm, tiết mục cũ với cơ sở hạ tầng sẵn có không còn hiện đại, tiện nghi, chưa thực sự ấn tượng… thì thật khó có thể hấp dẫn được du khách.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Giám đốc Ban Quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội - chia sẻ: Trong quá trình hoạt động gần 20 năm, ngoài việc tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật, Nhà hát Lớn Hà Nội đã đón tiếp, phục vụ và giới thiệu lịch sử, kiến trúc của Nhà hát cho hàng trăm đoàn khách chủ yếu là khách nước ngoài. Tuy nhiên, vấn đề khai thác tham quan cho đối tượng khách du lịch tại Nhà hát chưa được thực hiện thường xuyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.