Điều đó khiến các diễn viên tương lai ít có cơ hội được học hỏi từ thực tiễn như các em mong muốn.
Thêm cơ hội về cơ chế chính sách
Theo Đề án, những học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật thuộc các lĩnh vực: Âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật, điện ảnh, múa, xiếc và ngành sáng tác văn học... có tài năng, năng khiếu vượt trội sẽ được tham gia đào tạo tập trung ở trong nước (trong đó có thời gian thực tập ngắn hạn ở nước ngoài) và tham gia các cuộc thi, hội diễn, triển lãm, trại sáng tác theo ngành, chuyên ngành đào tạo ở trong nước và nước ngoài; tham gia liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo có uy tín của nước ngoài.
Trong năm 2017, Bộ VH-TT&DL sẽ triển khai theo hình thức công khai thông báo về học bổng và các thông tin tuyển chọn ứng viên qua mạng Internet, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin vào quá trình tổ chức tuyển chọn. Vấn đề này sẽ được công khai để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin, đảm bảo quyền lợi và tạo điều kiện tối đa cho mọi công dân có nhu cầu tìm hiểu, có nguyện vọng được học tập ở nước ngoài theo đối tượng và tiêu chuẩn của Đề án.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện Vụ Đào tạo trực thuộc Bộ VH-TT&DL cho biết: Sau khi các cơ sở được lựa chọn nhận nhiệm vụ sẽ xây dựng các dự án hợp phần của Đề án. Các dự án hợp phần này sẽ cụ thể với từng lĩnh vực, trình Bộ VH-TT&DL phê duyệt để có cơ sở thực hiện. Từ đó đảm bảo cho công tác đào tạo tài năng thuộc các dự án của Đề án; thực hiện kiện toàn cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị hiện đại phù hợp với từng chuyên ngành đào tạo; Chuẩn bị về đội ngũ giảng viên, các giảng viên giỏi, sâu cả về lý thuyết và thực hành.
Các giảng viên không chỉ có học hàm, học vị mà còn phải giỏi về nghề. Đặc biệt, chương trình đào tạo còn có sự kết hợp của các chuyên gia, giảng viên giỏi từ nước ngoài vào giảng dạy.
Song song với đó, Bộ VH-TT&DL sẽ nghiên cứu, thành lập các Hội đồng tư vấn chuyên môn gồm các chuyên gia kinh nghiệm trong đào tạo phát hiện và bồi dưỡng tài năng, có nhiều tài năng đoạt giải quốc gia, quốc tế, những người đã được đào tạo bài bản ở nước ngoài truyền đạt kinh nghiệm về chuyên môn, phương pháp hiện đại, để xây dựng hệ thống các tiêu chí tuyển chọn tài năng một cách khoa học, bài bản.
Vẫn còn nhiều rào cản
Một trong những khó khăn đối với các sinh viên theo học các ngành nghệ thuật đó là “đầu ra” trong công tác đào tạo vẫn là mối băn khoăn lớn. Trên thực tế, các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật trên cả nước đều tuyển sinh muộn hơn so với các trường cao đẳng và đại học chuyên nghiệp khác. Điều đó dẫn tới tình trạng nhiều bạn trẻ tìm đến các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật như một cơ hội thứ hai; thậm chí là thi thử để được trải nghiệm và cân đo năng khiếu nghệ thuật của bản thân. Trong khi đó, đi theo con đường sáng tác hay biểu diễn không chỉ cần năng khiếu, tài năng mà còn đòi hỏi nghệ sĩ phải kinh qua quá trình đào tạo, khổ luyện và ý thức cống hiến bền bỉ, lâu dài.
Tuy nhiên, để các sinh viên có được trải nghiệm thực tế thì rất cần sự hợp tác từ những sân khấu lớn. Trừ một số sinh viên có năng khiếu, năng động là có khả năng tiếp cận được với nghề ngay khi học ở giảng đường, còn đa phần các sinh viên của các trường nghệ thuật hiện nay ít được cọ xát với nghề.
PGS.TS Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cho biết: Lâu nay nhà trường vẫn tiếp cận các đơn vị nghệ thuật để tạo cơ hội cho sinh viên tham gia sáng tạo, xem đó như việc làm bắt buộc, có ý nghĩa quan trọng; để sau khi tốt nghiệp, về nhà hát, hãng phim, các em có thể tác nghiệp ngay. Song hiện nay không nhiều đơn vị nghệ thuật hưởng ứng chủ trương này, hoặc nếu có, cái bắt tay chưa thật chặt.