Rời quân ngũ, nung nấu cách thoát nghèo
Học cách làm giàu ở nông thôn hiện nay đang là xu hướng được nhiều bạn trẻ lựa chọn, có thể học cách làm giàu tại nông thôn từ những nghề chăn nuôi, như nuôi lợn, gà theo mô hình trang trại, nuôi bò lấy sữa, kết hợp trồng cây hiếm. Đã có rất nhiều người sau khi khởi nghiệp làm giàu từ nông nghiệp đã trở thành “triệu phú nhà nông”, với thu nhập bình quân mỗi tháng vài trăm triệu.
Nguyễn Ngọc Hanh sinh ra và lớn lên ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Học xong cấp 3, Hanh thi đỗ trường Đại học ở Hà Nội nhưng cậu tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ. Gia đình anh muốn cậu con trai ở lại trong quân ngũ, phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên, anh cũng không chọn con đường ấy. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Hanh trở về địa phương.
Trăn trở về việc làm sao để thoát nghèo, cũng là để thế hệ sau bớt loay hoay kiếm sống, Nguyễn Ngọc Hanh đã lên các kế hoạch riêng như chăn nuôi, sản xuất đồ truyền thống địa phương hay khai thác du lịch làng nghề,…Hàng trăm câu hỏi đặt ra trong đầu nhưng vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu khi vốn sống và kinh nghiệm còn ít ỏi.
Một ngày, thấy mẹ vẫn duy trì làm tinh bột nghệ theo kiểu thủ công cho người nhà và bán lẻ cho hàng xóm, ý nghĩ chợt lóe lên khiến Hanh nghĩ ngay đến việc xuất sản phẩm này để kinh doanh theo quy mô lớn.
Lúc đầu, mọi phương án mà Hanh đưa ra đều bị người thân phản đối vì cho rằng phải vay số vốn lớn mua máy móc, nguyên vật liệu trong khi chưa biết sản phẩm làm ra sẽ tiêu thụ ở đâu là quá mạo hiểm. Nhất là kinh nghiệm để mở xưởng sản xuất với số vốn đầu tư ban đầu như thế là một áp lực đối với những người trẻ tuổi.
Thế nhưng, quyết tâm vươn lên làm kinh tế, cũng là mong muốn được giúp những thành niên khác trong làng thoát cảnh thất nghiệp sinh ra nghèo đói, Hanh cho rằng, tinh bột nghệ chính là lối đi đúng đắn.
Kiên trì thuyết phục, thể hiện lòng quyết tâm, chàng trai trẻ đã được gia đình ủng hộ và giúp hoàn tất các thủ tục cần thiết để vay 400 triệu đồng từ ngân hàng và bắt đầu lập nghiệp.
Với số tiền vay được, Hanh dùng gần 200 triệu đồng xây dựng nhà xưởng rộng trên 500m2, máy móc thiết bị, số còn lại đi thu mua nghệ tươi từ khắp các tỉnh miền núi phía Bắc như: Hà Giang, Bắc Kạn, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái…
Nôn nóng thu lãi từ mẻ nghệ đầu tiên nhưng chính Hanh đã gặp thất bại. Hàng tấn nghệ cho vào máy quay mà không ra tinh bột. Chàng trai 9X thừa nhận lúc đó vô cùng hoảng vì bao trông mong không ra kết quả, sản xuất không dễ như mình nghĩ, Hanh đã lỗ nặng từ ngày đầu.
Cũng ngay mẻ nghệ đầu tiên, do không biết cách bảo quản nên bị thối, nát, bỏ đi rất nhiều. Mặt khác, do Hanh chưa biết cách sử dụng máy móc nên nghệ làm ra không đạt chất lượng, vẫn bị đắng và còn nhiều tinh dầu lẫn tạp. Chưa có kinh nghiệm, những tưởng không có duyên để làm giàu, Hanh định bỏ cuộc.
Thêm khó khăn nữa là khâu tìm hiểu thị trường. 3 tấn nghệ đầu tiên sản xuất ra gần như không bán được khiến Hanh không còn đồng vốn nào để xoay vòng, lãi mẹ đẻ lãi con ngày càng chồng chất…Người thân khuyên ngăn nên dừng lại trước khi nợ quá nhiều.
Những tưởng Hanh sẽ buông tay với sự nghiệp “thoát nghèo”. Thế nhưng bản lĩnh kiên cường, không khuất phục khó khăn có được sau những năm tháng trong quân ngũ đã giúp Hanh không chùn bước. Anh quyết định tìm đến từng nhà người thân, họ hàng, bạn bè vay thêm 300 triệu đồng mua nguyên liệu về tiếp tục sản xuất.
Ý chí làm giàu đem đến thành công lớn
Rút kinh nghiệm từ thất bại trước, Hanh lên mạng học hỏi, nghiên cứu kỹ từng khâu rồi làm thí điểm chứ không sản xuất hàng loạt. Anh còn tìm hiểu quy trình vận hành máy móc của những người hiểu biết trong thôn. Biết được máy sản xuất tinh bột nghệ có cấu tạo tương tự như sản xuất sắn dây, anh đã tìm đến những cơ sở này để học hỏi thêm.
Không những thế, anh còn lên mạng tìm hiểu quy trình sản xuất ra tinh bột nghệ, kinh nghiệm của những người vươn lên thoát nghèo trước đó. Hanh cũng không ngại lặn lội đi các tỉnh lân cận để tận mắt chứng kiến các cách vận hành máy móc,…
Sự kiên trì của Nguyễn Ngọc Hanh đã được đền đáp xứng đáng, những mẻ tinh bột nghệ đã cho kết quả tốt. Xưởng sản xuất tinh bột nghệ của anh được thương lái khắp các nơi trong, ngoài tỉnh tìm đến đặt hàng. Năm 2016, xưởng đã sản xuất được 7 tấn tinh bột nghệ, trừ chi phí thu lãi gần 500 triệu đồng.
Thậm chí, anh còn tự trồng nghệ để đảm bảo quy trình khép kín từ đầu vào đến đầu ra. Cho đến nay, dù giá cả lên, xuống nhưng tháng nào xưởng sản xuất của Hanh cũng thu lợi nhuận mấy chục triệu đồng.
Đặc biệt, sản phẩm tinh bột nghệ của Hanh không chỉ có mặt ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước mà còn đang hoàn tất các thủ tục cần thiết để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Khi xưởng sản xuất đã đi vào ổn định, kinh doanh thu lại lợi nhuận, Nguyễn Ngọc Hanh lại muốn đi học tiếp. Hanh chia sẻ: “Công việc cần có trình độ để quản lý và học thì không có điểm dừng. Mình đi học tiếp không phải vì mục tiêu phải có bằng cấp mà phục vụ cho công việc hiện tại được tốt hơn. Việc học cũng đem lại cho mình kiến thức quý báu trong kinh doanh cũng như việc làm giàu một cách bài bản hơn”.
Chính nhờ ý chí vươn lên làm giàu và tinh thần học hỏi, ông chủ trẻ tuổi này còn giúp đỡ được rất nhiều thanh niên tại địa phương có việc làm, đem lại thu nhập ổn định. Hiện, Hanh đã tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán tại trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc.
Có thêm vốn, Hanh mở thêm xưởng sơn, gò, hàn ô tô thu hút khách gần xa đến. Từ hai bàn tay trắng, được sự tin yêu của bạn bè, gia đình động viên kể cả khi thất bại đến thành công, Hanh đã có số vốn ổn định và dự định mở thêm xưởng để làm tinh bột nghệ chất lượng cao mang ra nước ngoài.
Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.